Thứ Sáu, 06 Tháng Mười Một, 2015 15:32

NOSTRA AETATE: 50 năm cống hiến và các thách đố ngày nay

Ngày 28.10.1965, Công đồng Vaticanô II công bố Tuyên ngôn Nostra Aetate (Thời đại chúng ta) về các mối tương quan của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Đức cha Michel Dubost, Giám mục giáo phận Evry-Corbeil-Essonnes, Chủ tịch Hội đồng liên lạc liên tôn; và Đức cha Vincent Jordy, Giám mục giáo phận Saint-Claude, Chủ tịch Hội đồng Hợp nhất Kitô hữu và liên lạc với Do Thái giáo (đều thuộc HĐGM Pháp) đã cùng phân tích những điểm nổi bật của văn kiện này, đồng thời nhấn mạnh đến các thách thức Nostra Aetate đang gặp phải.

CGvDT xin giới thiệu lại bài viết và phần trả lời phỏng vấn của hai vị trên website của Giáo hội Công giáo Pháp. Đức cha Michel Dubost : CÁC BẠN LO SỢ ĐIỀU GÌ ?

Cách đây 50 năm, ngày 28.10.1965, Công đồng đã công bố Nostra Aetate. Một bản văn ngắn và khó soạn thảo. Một văn kiện tiêu biểu cho sự tiến bộ và có thể xem là một cuộc cách mạng cho đến tận ngày nay.

 

Bản văn nói gì ? Nostra Aetate mạnh mẽ khẳng định mọi dân tộc “làm nên một cộng đồng đích thật”, đều có Thiên Chúa là nguyên thủy và có chung một mục đích tối hậu. Văn kiện xác quyết Thiên Chúa yêu thương cả nam giới lẫn nữ giới và khẳng định những gì được tìm kiếm trong các tôn giáo, chính là đáp án cho những câu hỏi: “Đâu là ý nghĩa và mục đích của cuộc sống ?”, “Tại sao có sự đau khổ ?”,… Nhất là “Giáo hội không chối bỏ điều gì là chân thật và thánh thiện trong các tôn giáo” và mong ước, qua đối thoại, các Kitô hữu biết thăng tiến các giá trị tinh thần ẩn chứa trong các tôn giáo.

Tóm lại, văn bản nói lên ý: Đừng sợ người khác! Hãy gặp gỡ họ!

Các Kitô hữu hay lo lắng cho rằng bản văn quá ngây ngô. Và vì thế, thay vì phân biệt rõ điều gì là dấu ấn của Thiên Chúa và điều thiện ở tha nhân, họ nhất quyết tìm kiếm những gì không hay, không tốt nơi các tôn giáo khác. Qua đó, họ cho thấy nỗi sợ hãi của riêng họ. Văn kiện Công đồng đảm bảo được: đối với Kitô hữu, gặp gỡ tha nhân chính là muốn bén rễ sâu nơi Đức Kitô - Ngài “là đường, là sự thật và là sự sống” - đồng thời trao tấm lòng và đôi tay mình cho Đấng đã nhập thể để gặp gỡ mọi người.

 

Chúng ta còn phải tin tưởng vào Chúa Thánh Thần để truyền thần hứng cho thái độ và lời ăn tiếng nói đúng đắn của mình ! Đã từ lâu, phải khó khăn lắm đối với Kitô hữu khi nhìn người Do Thái bằng cái nhìn trong sáng của Đức Kitô, Đấng sinh bởi nữ tử Sion. Công đồng chính là đà tiến thật sự để chúng ta khám phá và thân thiện với người Do Thái, là những anh cả của chúng ta trong đức tin. Với người Hồi giáo, do các lý do lịch sử, vẫn còn đôi chút khó khăn, nhưng Công đồng cam kết tìm được sự “hiểu biết lẫn nhau”.

Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, khi suy niệm Phúc Âm, đã muốn lập nên một buổi cầu nguyện chung tại Asissi năm 1986. Cuộc gặp gỡ liên tôn này hẳn còn soi sáng cho chúng ta khi đọc lại tuyên ngôn Nostra Aetate: không phải sợ hãi, chúng ta có thể tin tưởng vào những điều tốt nhất của tha nhân để xây dựng hòa bình thế giới ngày nay.

 

Điểm nhấn của Công đồng Vatican II

(Phần trả lời phỏng vấn của Đức cha Vincent Jordy)

Ảnh hưởng của tuyên ngôn Nostra Aetate lên đối thoại giữa Do Thái giáo và Kitô giáo?

Tuyên ngôn Nostra Aetate là một văn bản quan trọng của Công đồng Vatican II, là dấu chỉ rõ ràng của sự thay đổi cách nhìn về các tôn giáo khác. Sự thay đổi này nổi bật đặc biệt trong mối tương quan với Do Thái giáo vì giữa hai đạo Kitô và Do Thái có một quan hệ duy nhất, có “thực chất” vì cùng chia sẻ một gia sản chung, đó là Lời Chúa - mà Kitô hữu chúng ta gọi là Giao ước Đầu tiên hay Cựu ước - cũng như các giá trị luân lý chung, bén rễ sâu trong Lời này.

Việc thay đổi cách nhìn ấy cũng ăn sâu vào mối tương quan khác, đau đớn hơn nhiều. Đó là tương quan lịch sử về mối liên hệ giữa Kitô hữu và người Do Thái trải qua nhiều thế kỷ. Chúng ta đã đi qua, nhờ Công đồng Vatican II và Nostra Aetate, từ sự “dạy dỗ về thái độ miệt thị” như Jules Isaac đã từng khơi gợi, để đến cuộc đối thoại kiên định.

Từ 50 năm nay, các giai đoạn lớn của cuộc đối thoại đã diễn ra như thế nào?

Các giai đoạn ấy thường gắn kết với sự dấn thân rất mạnh mẽ của các vị Giáo hoàng sau Công đồng. Chúng ta có thể gợi lại ở đây Đức Gioan-Phaolô II, khi ngài đến thăm hội đường Do Thái tại Mayence và nói về đạo này như là “giao ước đầu tiên không bao giờ bị hủy bỏ”. Hay như Đức Bênêđictô XVI nhắc lại rằng, đối với người Công giáo, chủ trương bài Do Thái là một tội lỗi. Chúng ta cũng nhớ đến những sự kiện tiêu biểu như cuộc viếng thăm của Đức Gioan-Phaolô II tại hội đường Rome hay việc ngài cầu nguyện trước bức tường Đền thánh Giêrusalem.

Theo Đức cha, cần phải giải quyết những thách thức nào?

Các thách thức vẫn còn nhiều. Nhiều người còn chưa biết nguồn gốc Do Thái của đạo Công giáo. Đây là điều cần không ngừng nhắc lại để các tín hữu hiểu rõ hơn mầu nhiệm đời họ. Cũng phải giúp giới trẻ Công giáo đối mặt với xu hướng bài Do thái đang dâng cao. Các thế hệ đã sống qua thời chiến tranh, đều biết thảm kịch xảy ra ở các trại diệt chủng (Shoah) của Đức quốc xã. Từ nay, thông tin này cần được cung cấp cho các bạn trẻ. Đối với họ, các biến cố ấy thuộc về một lịch sử không phải của họ, nhưng họ phải tường tận để xây dựng lịch sử của xã hội chúng ta mai này.

Viết Quang chuyển ngữ

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm