Ở nơi tưởng chừng như mọi niềm vui của cuộc sống đều có thể bị bóp nghẹt bởi sự u ám của mặc cảm tội lỗi, những hạt giống Tin Mừng mà sơ Monique Lorrain miệt mài gieo trồng vẫn từng ngày đâm chồi nảy lộc.
Nhà tù của thành phố Korhogo, thủ phủ phía bắc của Bờ Biển Ngà chỉ có sức chứa 150 người, nhưng thường xuyên có khoảng 450 phạm nhân bị giam giữ tại đây. Chốn ngột ngạt, bức bối ấy là điểm đến quen thuộc của sơ Monique, vị nữ tu 70 tuổi người Pháp của dòng Thánh Phanxicô Xaviê. Thứ Năm hằng tuần, sơ thăm trại giam của nam. Thứ Sáu, sơ đều đặn đến trại giam dành cho phụ nữ và trẻ vị thành niên.
![]() |
Vị nữ tu đã dành cả cuộc đời để mang niềm hy vọng của Tin Mừng đến cho các phạm nhân |
Trải chiếu, rồi cầu nguyện
Sơ Monique kể với trang tin Aleteia: “Mỗi lần chúng tôi đến, các quản giáo đưa vào phòng giam, rồi khóa cửa lại. Chúng tôi cố gắng kiếm một khoảng trống, trải chiếu ra, rồi cầu nguyện, mọi người tụ dần lại”. Vòng tròn nhỏ ấy đọc kinh, hát thánh ca với nhau, sau đó là giờ giáo lý. Vị nữ tu cố gắng dùng những ngôn ngữ bình dân nhất, gần gũi nhất với họ, để họ có thể được gần gũi với Thiên Chúa. Trong “cộng đoàn truyền giáo đặc biệt” của sơ Monique, không ít tân tòng đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, và tại đây, mỗi một Kitô hữu đều có thể trở thành một thừa sai: “Họ có cách thể hiện nhiệt thành đến mức khi họ cầu nguyện đã làm nhiều phạm nhân khác bắt đầu tỏ bày với Ðấng Tối Cao, dù không theo đạo”.
Sơ nhớ như in vào dịp thăm viếng thứ Năm hằng tuần sau lễ Phục Sinh năm nọ, khi bắt đầu trải chiếu ra và mọi người vừa ngồi xuống, một phạm nhân đến gần, nhét một bao thơ vào tay “thiên thần hộ mệnh của trại”. Trong bao thơ là những đồng lẻ, tổng cộng chỉ khoảng 20.000 franc Bờ Biển Ngà (hơn 750.000đ), nhưng đó là tất cả những gì các tín hữu tại trại chắt chiu được từ tiền túi rất ít ỏi để đóng góp cho Mùa Chay. Với số tiền này, sơ Monique mua thêm được ít gạo, ít dầu để làm quà cho những nữ phạm nhân đang bị bệnh phải điều trị trong bệnh xá. “Nước Chúa thật sự hiện diện. Tại đây, tôi đã chứng kiến sự quan phòng của Chúa. Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Người, kể cả song sắt nhà tù!”.
![]() |
Sống giản dị để hòa nhập với người bản xứ |
Những lần đến với “cộng đoàn”, vị nữ tu cao niên thường có chị Joséphine, một giáo dân người Bờ Biển Ngà đi cùng. Chị là một cộng sự đắc lực, đặc biệt là về mặt ngôn ngữ vì ở trại giam, các phạm nhân nói nhiều thứ tiếng khác nhau, từ tiếng Dioula - ngôn ngữ thường được giới bình dân sử dụng, đến tiếng Senoufo - phương ngữ của thổ dân Senoufo sống ở phía bắc Bờ Biển Ngà và phía nam Mali… Ða số họ là người Hồi giáo, một số ít là tín hữu Công giáo và các Giáo hội Kitô khác. Những phạm nhân ở đây cũng bị kết án vì nhiều tội trạng khác nhau, nhẹ thì trộm cắp, lừa đảo, nặng thì giết người. Ðiểm chung dễ gặp nhất của họ là hầu hết đều rất nghèo. Quá khứ của họ đau thương, hiện tại thì ảm đạm và tương lai thì mờ mịt. Bằng sự hiện diện của mình, sơ Monique mang Tin Mừng đến các trại giam Korhogo, cùng các phạm nhân thắp lại ngọn nến hy vọng.
“Lạy cha, xin tha cho họ…”
Một trong các “nhà truyền giáo” trong trại rất được mọi người quý mến là ông Khalifa. Ông ở tù đã 6 năm vì án giết một người thân trong gia đình. Gần đây, các bằng chứng mới thu thập được đã cho thấy ông hoàn toàn vô tội nhưng vì các quy trình pháp lý tốn nhiều thời gian ở Bờ Biển Ngà, đến nay ông vẫn chưa được trả tự do. Người đàn ông có 6 con này vẫn không tỏ ra bất mãn hay oán giận vì “đã phó thác mọi sự trong tay Chúa”. Trong lúc chờ đợi được thả ra, Khalifa tiếp tục hăng say với vai trò đầu tàu của “cộng đồng truyền giáo” ở trại giam. Nhờ ông, rất nhiều phạm nhân đã trở thành tân tòng. Khalifa chỉ là một trong muôn vàn hoàn cảnh mà sơ Monique từng gặp ở nhà tù Korhogo. Không ít lần, đến ngày vào thăm là bước chân của vị nữ tu lại nặng trĩu vì biết sắp phải đối mặt với những câu chuyện thật buồn. Chẳng hạn như trong một thời gian dài, sơ nhiều lần đến thăm một phụ nữ 29 tuổi, cô đã giết 3 người con của mình rồi tự tử bất thành, nhưng bị thương nặng và được điều trị ở bệnh viện. Sơ bày tỏ: “Vụ việc khiến tôi kinh hoàng, nhưng khi bình tâm hơn, tôi lại nghĩ: Ðiều gì u uất đến thế, đớn đau đến thế, đã làm cô ta hành động như vậy? Hơn hết, Chúa đã tha thứ nên Người cứu sống cô… Nhiều người không ý thức được sự nghiêm trọng trong hành động của mình. Khi gặp họ, tôi luôn nghĩ về lời của Ðức Kitô: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.
![]() |
Các nữ tu dòng Thánh Phanxicô Xaviê ở thành phố Korhogo |
Tha thứ, hy vọng và tin vào sự lương thiện ở mỗi con người chính là những món quà từ Lời Chúa mà sơ Monique vẫn mang tặng các phạm nhân, đặc biệt là khoảng 20 trẻ vị thành niên từ 15 - 18 tuổi đang bi giam giữ ở nhà tù Korhogo. Sơ và chị Joséphine là những phụ nữ hiếm hoi mà các em được gặp nên chúng xem họ như bà, như mẹ, và hết mực tin tưởng. “Bọn trẻ luôn làm tôi xúc động vì chúng khao khát tìm được chỗ dựa, trong lúc đang lạc lối và hoàn toàn mất phương hướng. Chúng xin tôi nói cho nghe về Mười Ðiều Răn. Nhà tù là một nơi đầy rẫy sự bạo động, nhưng cũng ở đây, chúng ta có thể tìm thấy những phút giây ủi an, dịu dàng”, sơ chia sẻ. Những giây phút ấy là các buổi gặp gỡ, cầu nguyện hằng tuần, là thánh lễ Giáng Sinh khó quên với sự tham dự của một ca đoàn được đặc cách vào nhà giam… Hiện sơ Monique sống tại thành phố Korhogo với hai nữ tu khác của dòng Thánh Phanxicô Xaviê. 70 tuổi, 50 năm khấn dòng và nhiều thập niên phục vụ ở những nhà tù của các nước châu Phi, vị nữ tu vẫn tiếp tục sứ mệnh truyền giáo cho các “cộng đoàn” đặc biệt này, vì “trại giam là nơi của khổ nạn, nhưng sau khổ nạn sẽ là Phục Sinh”.
Lan Chi
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.