Thứ Sáu, 26 Tháng Mười Một, 2021 10:41

Nữ tu dòng Thừa sai Comboni giúp đỡ trẻ em đường phố Uganda

 

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) xếp vùng Karamoja ở đông bắc Uganda vào một trong những vùng nghèo nhất thế giới: 1,2 triệu dân, trong đó 61% sống dưới mức nghèo khổ. “Ở đây, các cô gái ở tuổi 15 thường có nhiều hơn một con và trung bình mỗi bà mẹ có tám con”, nữ tu Fernanda Cristinelli nhận định. Chị nói về nói về hiện tượng buôn người phổ biến là vì “tình trạng nghèo đói ở khu vực này của Uganda cao đến mức nhiều gia đình không biết là con họ đang là nạn nhân của mạng lưới buôn người”. Chính vì thế, Karamoja là nơi chị bắt đầu một dự án dành cho trẻ em. Tháng 3.2019, nhờ sự tài trợ nhận được từ Hội đồng Giám mục Ý và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, Trung tâm Trẻ em Thánh Daniel Comboni đã được khai trương. Trong một năm rưỡi, trung tâm đã săn sóc 200 trẻ em, đào tạo nghề cho trẻ lớn và đồng hành cùng các cô gái bị lạm dụng tình dục.


Mạng xã hội: Con dao hai lưỡi

Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Công giáo Canđê cảnh báo rằng trong thời đại kỹ thuật số, sự lan rộng của mạng xã hội đã là một nguyên nhân gây gia tăng những chỉ trích Giáo hội từ những người không biết giáo lý Công giáo nhằm “thay thế sự thật bằng những ý tưởng mới và gây tranh cãi của họ”. Đức Hồng y kêu gọi tín hữu Công giáo không để mình bị chao đảo bởi những thông tin sai lệch về bản chất và đời sống của Giáo hội, nhưng hãy tách “gạo ra khỏi trấu”. Đức Thượng phụ Chính Thống Copte Tawadros II cũng đã từng tuyên bố các mạng truyền thông kỹ thuật số là “con dao hai lưỡi”, chúng có khả năng hủy diệt, gây hại cho các cá nhân và phá vỡ cấu trúc xã hội và Giáo hội.


Một cuộc “cách mạng ngôn ngữ” để truyền giáo ở Kazakhstan

Một trong những thách thức trong tương lai của việc truyền giáo ở Kazakhstan là sự chuyển đổi dần dần sang ngôn ngữ địa phương. Linh mục Leopold Kropfreiter, Giám đốc Quốc gia Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Kazakhstan, giải thích là trước đây, do sự hiện diện đông đảo của người người Ba Lan, nhiều nơi cầu nguyện bằng tiếng Ba Lan, sau này bằng tiếng Nga. Ngày nay, ngày càng có ít người gốc Nga và Ba Lan, và nếu muốn nói chuyện với những người trẻ, phải dùng tiếng Kazakhstan. Trong bối cảnh này, linh mục Leopold Kropfreiter đã dịch nhiều nhiều văn bản sang tiếng Kazakhstan, đồng thời cũng tạo nhiều dịp để các linh mục, tu sĩ và nữ tu gặp gỡ với người dân. Linh mục Leopold Kropfreiter nhận định Phúc Âm có thể được rao giảng theo nhiều cách và trong nhiều hoàn cảnh. Ở Kazakhstan có bốn giáo phận Công giáo với tổng số 70 giáo xứ và 91 linh mục, trong đó có 61 linh mục triều và 30 linh mục dòng. Người Công giáo là một thiểu số nhỏ. Trong số hơn 17 triệu cư dân có khoảng 26% là Kitô hữu, trong đó 1% là người Công giáo.


Dòng Camillô giúp Kenya khắc phục hậu quả hạn hán

Chương trình Ứng phó Thảm họa của dòng Camillô đang giúp cư dân vùng Wajir West, phía đông bắc của Kenya, nơi một đợt hạn hán nghiêm trọng đã để lại hậu quả nặng nề cho chăn nuôi và nông nghiệp. Hạn hán đã ảnh hưởng đến các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, gây mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng. Để giải quyết tình trạng nghiêm trọng này, chương trình Ứng phó Thảm họa đặt mục tiêu giảm 50% tỷ lệ suy dinh dưỡng thông qua việc phân phối thực phẩm cho 4.000 gia đình, cải thiện sinh kế bằng cách phân phối thực phẩm cho gia súc và tăng cường các phòng khám di động.


Giáo hội Paraguay mở Năm Giáo dân

Sau lễ Chúa Kitô Vua, ngày 21.11.2021, tổ chức ở Vương Cung Thánh Đường Caacupé, kết thúc năm phụng vụ B, khoảng 300 đại biểu giáo dân từ các giáo phận đã tham dự buổi lễ ra mắt Năm Giáo dân 2022 với chủ đề lấy ý từ Lc 24,33-34 “Họ cùng lên đường loan báo Đức Kitô”. Năm Giáo dân ở Paraguay nhằm củng cố ý thức thuộc về Giáo hội; củng cố việc đào tạo và cổ vũ giáo dân hiệp thông với giáo phận, giáo xứ và các phong trào; khuyến khích tinh thần truyền giáo, thúc đẩy các hoạt động mục vụ của một Giáo hội “hướng ngoại”.


Ðức Thánh Cha kêu gọi bài trừ nạn bóc lột sức lao động trẻ em

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên trong buổi tiếp kiến ngày 19.11.2021, dành cho các tham dự viên Hội nghị quốc tế về đề tài “Loại bỏ nạn lao động trẻ em, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh, việc bóc lột sức lao động trẻ em trong các tiến trình kinh tế toàn cầu hóa để mưu lợi nhuận và thu nhập cho người khác, đó là phủ nhận quyền của các em về đảm bảo sức khỏe, giáo dục, tăng trưởng hài hòa, bao gồm cả quyền được chơi đùa và mơ ước. Ðó là cướp mất tương lai của trẻ em và của chính nhân loại, làm thương tổn phẩm giá con người. Ngài nhận định: “Chính nạn nghèo đói cùng cực, thiếu việc làm và sự tuyệt vọng từ các gia đình là những nhân tố làm cho trẻ em dễ bị bóc lột sức lao động nhất. Nếu chúng ta muốn loại trừ tai ương trẻ em phải lao động, chúng ta phải cùng nhau làm việc để xóa bỏ nghèo đói, để sửa chữa những sai trái trong hệ thống kinh tế hiện nay, một hệ thống tập trung sự giàu có trong tay một số ít…”.


Hội Thánh Phêrô Tông đồ Ba Lan góp phần nuôi dưỡng ơn gọi

Chăm sóc ơn gọi, hỗ trợ làm cho ơn gọi phát triển tại các quốc gia truyền giáo là mục tiêu của Hội Thánh Phêrô Tông đồ ở Ba Lan. Từ 9 năm qua đã có ba chủng viện tại Madagascar, Peru và Ấn Độ được hội này trợ giúp tinh thần và vật chất. Trong năm 2020, số tiền quỹ lên tới khoảng 76.600 USD. Hiện nay, Hội Thánh Phêrô Tông đồ đưa ra kế hoạch giúp đỡ khoảng 80.000 chủng sinh. Cùng góp phần vào việc chăm sóc ơn gọi này, các nữ tu dòng Môn đệ Đức Chúa Trời dành 1% số tiền thu được từ việc bán y phục tu sĩ cho hội.


Chân phước Lazarus Devasahayam của Ấn Ðộ sẽ được tuyên thánh

Ngày 15.5.2022, tại Vatican, chân phước Lazarus Devasahayam của Ấn Độ và 6 chân phước khác sẽ được tuyên thánh. Đức Tổng Giám mục Felix Machado của Tổng Giáo phận Vasai, Tổng Thư ký của Hội đồng Giám mục Ấn Độ cho biết, chân phước Lazarus, thường được gọi là Devasahayam, đã trở thành người nghèo vì thiện ích và tình thương dành cho người nghèo, “Việc chân phước Lazarus được tuyên thánh sẽ là một sự khích lệ cho chúng tôi cố gắng bắt chước đời sống của ngài”. Chân phước Lazarus Devasahayam sinh ngày 23.4.1712 với tên gọi Neelakanda Pillai, tại làng Nattalam. Năm 1745, khi đó 32 tuổi, ngài lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Vì sự oán ghét đức tin, chân phước Devasahayam đã bị bắt giam và bị tra tấn. Ngày 14.1.1752, ngài đã bị bắn chết trong rừng Aralvaimozhy. Chân phước Lazarus là giáo dân và thánh tử đạo đầu tiên người Ấn của Giáo hội Ấn Độ.

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm