Thứ Sáu, 23 Tháng Tư, 2021 15:38

Phát hiện chữ viết cổ nhất Israel tại cổ thành trong Kinh Thánh

 

Một mảnh gốm vỡ được tìm thấy ở Tel Lachish (Israel) là đồ tạo tác cổ nhất từng được khai quật ở vùng đất đã được Kinh Thánh đề cập, hé lộ manh mối mới về quá trình chữ viết được truyền từ Ai Cập đến vùng Levant.

 

 

Dòng chữ đã được tìm thấy trên một mảnh gốm cổ, có niên đại cách đây 3.500 năm, mang đến manh mối mới về sự phát triển của hệ thống chữ cái làm nền tảng cho nhiều hệ thống chữ viết thời hiện đại. Các nhà khoa học đã phát hiện mảnh gốm vô giá trong lúc khai quật Tel Lachish, thị trấn cổ của người Canaan từng được đề cập trong Kinh Thánh, hiện nay ở miền nam Israel.

 

Cổ thành Tel Lachish

Nhờ kỹ thuật xác định niên đại bằng đồng vị carbon đối với các hạt lúa mạch được tìm thấy bên cạnh cổ vật, nhóm chuyên gia đoán được mảnh gốm tồn tại từ năm 1450 Trước Công nguyên, thời điểm khu vực là trung tâm của xã hội Canaan. Vì thế, họ khẳng định đây là mảnh gốm cổ nhất có chứa chữ viết theo hệ thống chữ cái từng được tìm thấy ở khu vực này.

Mảnh gốm được phát hiện trong lúc khai quật Tel Lachish

 

Mảnh gốm, kích thước 40 x 35mm, vốn thuộc về một cái vò, theo báo cáo đăng trên chuyên san Antiquity. Cổ vật được tìm thấy vào năm 2018, trong quá trình khai quật của nhóm chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ học Áo - Viện Hàn lâm Khoa học Áo. “Chúng tôi bắt đầu khai quật năm 2017”, theo tiến sĩ Felix Höflmayer, tác giả chính của báo cáo và đồng giám đốc dự án khảo cổ ở Tel Lachish. “Vào thời điểm đó, chúng tôi đang tìm kiếm chứng cứ có thể phân tích được bằng phương pháp đồng vị carbon để xâu chuỗi quá trình chuyển tiếp từ thời giữa đến cuối thời đại đồ đồng”, chuyên gia Höflmayer kể lại.

Tel Lachish là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất ở Israel. Thời điểm mảnh gốm vẫn còn dưới dạng một cái bình nguyên vẹn (tức khoảng giữa thiên niên kỷ thứ hai Trước Công nguyên), nơi đây là trung tâm của người Canaan. Cái tên Tel Lachish từng được đề cập vài lần trong Kinh Thánh. Theo Sách Joshua, người Israel phá hủy cổ thành này vào thời điểm họ chinh phục mảnh đất Israel, đánh dấu sự chấm dứt giai đoạn du cư trong sa mạc sau khi rời khỏi Ai Cập.

Tel Lachish sau này trở thành một đô thị quan trọng của người Israel dưới thời vương triều của Vua Judah, cho đến khi bị người Assyria san bằng vào thế kỷ thứ 7 Trước Công nguyên.

TS Felix Höflmayer

 

Nội dung chữ viết

Dòng chữ chứa 6 ký tự, trên hai hàng khác nhau. Theo đồng tác giả Haggai Misgav của Ðại học Hebrew ở Jerusalem, 3 chữ cái đầu có thể thuộc về từ “ebed”, có nghĩa là “nô lệ” hoặc “người hầu”. Dòng chữ đầu tiên cũng có thể là một phần của tên riêng phổ biến thời đó: Per Haaretz. Dòng thứ hai có thể đọc là “nophet”, tức “mật hoa” hoặc “mật ong”. Tuy nhiên, do dòng chữ quá ngắn và không hoàn chỉnh, các nhà nghiên cứu không thể xác định nghĩa của chúng. Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa rõ liệu chữ viết trên mảnh gốm phải đọc từ trái sang phải hoặc ngược lại.

Dù vậy, đội ngũ chuyên gia vẫn cho rằng họ đã phát hiện “mối nối đứt đoạn”, kết nối hệ thống chữ cái được tìm thấy ở Ai Cập và vùng Sinai với chữ viết ở Canaan thuộc vùng phía nam Levant. Levant chỉ một khu vực rộng lớn ở phía Ðông Ðịa Trung Hải, bao gồm Libya, Syria, Jordan, Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine. Levant còn gọi là điểm giao nhau giữa Tây Á, Ðông Ðịa Trung Hải và Ðông Bắc Phi.

Chữ viết trên mảnh gốm sử dụng phiên bản cổ hơn của hệ thống chữ cái của người Canaan, với những đường nét vẫn còn mang dấu vết tương tự hệ thống chữ tượng hình Ai Cập. Phát hiện mới đã lật ngược giả thuyết trước đây cho rằng bảng chữ cái chỉ được truyền đến khu vực của người Canaan khi Ai Cập cai trị vùng đất này.

 

“Vào cuối thời đồ đồng, từ năm 1550 đến 1200 Trước Công nguyên, khu vực dưới quyền kiểm soát của đế quốc Ai Cập”, tiến sĩ Höflmayer cho biết. Trong quá trình cai trị, người Ai Cập áp đặt hệ thống hành chính và chữ viết của mình ở thuộc địa. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng các chữ cái đầu tiên có thể được đưa đến vùng Levant trong giai đoạn này. Tuy nhiên, dựa trên chứng cứ mới, giới học giả phát hiện hệ thống chữ viết đã được sử dụng ít nhất từ thế kỷ 15 Trước Công nguyên, thời điểm sức ảnh hưởng của người Ai Cập tại đây vẫn còn mờ nhạt.

Theo thời gian, chữ viết của người Canaan được chia thành hệ thống chữ cái mà người Israel cổ dùng để ghi chép Cựu Ước. Với sự sụp đổ sau đó của các đế quốc chính ở Ðịa Trung Hải, những người đứng đầu các quốc gia nhỏ hơn bắt đầu chuyển sang sử dụng ngôn ngữ của mình. Các biến thể của bảng chữ cái từ thời Canaan được truyền từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Tây Ban Nha, và dần dần tạo tiền đề cho sự xuất hiện của hệ thống chữ cái Latinh được sử dụng phổ biến ngày nay.

 

LING LANG

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm