Thứ Sáu, 25 Tháng Chín, 2020 15:31

Phép lạ của thánh Phaolô và cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên ở Ý

 

Phép lạ đã xảy ra vào đêm thánh tông đồ Phaolô thành lập cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên trên bán đảo Ý, tại thành phố Reggio Calabria, và đến nay thánh tích về đêm huyền diệu đó vẫn còn ở lại.

 

Ai cũng biết về giai đoạn thánh Phaolô bị cầm tù và tử đạo ở Rome, nhưng những ngày trước khi đặt chân đến nơi này, ngài đã đến một cổ thành khác bên bờ biển, và một phép lạ đã xảy ra.

 

 

Ngày duy nhất ở Rhegium

Trong những chương cuối, Sách Công vụ Tông đồ đã ghi lại cuộc hành trình cam go của thánh Phaolô từ Ceasarea (Israel) đến Rome vào năm 61. Sau 3 tháng trên đảo Malta kể từ khi thuyền đắm, thánh Phaolô và những người đi cùng ngài một lần nữa giong buồm ra khơi. Họ mất 3 ngày để đến được điểm đầu tiên ở Syracuse, đô thị cổ giờ đây thuộc đảo Sicily, “và từ đó, thuyền của chúng tôi di chuyển dọc theo bờ biển và đến Rhegium”.

Kinh Thánh không đề cập chuyện gì đã xảy ra trong ngày duy nhất thánh Phaolô đặt chân đến Rhegium, giờ đây là Reggio Calabria, trước khi con thuyền lại rời bến đến Puteoli và cuối cùng là Rome. Tuy nhiên, nhà thờ ở Reggio Calabria vẫn gìn giữ câu chuyện quý báu về ngày quan trọng này, giúp thay đổi vận mệnh của cổ thành khi ấy thuộc Hy Lạp. “Vào thời điểm đó, thánh tông đồ bị bắt giữ làm tù nhân, và ngài bị buộc lên con thuyền trên. Thánh Phaolô đến thành phố của chúng tôi vào rạng sáng, và lúc đó ai cũng hiếu kỳ về sự có mặt của ngài”, theo lời kể của một cư dân Reggio Calabria, kỹ sư về hưu Renato Laganà.

 

Trước khi thánh Phaolô đến hòn đảo trên, Rhegium từng một thời thuộc về những người Etrusca vốn tôn thờ các vị thần Hy Lạp. Theo tín hữu Laganà, có một đền thờ thần Artemis gần đó và mọi người tưng bừng nhảy nhót mừng ngày lễ của nữ thần. “Thánh Phaolô hỏi những người lính La Mã liệu ngài có thể nói đôi lời với những người đó. Thế là ngài bắt đầu cất tiếng và sau một lúc thì bị người dân cắt ngang. Ngài vẫn bình tĩnh yêu cầu: Bây giờ đã là chiều tối, hãy đốt một cây đuốc lên cây cột này, và tôi sẽ giảng cho đến khi nào cây đuốc tắt lịm”, vị kỹ sư thuật lại.

Thánh tông đồ tiếp tục rao giảng lời Chúa, và theo thời gian, ngày càng có thêm nhiều người vây quanh để lắng nghe. Thế nhưng, khi cây đuốc đã cháy hết, ngọn lửa vẫn tiếp tục bùng cháy. Cây cột bằng đá cẩm thạch, nơi cắm đuốc, và một phần đền thờ tiếp tục cháy sáng, cho phép thánh Phaolô rao giảng câu chuyện về Chúa Giêsu cho đến tận hừng đông. “Và câu chuyện này được lưu truyền cho chúng tôi qua nhiều thế kỷ. Những sử gia danh giá nhất, các học giả nổi tiếng nhất về lịch sử Giáo hội ở Reggio Calabria đã gọi đây là phép lạ của cây cột bị bốc cháy”, theo ông Laganà.

Tượng thánh Phaolô (trái) và thánh Stephen trước ngôi thánh đường

 

Cộng đồng Công giáo đầu tiên

Kỹ sư Laganà là thành viên Ủy ban Nghệ thuật thánh của Tổng Giáo phận Reggio Calabria -Bova. Và Vương Cung Thánh Ðường nhà thờ Chánh tòa Reggio Calabria giờ đây vẫn cất giữ thánh tích còn sót lại của “cây cột bốc cháy”. Từ nhỏ, ông Laganà đã say mê câu chuyện về thánh tích trên, sau khi được nghe kể lại trong dịp tham dự thánh lễ vào năm 1961, kỷ niệm 19 thế kỷ thánh Phaolô đặt chân đến hòn đảo này. Khi thánh tông đồ rời khỏi Reggio, ngài đã kịp truyền chức linh mục cho thánh Stephen xứ Nicea, Giám mục đầu tiên của cộng đoàn Kitô giáo mới thành lập. Sau đó, thánh Stephen xứ Nicea đã tử vì đạo trong giai đoạn Hoàng đế Nero của đế quốc La Mã tiến hành phong trào bách hại Kitô hữu.

“Với sự ngăn cản và bách hại dưới sự cai trị của đế quốc La Mã thời bấy giờ, việc duy trì đức tin là điều không hề dễ dàng cho cộng đoàn tín hữu non trẻ ở Reggio”, ông Laganà nhận xét. Thế nhưng, các tín hữu thời đó vẫn tiếp tục hoạt động trong bí mật, biến một đền thờ cổ thành nhà thờ Công giáo đầu tiên trên hòn đảo, và thánh Stephen xứ Nicea ban đầu đã được chôn cất tại đây sau khi qua đời. Tuy nhiên, sau đó di thể của ngài được đưa ra khỏi thành phố để tránh bị báng bổ, và vị trí chôn cất cuối cùng đã bị mất giấu theo thời gian.

Nhà thờ Chánh tòa Reggio Calabria

 

Qua nhiều thế kỷ, lần lượt các nhà thờ mọc lên và bị phá hủy, do chiến tranh lẫn động đất, và phần còn lại của cây cột phép lạ tiếp tục được lưu giữ từ nơi này sang nơi khác. Những tài liệu còn lưu giữ đến ngày nay đã ghi nhận cuộc hành trình của thánh tích và các nhà thờ được xây dựng lên để bảo quản. Ngày nay, tàn tích của cây cột bốc cháy đang được đặt ở nhà nguyện bên phải gian giữa của Vương Cung Thánh Ðường Reggio Calabria, kể từ khi nhà thờ được xây dựng lại sau trận động đất vào năm 1908. Thánh tích bằng đá cẩm thạch cũng bị tổn hại sau khi trúng đòn không kích của quân Ðồng Minh vào năm 1943. Sau khi bị trúng bom, ngôi thánh đường bị cháy và để lại những vệt đen bên trên bề mặt của thánh tích.

Thế nhưng, bất chấp những gì đã trải qua, lòng sùng kính của cư dân thành phố này đối với thánh Phaolô chưa bao giờ bị lay chuyển, và thánh lễ vẫn được tổ chức mỗi năm tại địa điểm mà thánh tông đồ đã rao giảng nhiều thế kỷ trước.

 

LING LANG

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm