Thứ Sáu, 14 Tháng Tám, 2020 14:18

Phép lạ ở Hiroshima

 

Trong lúc thế giới vào tuần qua tưởng nhớ thảm họa bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, một phép lạ được nhắc lại trong các cộng đồng Công giáo, cho thấy quyền năng của sự cầu nguyện.

 

Ngày 6.8.1945, TP Hiroshima ở miền tây Nhật Bản hứng chịu vụ tấn công bằng bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử loài người, ngay lập tức giết chết toàn bộ sự sống trong vòng bán kính 500m tính từ tâm điểm nơi quả bom rơi xuống. Ba ngày sau, Mỹ tiếp tục ném quả bom nguyên tử thứ hai xuống TP Nagasaki, gieo rắc nỗi kinh hoàng tương tự. Ðến ngày 15.8, nước Nhật đầu hàng quân đồng minh, chấm dứt chiến tranh thế giới thứ hai. Ðối với nhiều người, có lẽ những gì đen tối nhất của chiến tranh đã lùi lại đằng sau, nhưng ở hai thành phố trên, ác mộng vẫn còn đeo đuổi dai dẳng nhiều thập niên sau đó.

Nhà thờ Đức Mẹ Thăng Thiên vẫn đứng vững sau vụ nổ ở Hiroshima

 

Nhà thờ không sụp đổ

Tuy nhiên, trong cảnh tàn phá của bom nguyên tử, gần tâm vụ nổ ở Hiroshima, 8 vị thừa sai dòng Tên vẫn sống sót một cách đáng kinh ngạc, trong số này có các cha Hugo Lassalle, Wilhelm Kleinsorge, Hubert Schiffer và cha Hubert Cieslik chỉ bị trầy xước nhẹ vì kính cửa sổ vỡ do áp lực từ vụ nổ. Nhà thờ Ðức Mẹ Lên Trời do các vị coi sóc cũng bị vỡ cửa kính nhưng tiếp tục đứng sừng sững không ngã, và đây cũng là một trong sốt ít ỏi vài khu nhà vẫn còn đứng vững trước sự tàn phá của bom nguyên tử. Các nhà truyền giáo không những an toàn trong vụ nổ đầu tiên, mà họ còn thoát được ảnh hưởng nặng nề của phóng xạ. Dù bác sĩ cảnh báo nguy cơ nhiễm phóng xạ có thể dẫn đến tổn thương, bệnh tật và thậm chí cái chết cho các ngài, hàng trăm cuộc kiểm tra sức khỏe trong những năm sau đó cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. 

 

Theo báo National Catholic Register, cha Schiffer đã kể lại câu chuyện ở nhà thờ của họ tại Hiroshima vào Ðại hội Thánh thể ở TP Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ) vào năm 1976, tức 31 năm sau vụ ném bom. Khi Mỹ ném bom thành phố của Nhật, cha Schiffer mới 30 tuổi. Cha nhớ lại các ngài dâng thánh lễ vào sáng sớm, trước khi ngồi vào bàn ở phòng bếp nhà xứ chuẩn bị ăn sáng. Ký ức vẫn còn rõ mồn một trong tâm trí cha Schiffer: ngài vừa cắt bưởi để ăn thì một vầng sáng chói lòa xuất hiện ngoài cửa sổ. Ban đầu, vị linh mục nghĩ đến một vụ nổ ở cảng gần đó, trước khi phát hiện sự thật. “Ðột nhiên, một vụ nổ khủng khiếp bao trùm khắp không gian. Một áp lực vô hình hất tôi khỏi ghế ngồi, nâng tôi lên không, khiến cơ thể rung lắc giống như một chiếc lá bị quật tơi tả trong bão tố”, cha Schiffer mô tả lại trải nghiệm khi ấy.

Cha Hubert Schiffer

 

Tinh thần và thông điệp Fatima

Ðiều kế tiếp mà vị Giêsu hữu có thể nhớ là vào thời điểm mở mắt ra, ngài đang nằm dưới đất. Khi nhìn xung quanh, vị linh mục không thể tin vào mắt mình: nhà ga xe lửa, mọi nhà cửa xung quanh đều bị san bằng đến tận gốc. Tuy nhiên, cha chỉ bị một số vết cắt nhẹ ở phần gáy do kính vỡ cửa sổ bắn trúng, và hoàn toàn không cảm thấy bị chấn thương hoặc cảm thấy bất thường ở những bộ phận khác của cơ thể. Sau đó, ngài biết được quân Mỹ đã điều máy bay ném bom hạng nặng B-29, biệt danh Enola Gay, đến Nagasaki, thả quả bom nguyên tử “Little Boy” nặng 4 tấn từ độ cao 9.600m xuống trung tâm thành phố, mục tiêu là cầu Aioi. Quả bom phát nổ 43 giây sau đó, cách mặt đất khoảng 600m. Vài giây sau vụ nổ, nhiệt độ không khí bị đẩy lên mức 3.000-4.000 độ C ở tâm vụ nổ. Gần như mọi thứ trong vòng bán kính 2 km đều bị phá hủy bởi sức công phá và tia nhiệt do quả bom tống ra. Trong vòng 1 giờ, một “trận mưa đen” gồm các phân tử phóng xạ cao bắt đầu rơi xuống thành phố, gây nhiễm phóng xạ trên diện rộng và kéo dài. Rất nhiều người chết.

 

Cha Schiffer được các bác sĩ quân y và những nhà khoa học gia người Mỹ kiểm tra sức khỏe, nhưng bất ngờ là họ không phát hiện bất kỳ dấu vết phóng xạ hoặc tác động hủy hoại từ bom nguyên tử trong cơ thể ngài. Vị linh mục gọi đây là phép màu của Ðức Mẹ Maria, và nhờ cha kiên trì đọc kinh Mân Côi mỗi ngày. Cha cảm thấy Ðức Mẹ đã bảo vệ mình trước mọi ảnh hưởng sau vụ nổ. Các nhà nghiên cứu liên tục theo dõi tình trạng của cha Schiffer và các linh mục dòng Tên ở nhà thờ Ðức Mẹ Lên Trời. Bản thân ngài được kiểm tra và phỏng vấn suốt 200 lần, nhưng các chuyên gia vẫn không tìm ra điều gì bất thường hoặc đưa ra được lời giải nào cho sự kỳ diệu này.

Khi được hỏi, cha Schiffer trả lời: “Chúng tôi sống sót vì sống theo tinh thần của Fatima. Chúng tôi đọc kinh Mân Côi mỗi ngày trong nhà thờ”. Cha qua đời ngày 27.3.1982, sau 37 năm kể từ ngày định mệnh đó.

Cảnh tang thương sau vụ nổ

 

Ðến nay, vẫn còn một bức ảnh chụp không lâu sau vụ nổ cho thấy nhà thờ mà cha Schiffer từng coi sóc, đứng một mình trong khung cảnh đổ nát của thành phố. Bốn vị linh mục dòng Tên đứng trước nhà thờ, tầm mắt hướng về cảnh tượng tan hoang và đổ nát đến tận gốc của những khu nhà xung quanh, thốt lên lời tạ ơn Chúa vì đã cho phép họ tiếp tục phụng sự Chúa và chăm sóc tha nhân, nhất là vào hoàn cảnh mọi thứ gần như bị hủy diệt do bom nguyên tử.

 

GIANG VÔ YÊN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm