Phép lạ tại đan viện Thánh Odile

Một đan viện ở bang Bayern (Ðức) đã có những bước chuyển biến không ngờ để có thể cưu mang 5.000 dân tị nạn sau khi kết thúc thế chiến thứ hai.

Ngày nay, thị trấn Eresing là một ngôi làng nhỏ chỉ vỏn vẹn 2.000 dân ở vùng thôn quê yên ả của bang Bayern, miền nam nước Ðức. Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc đệ nhị thế chiến, cách ngôi làng nên thơ và đẹp như tranh vẽ vài cây số là một đan viện nhận nuôi những nạn nhân của phong trào Ðức Quốc xã bài trừ Do Thái. Ðể hiểu được nguồn cơn đằng sau nguyên nhân đan viện thuộc một nhánh của dòng Biển Ðức này lại mở cửa cho người tị nạn, cần phải quay ngược dòng lịch sử về khởi đầu của hội dòng này ở Eresing.

Các em nhỏ tại đan viện vào năm 1946

Sự trái ngược

Trong thế kỷ thứ 7, Eresing là một trong những vùng được cải đạo sang Công giáo nhờ vào các tu sĩ của dòng Thánh Augustinô. Họ xây dựng một tu viện và trường dòng vốn nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm giáo dục bậc cao quan trọng của miền Tây Âu. Năm 1884, cha Andreas Amrhein, một linh mục dòng Biển Ðức đến Beuron, vùng Danube, đang tìm kiếm địa điểm xây dựng một cộng đoàn mới có thể kết hợp đời sống đan tu với việc truyền giáo, điều mà ngài cảm thấy rằng Beuron vẫn chưa thích hợp.

Ban đầu, cha dừng chân ở một thị trấn của bang Bayern là Reichenbach am Regen, nhưng sau khi phát hiện nơi này quá xa xôi, vị linh mục chuyển đến Emmin, gần Eresing và mua lại cụm công trình tu viện cũ ở đây. Ðó là thời điểm hội dòng Thánh Odile thành lập, là một nhánh của dòng Biển Ðức. Sau nhiều năm, đan viện Thánh Odile trở thành một khu phức hợp với quy mô lớn, đầy đủ các khu vực như nông nghiệp, bệnh xá, nhà khách, nhà in. Bệnh xá được trang bị những thiết bị tối tân nhất thời ấy, và có lẽ vì thế mà vào năm 1941, lực lượng Gestapo của Ðức Quốc xã quyết định đóng chiếm đan viện, mở rộng bệnh xá và biến nó thành bệnh viện quân sự.

Trong một diễn biến hoàn toàn ngược lại sau đó, bệnh viện của Ðức Quốc xã là lý do tại sao đan viện Thánh Odile lại trở thành một trong những trại dành cho người tị nạn tại Ðức trong giai đoạn 1945 - 1947. Trại Thánh Odile được thành lập vào năm kết thúc đệ nhị thế chiến, và trong 3 năm sau đó đã đón ít nhất 5.000 người, đa số là dân tị nạn Do Thái tự gọi bản thân là Sh’erit ha-Pletah, “những người sống sót còn lại”. Bên cạnh bệnh viện, được phần lớn các bác sĩ Do Thái quản lý, nơi đây còn đặt trường học, lực lượng cảnh sát và nhà hộ sinh. Khoảng 450 trẻ là con của những người tị nạn đã chào đời tại đan viện trong những năm sau chiến tranh.

Sự lột xác và cứu rỗi

Gần đây, nhà mẹ của hội dòng Thánh Odile, cùng với Ðại học Munich và Bảo tàng Do Thái Munich, đã tổ chức 3 ngày hội thảo học thuật nhằm nghiên cứu khía cạnh từng bị lãng quên trong lịch sử đan viện. Tạp chí Smithsonian dẫn lời Atina Grossmann, giáo sư sử học thuộc Cooper Union ở New York, thừa nhận rằng giới sử gia không rõ bằng cách nào những người sống sót sau nạn diệt chủng lại phát hiện về sự tồn tại của bệnh viện quân sự Thánh Odile.

Đan viện Thánh Odile toạ lạc tại vùng thôn quê yên ả của bang Bayern

Theo chia sẻ của ông Zalman Grinberg, người từng đảm nhiệm vị trí bác sĩ giám đốc đầu tiên là người Do Thái tại bệnh viện này, khu trại tị nạn đã hình thành nhờ vào sáng kiến của bản thân ông và sự trợ giúp của tổ chức Chữ Thập Ðỏ Quốc tế. Ông Grinberg đã biết về sự tồn tại của một bệnh viện tại đan viện Thánh Odile từ một bác sĩ Do Thái khác ở Schwabhausen, gần trại tập trung Dachau. Cũng chính ông này đã tìm cách thuyết phục các chức sắc tại địa phương cho phép người tị nạn tạm trú tại những trại cũ của lính Ðức.

Kế đến, bác sĩ Grinberg gọi điện cho một bác sĩ trưởng khoa tại bệnh viện quân y Thánh Odile, tự xưng là thành viên của tổ chức Chữ Thập Ðỏ Quốc tế và nói người này phải tiếp nhận những nạn nhân của chiến tranh. Phương pháp lại có hiệu quả và vài ngày sau, binh lính Mỹ sắp xếp chuyển đợt người tị nạn đầu tiên đến bệnh viện. Ông Grinberg được đề cử vào chức vụ bác sĩ giám đốc. Trong vài tháng kế tiếp, lại có thêm những người tị nạn tự tìm đến đan viện cho đến khi các trại tập trung cuối cùng bị đóng cửa.

Bệnh viện là nơi trú chân cho 5.000 người

Tuy nhiên, như các học giả đã giải thích tại hội thảo, những người ở bệnh viện - trại tị nạn Thánh Odile trên thực tế đa số đến từ Liên Xô, nơi nhiều dân Do Thái gốc Ðông Âu tạm lánh dưới thời Ðức Quốc xã. Nhiều người đến trại trong tình trạng bệnh tật, như lao phổi và nhiễm trùng da, gây ra do môi trường khủng khiếp của trại tập trung. Không may, một số bệnh nhân không thể sống sót dù đã nhận được sự chăm sóc tức thời của các bác sĩ và y tá. Hiện vẫn còn hơn 60 nấm mồ thuộc về các nạn nhân thời đó, sát bên nghĩa trang dành cho các tu sĩ.

Vai trò của các tu sĩ cũng được thảo luận tại hội thảo. Theo tiến sĩ Evita Wiecki, giáo sư lịch sử của Ðại học Munich, họ vô cùng nản lòng và thoái chí vì không thể tiếp tục đời sống theo linh đạo của thánh Biển Ðức trong giai đoạn Ðức Quốc xã chiếm đóng. Vì thế, khi có thể hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh, họ cảm thấy một lần nữa có thể sống lại với ơn gọi. “Ngày nay, chúng tôi rất tự hào vì bệnh viện này”, cha Cyril Schaefer, người đứng đầu bộ phận in ấn của đan viện cho biết. “Và nghĩ về những phép lạ đã xuất hiện trong vài năm ngắn ngủi (sau chiến tranh), chúng tôi buộc phải nói rằng, việc đàn áp đan viện dưới thời Ðức Quốc xã và sự chuyển mình trở thành bệnh viện của nó có lẽ là sự kiện quan trọng nhất từng xảy đến trong quá trình tồn tại của hội dòng”, theo cha Schaefer.

ÐỊNH NGUYỄN

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus vivit
Kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus vivit
Kỷ niệm 5 năm ngày ban hành Tông huấn Christus vivit - Chúa Kitô đang sống, Đức Thánh Cha Phanxicô gởi sứ điệp mời gọi các bạn trẻ thắp lại niềm hy vọng, bắt đầu lại từ lời loan báo “Chúa Kitô hằng sống”.
Niña Ruiz-Abad sẽ ở trong hàng ngũ các thánh trẻ tuổi
Niña Ruiz-Abad sẽ ở trong hàng ngũ các thánh trẻ tuổi
Tòa Thánh đã xác nhận rằng không có gì ngăn trở việc mở án phong thánh cho cô Niña Ruiz-Abad, một bé gái 13 tuổi qua đời năm 1993 tại Philippines.
Lễ Lá đại kết ở Zambia
Lễ Lá đại kết ở Zambia
Cuộc rước Lễ Lá 24.3.2024 đã trở thành sự kiện lịch sử ở thị trấn Mongu, Zambia, với sự tham gia của các tín hữu Tin Lành và tín hữu Công giáo, thể hiện tinh thần đại kết Kitô giáo.
Kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus vivit
Kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus vivit
Kỷ niệm 5 năm ngày ban hành Tông huấn Christus vivit - Chúa Kitô đang sống, Đức Thánh Cha Phanxicô gởi sứ điệp mời gọi các bạn trẻ thắp lại niềm hy vọng, bắt đầu lại từ lời loan báo “Chúa Kitô hằng sống”.
Niña Ruiz-Abad sẽ ở trong hàng ngũ các thánh trẻ tuổi
Niña Ruiz-Abad sẽ ở trong hàng ngũ các thánh trẻ tuổi
Tòa Thánh đã xác nhận rằng không có gì ngăn trở việc mở án phong thánh cho cô Niña Ruiz-Abad, một bé gái 13 tuổi qua đời năm 1993 tại Philippines.
Lễ Lá đại kết ở Zambia
Lễ Lá đại kết ở Zambia
Cuộc rước Lễ Lá 24.3.2024 đã trở thành sự kiện lịch sử ở thị trấn Mongu, Zambia, với sự tham gia của các tín hữu Tin Lành và tín hữu Công giáo, thể hiện tinh thần đại kết Kitô giáo.
Rước Lá đón hòa bình
Rước Lá đón hòa bình
Trong thư được công bố vào Chúa nhật Lễ Lá, Đức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Yangon, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Myanmar, kêu gọi chấm dứt những đêm dài xung đột và sợ hãi, đồng thời mời gọi các tín hữu cầu nguyện xin Chúa...
Tín dụng xã hội cho người cần giúp đỡ
Tín dụng xã hội cho người cần giúp đỡ
Hướng về Năm Thánh 2025, qua Caritas, Giáo hội Ý đang chuẩn bị dự án vi tín dụng xã hội, để hỗ trợ những người gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng thông thường.
1.700 người lãnh nhận Bí tích Rửa tội ở Malaysia
1.700 người lãnh nhận Bí tích Rửa tội ở Malaysia
Trong đêm vọng Phục Sinh 2024, Giáo hội tại Malaysia có hơn 1.700 dự tòng lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Trong những năm gần đây, số người trưởng thành xin lãnh nhận Bí tích Rửa tội gia tăng tại Malaysia.
Cuộc hành hương Laudato Si ở Bangladesh
Cuộc hành hương Laudato Si ở Bangladesh
Ủy ban Giám mục về Công lý và Hòa bình Bangladesh đã tổ chức cuộc hành hương “Laudato si Quốc gia”, cổ vũ chăm sóc thiên nhiên và môi trường, cũng như nhận thức được vai trò của mỗi người trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Thay đổi lối sống tiêu dùng và hưởng thụ
Thay đổi lối sống tiêu dùng và hưởng thụ
Đức Giám mục Hormat mời gọi tất cả tín hữu thay đổi suy nghĩ để trở nên toàn diện và hài hòa, coi vũ trụ, con người và Đấng Tạo Hóa đều ở trong một mạng lưới liên kết với nhau và hình thành nên một gia đình phổ quát.
Hiệp lòng dập tắt lửa oán ghét
Hiệp lòng dập tắt lửa oán ghét
Nhân tháng Ramadan của Hồi giáo (11.3 - 10.4.2024), Tòa Thánh đã công bố sứ điệp chúc mừng các tín hữu Hồi giáo trên thế giới, và kêu gọi cùng nhau dập tắt ngọn lửa chiến tranh và thắp lên ngọn nến hòa bình.