Tại phiên họp thứ 45 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 16.9.2020, Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh, đã phát biểu về “quyền được sử dụng nước sạch, nước uống an toàn và vệ sinh”. Ngài đã bày tỏ quan điểm của Tòa Thánh: “Việc tiếp cận với nước không chỉ là nhu cầu cơ bản của con người, mà còn là yếu tố quan trọng đối với sức khỏe của Trái đất và của những người sống trên đó. Sự nhận thức đầy đủ về nhân quyền đối với việc được sử dụng nước không thể chỉ phó mặc cho các quốc gia”. Đức Tổng Giám mục Jurkovič cũng lưu ý cộng đồng quốc tế cần nhận ra sự cần thiết của một hình thức mới là “tinh thần liên đới liên quan đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên”.
![]() |
Giáo hội Ấn Ðộ kêu gọi chấm dứt nạn buôn người
Đức cha Thomas Pulloppillil, Giám mục giáo phận Bongaigoan, đồng thời là Chủ tịch Diễn đàn Kitô giáo Thống nhất Đông Bắc Ấn Độ đã kêu gọi các tôn giáo hợp tác, phối hợp với Chính phủ chống lại nạn buôn người. Đức cha Thomas Pulloppillil đã đưa ra lời kêu gọi này tại cuộc hội thảo trực tuyến được tổ chức vào ngày 12.9 với tiêu đề Hội nghị thượng đỉnh Giới trẻ Đông Bắc Ấn Độ nhằm nâng cao nhận thức về nạn buôn người, đặc biệt là về tình trạng đói nghèo và thất nghiệp gia tăng do các biện pháp cách ly xã hội vì đại dịch Covid-19. Đức cha cảnh báo: “Những kẻ buôn người chủ yếu nhắm vào các cô gái đến từ những hoàn cảnh kinh tế yếu kém, đặc biệt là những người sống trong cảnh nghèo đói. Nếu chúng ta không thực hiện những nỗ lực đồng bộ, tương lai thanh thiếu niên của chúng ta sẽ bị đẩy vào tình thế nguy hiểm và đó sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng với quốc gia”.
![]() |
Không có bộ tộc này tốt hơn các bộ tộc kia
Nhân Ngày Thế giới Hòa Bình 21.9.2020, Đức cha Barani Edwardo Hiiboro Kussala, Giám mục giáo phận Tombura-Yambio, Nam Sudan, đã phát đi thông điệp nhấn mạnh: “Tất cả con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Không có bộ tộc này tốt hơn các bộ tộc kia”. Thông điệp cũng nhắc đến những tệ nạn của chủ nghĩa bộ tộc và nhắn nhủ hơn 64 cộng đồng dân tộc của Nam Sudan không thể nhân danh bộ tộc của mình mà làm nhục hay đàn áp bộ tộc khác.
![]() |
Cầu nguyện liên tôn cho quốc gia ở Malaysia
Sarawak là bang duy nhất của quốc gia Đông Nam Á này có nhiều Kitô hữu. Trong những ngày qua, nhân Ngày Malaysia - 16.9, đánh dấu sự thành lập Liên bang Malaysia diễn ra vào năm 1963, các cộng đồng tôn giáo khác nhau ở bang Sarawak đã tổ chức các buổi cầu nguyện, với sự tham dự của các tín hữu. Hằng ngày, từ 31.8 đến 15.9, các sự kiện, hội họp, mít tinh kỷ niệm lần lượt được tổ chức tại nhiều nơi thờ tự khác nhau như ở các nhà thờ Công giáo, Tin lành, Giám lý và Anh giáo, cũng như đền thờ Sikh, Baha’i, Ấn giáo, Hồi giáo và chùa Phật giáo. Mục đích của các sự kiện này là tăng cường lòng khoan dung và hợp tác, nâng cao hiểu biết của mọi người về các tôn giáo và thúc đẩy sự hòa hợp và thống nhất giữa những người có tín ngưỡng và nguồn gốc khác nhau. Bà Catherine Ng, một phụ nữ Công giáo, tham gia các cuộc họp, đã nhận định: “Lễ kỷ niệm là một lời nhắc nhở cho tất cả mọi người về giá trị chung của hạnh phúc và lợi ích chung của quốc gia”. Malaysia là một quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo, dân số gần 32,7 triệu người, với hơn 60% dân số là người Hồi giáo. Người Công giáo chỉ chiếm 4% dân số.
![]() |
“Fratelli tutti” bao gồm tất cả mọi người
Fratelli tutti là tựa đề thông điệp mới của Đức Thánh Cha sẽ được công bố vào ngày 3.10.2020. Từ khi tựa đề thông điệp này được công bố, tại một số nước đã có những tranh luận về việc chỉ nói “fratelli” nghĩa là “các anh em”, chứ không đề cập cả “sorelle”, nghĩa là “các chị em”. Phải chăng tựa đề có sự kỳ thị giới tính hay loại trừ nữ giới? Ông Andrea Tornielli, Tổng Biên tập Bộ Truyền thông của Vatican, đã khẳng định rằng tựa đề của thông điệp Fratelli tutti, tiếng Ý có nghĩa là “Tất cả anh em”, bao gồm tất cả, không loại trừ phụ nữ. Theo ông Tornielli, tựa đề này là một trích dẫn trực tiếp từ tác phẩm Admonitions của thánh Phanxicô được Đức Thánh Cha chọn. Ông cho biết: “Đức Phanxicô đã chọn những lời của vị thánh thành Assisi để bắt đầu suy tư về một điều mà ngài rất quan tâm, là tình huynh đệ và tình bạn. Vì vậy, ngài nói với anh chị em của mình, tất cả người nam và người nữ sinh sống trên Trái đất, và không hề loại trừ ai”.
Học Kinh Thánh trực tuyến ở Nepal
Trong thời dịch Covid-19, Giáo hội tại Népal đã thực hiện khóa học Kinh Thánh trực tuyến. Vào thứ Bảy mỗi tuần có một giờ dạy Kinh Thánh trên mạng. Chương trình này đã bắt đầu từ ngày 12.9.2020. Đức cha Paul Simick, Đại diện Tông Tòa của Nepal cho biết: “Những bài học hằng tuần về Kinh Thánh nhằm mục đích giúp giáo dân khám phá lại kho tàng Lời Chúa”. Cha Samuel Lepcha nhìn nhận “sáng kiến này cho phép truyền bá và đào sâu Lời Chúa, nền tảng đức tin của chúng tôi”, và đây cũng là cách Giáo hội tạo được sự liên kết với giáo dân. Bà Fidelma Tuladhar, giáo dân tham gia khóa học, bày tỏ: “Chúng tôi cảm ơn Đức cha Simick. Ngài đã giúp chúng tôi đi đến cội nguồn của đức tin. Thật thú vị khi biết nguồn gốc và xuất xứ tôn giáo của mình”. Tại Nepal có khoảng 8.000 người Công giáo.
Giáo hội Ấn Ðộ hỗ trợ tâm lý xã hội trực tuyến
Đại dịch Covid-19 đã làm cho hiện tượng rối loạn tâm lý, trầm cảm và cô đơn càng trở nên trầm trọng hơn trong xã hội Ấn Độ. Vì lý do này, Giáo hội Công giáo đã khởi động một chương trình hỗ trợ tâm lý xã hội qua tư vấn trực tuyến dành cho những người gặp khó khăn. Caritas Ấn Độ cung cấp các chuyên gia cho dịch vụ. Cha Paul Moonjely, Giám đốc điều hành Caritas cho biết: “Dịch vụ đã trở nên rất cần thiết vì mỗi năm có hàng ngàn người tự tử và con số không ngừng tăng lên. Các nhóm do Caritas điều phối cam kết tiếp cận những người dễ bị tổn thương và cần hỗ trợ tâm lý”. Bà Sabita Parmer, một nhà tâm lý học, nhận định chính phủ không quan tâm đủ đến sức khỏe tâm thần của dân chúng. Các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức tôn giáo phải giúp đỡ những người gặp khó khăn qua hỗ trợ tâm lý xã hội, đặc biệt là trong thời điểm đại dịch đang gây căng thẳng cho sức khỏe của mọi người.
Bác bỏ việc rước lễ chung giữa Công giáo và Tin Lành tại Ðức
Bộ Giáo lý Đức Tin bác bỏ những luận chứng thần học được đưa ra để người Công giáo và Tin Lành tại Ðức có thể rước lễ chung. Những khác biệt trong lập trường về Thánh Thể và thừa tác vụ hiện nay vẫn còn quá lớn giữa hai bên, nên không thể có sự tham dự và rước lễ chung. Trên đây là nội dung lá thư Bộ Giáo lý Đức Tin gởi đến Ðức cha Georg Baetzing, Giám mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ðức. Kèm theo lá thư, có một phụ trương thần học, qua đó Bộ trình bày những lý do bác bỏ cuộc bỏ phiếu chung của nhóm thần học gia đại kết, gồm Công giáo và Tin Lành Ðức, ủng hộ việc cho tín hữu hai bên rước lễ chung. Văn kiện của Bộ Giáo lý Đức Tin đề ngày 18.9.2020 với chữ ký của Ðức Hồng y Tổng trưởng Luis Ladaria Ferrer, và vị Tổng Thư ký là Ðức Tổng Giám mục Giacomo Morandi, còn khẳng định rằng việc cho rước lễ chung giữa Tin Lành và Công giáo tại Ðức chắc chắn sẽ tạo nên một hố chia cách mới trong cuộc đối thoại đại kết với các Giáo hội Chính Thống giáo.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.