Thứ Sáu, 01 Tháng Ba, 2019 16:18

Săn lùng các cuộn giấy Biển Chết

 

Giới chuyên gia đang tìm cách đẩy nhanh tốc độ khai quật các cuộn giấy Biển Chết, tránh để những cổ vật này rơi vào tay các nhóm săn cổ vật và trở thành sở hữu riêng của một vài cá nhân.

 

 

Chạy đua với giới trộm cổ vật

Trên những vách đá cheo leo ở phía trên biển Chết, các nhà khảo cổ học kiên nhẫn dùng cuốc chim đào bới, với hy vọng có thể lặp lại một trong những phát hiện tạo tiếng vang lớn nhất trong vài trăm năm qua: Một lần nữa tìm được các cuộn giấy Biển Chết mới. Ðây là bộ sưu tập gồm những bản thảo, trong đó có nhiều bản viết tay cổ nổi tiếng của Kinh Thánh có niên đại trên dưới 2.000 năm, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1947 nhờ vào công của dân du mục Bedouin ở vùng Qumran, cách Jerusalem khoảng 20 km về hướng đông. Dựa trên những bản thảo này, người thời nay có thể nghiên cứu xã hội và tôn giáo của người Do Thái trước và sau thời Chúa Giêsu. Các cuộn giấy Biển Chết mở ra một thập niên đầy sôi động trong lĩnh vực thám hiểm, trước khi cuộc tìm kiếm đi vào ngõ cụt. Tuy nhiên, những phát hiện gần đây đã thổi luồng sinh khí mới cho giới khảo cổ học, và họ đang nỗ lực leo cao hơn và đào bới sâu hơn trước. Vẫn còn hàng trăm hang động chưa được khai phá và giới chuyên gia đang tăng nhanh tốc độ với hy vọng có thể sớm tìm được những cuộn giấy Biển Chết mới trước bọn trộm cổ vật.

“Trong vài năm qua, chúng tôi lưu ý thấy có những mẩu giấy và cuộn da thuộc mới xuất hiện trong thị trường chợ đen”, báo Haaretz dẫn lời Oren Gutfeld, một nhà khảo cổ học của Ðại học Hebrew tại Jerusalem. “Manh mối này đã dẫn chúng tôi quay lại các hang động”, chuyên gia Gutfeld nói trong lúc ngồi trước lối ra vào của một hang động trên sườn núi được đánh dấu “52B”. Vào năm 2017, nhóm của ông phát hiện những phần còn lại của các vò chứa bằng gốm bên trong một hang động chưa từng được khai quật ở Qumran, dù không còn bất cứ tung tích nào của bản thảo cổ ở bên trong. Ở độ cao khoảng 200m so với Biển Chết, 52B nằm ở vị trí cao hơn hẳn so với các hang động từng được tìm thấy các cuộn giấy vào thập niên 1950. Theo nhận định của đội ngũ chuyên gia, có thể đây là địa điểm lý tưởng để cất giấu bản thảo.

Phía cuối của hang 52B là một đoạn hang hẹp, chứa đầy những mảnh đất đá vụn sau nhiều thế kỷ bị gió cuốn và lũ quét. Nếu dọn sạch, nơi này có thể sâu đến 10m. Những người tình nguyện vẫn cẩn thận dùng sàng lọc đãi từng thúng đất một. Nhiều người cho rằng ở đây chẳng còn gì để đào bới, nhưng giáo sư Randall Price của Ðại học Liberty (Mỹ) - người đang tham gia nỗ lực tìm kiếm - nhận định 52B không hề xuất hiện trong các cuộc khảo sát trước đó và có thể mang đến những khám phá đầy hứa hẹn.

Khai quật hang 52B

 

Những kho báu mất tích

Ở những con đường hẹp của khu chợ trời thuộc phạm vi Cổ thành của Jerusalem, ông Eitan Klein của Cơ quan Cổ vật Israel dạo từng gian hàng để đảm bảo hàng hóa trưng bày đều được đăng ký hợp pháp và không xuất hiện trên thị trường chợ đen. Ông là Phó giám đốc Ðơn vị Ngăn chặn trộm cắp cổ vật của cơ quan này. Vào cuối năm 2016, họ đã tìm được mẩu giấy cói có dòng chữ “Jerusalem” với niên đại từ thế kỷ thứ 7 trước công nguyên. Cổ vật quý đã bị đào trộm khỏi hang. Theo sau sự phát hiện mảnh giấy cói và dựa trên thông tin thu thập được trong các chiến dịch thăm dò khác, ông Klein cho hay: “Chúng tôi rút ra kết luận là vẫn còn cổ vật bên trong các hang động đang chờ được khám phá. Câu hỏi được đặt ra là ai sẽ tìm được?”. Những phát hiện mới còn hứa hẹn sẽ góp thêm manh mối giúp làm sáng tỏ cuộc tranh cãi về tác giả của các cuộn giấy Biển Chết.

 

Giới chuyên gia cũng hy vọng có thể phát hiện những manh mối mới để giải mã thông tin trên Cuộn Ðồng. Ðược phát hiện ở Qumran vào năm 1952, Cuộn Ðồng không giống như các bản thảo bằng giấy cói hoặc da thuộc, mà được viết trên bản kim loại làm từ hợp kim đồng - thiếc. Nội dung trên Cuộn Ðồng là danh sách 64 địa điểm cất giấu các đồ vật bằng vàng và đồ cổ có giá trị. Chuyên gia Gutfeld của Ðại học Hebrew cho rằng, kho báu được đề cập có thể thuộc về đền thờ cổ của người Do Thái ở Jerusalem. Vào năm 2006, ông đã hoàn tất việc khai quật hai đường hầm nhân tạo không xa Qumran mà ông cho rằng phù hợp với mô tả trên Cuộn Ðồng về địa danh gọi là Thung lũng Bóng Tối. Một trong các đường hầm, chiều cao 2m, rộng ngang vai và chạy dài đến 125m trong lòng đất. Ðến nay, vẫn chưa có kho báu nào được tìm thấy, nhưng ông Gutfeld vẫn không bỏ cuộc.

“Tôi không phải là người săn lùng kho báu. Tôi là một nhà khảo cổ học”, ông Gutfeld nhấn mạnh. Trong thời gian tới, ông hy vọng có thể tìm thêm những thông tin liên quan đến nội dung trên Cuộn Ðồng để tiếp tục cuộc tìm kiếm. Chính nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học mà đến nay, nhiều chứng tích về những sự kiện, nơi chốn từng được đề cập trong Kinh Thánh đã được phát hiện.

 

LING LANG

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm