Phong cách của các Đức Giáo Hoàng có thể khác nhau, nhưng thông điệp của các ngài vẫn không thay đổi, theo linh mục dòng Tên Federico Lombardi, người từng đảm nhiệm vai trò phát ngôn dưới thời Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô.
Bất chấp những khác biệt rõ ràng trong cách thức truyền đạt, triều đại của Đức Bênêđictô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô phản ánh một sự liên tục và tiếp diễn, vì sự am hiểu về Giáo hội và quan điểm của các ngài hoàn toàn xây dựng trên một nền tảng giống nhau, được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần, theo Crux dẫn lời cha Federico Lombardi. Sự hiểu biết tường tận của vị linh mục dòng Tên về hai đấng kế vị thánh Phêrô đã mang đến biệt danh thú vị : “micrô của Thiên Chúa”, cho cựu phát ngôn viên Vatican.
![]() |
Cha Lombardi, Giám đốc lâu năm của Đài Radio Vatican và cũng từng là Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh (2006-2016), vào tuần trước đã có buổi diễn thuyết ở Đại học Fordham (New York, Mỹ) về những trải nghiệm của bản thân dưới thời Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô. Vị linh mục đã về hưu vào năm 2016 diễn giải: “Tầm nhìn và kinh nghiệm về thực tại của Giáo hội, được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Linh, là yếu tố sâu sắc và mạnh mẽ nhất trong sự tiếp nối giữa hai vị giáo hoàng có khá nhiều khác biệt về tính cách”.
Đức Phanxicô dựa trên việc giảng dạy hợp nhất của Giáo hội, đặc biệt là giáo lý Giáo hội Công giáo và quyển sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo. “Trên thực tế, chính xác là bởi vì Đức Thánh Cha cảm thấy quá an tâm về những nền tảng vững chãi của Hội Thánh, nên ngài nghĩ rằng mình có thể và cần phải hướng về phía trước để đưa ra những thông điệp mới”. Theo cựu giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, sự mới mẻ trong triều đại của Đức Phanxicô nằm ở quan điểm mục vụ truyền giáo và nguồn cảm hứng truyền giáo. Vị giáo hoàng đương nhiệm đã tìm được “tinh thần của Phúc Âm” trong thông điệp của lòng thương xót và tính vị tha, cảm nhận niềm hoan hỉ cũng như hy vọng là dấu hiệu không thể nào nhầm lẫn được của Chúa Thánh Linh đối với thế giới.
![]() |
Cha Lombardi nhận định, điểm đáng chú ý nhất trong triều đại Đức Phanxicô là “nhiều người, dù là các tín hữu nhiệt thành, hoặc đã quay lưng với Giáo hội, hoặc không phải Công giáo, đều cảm nhận được sự an ủi và hy vọng. Nhiều linh mục và giáo dân dũng cảm và tự tin hơn trong việc loan truyền Tin Mừng”.
Về Đức Bênêđictô XVI, “là con người của đức tin và sự thông thái, ngài cảm thấy sứ mệnh của mình là một sự liên tục và kiên nhẫn đề xuất trở lại những điểm đóng vai trò nền tảng của Giáo hội, tập trung vào Thiên Chúa, Đấng đại diện cho sáng tạo và tình yêu”. Đức Phanxicô, vị giáo hoàng gốc Mỹ Latinh đầu tiên không hề phủ nhận bất kỳ sự sáng suốt nào của người tiền nhiệm. Với cách thức của mình, ngài “khơi dậy tinh thần phục vụ của Giáo hội với sự năng động mới”, theo cha Lombardi. “Sự thật đôi khi dễ dàng được quan sát từ ngoại vi hơn là đứng ở vị trí trung tâm”, Đức Phanxicô hiểu biết rất rõ về những vùng ngoại biên, cũng như có cảm nhận sâu sắc về “văn hóa vứt bỏ” vốn tập trung vào lợi ích kinh tế thay vì phẩm giá của con người.
![]() |
Con đường tìm kiếm sự tha thứ, hoán cải… luôn thấm nhuần xuyên suốt lịch sử Giáo hội, đặc biệt trước những khó khăn trong nội bộ và thách thức đến từ thời đại trong những thập niên gần đây. Là chứng nhân gần gũi dưới thời Đức Bênêđictô XVI, cha Lombardi khẳng định, vị giáo hoàng người Đức đã làm mọi điều có thể khi đối đầu khủng hoảng bằng sự chân thành và nghiêm túc, và chỉ ra con đường đúng đắn cho cộng đồng. Đức Phanxicô tiếp tục bước đi trên con đường đã được người tiền nhiệm mở lối bằng sự dũng cảm đương đầu trước thực tế.
Về sự khác biệt giữa phong cách của hai vị chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ, cha Lombardi đã nêu ví dụ về việc tham dự buổi họp ngắn sau khi Đức Thánh Cha tiếp kiến một vị lãnh đạo quốc gia với mục đích tiếp nhận thông tin và những chi tiết quan trọng trong quá trình trao đổi. Đức Bênêđictô XVI có thói quen tóm tắt nội dung rõ ràng trong 2 phút, và nhấn mạnh một số điểm chính về cuộc đối thoại. Trong khi đó, Đức Phanxicô không đề cập ngay lập tức về nội dung, mà ngài chia sẻ về tính cách của nhân vật đó, chẳng hạn như thái độ của họ, họ nói gì về bản thân, những đặc điểm về con người và không khí của cuộc đối thoại. Cha Lombardi cũng tiết lộ, dù hai vị giáo hoàng đều quan tâm đến cách thức truyền thông đưa tin về triều đại của mình, nhưng không vị nào bị tác động bởi quan điểm của dư luận để có thể thay đổi quan điểm đã được xây dựng một cách vững chắc.
GIANG VÔ YÊN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.