Việc tính theo chu kỳ mặt trăng giúp xác định không những ngày lễ Phục sinh, mà còn cả ngày của nhiều lễ Công giáo khác.
Tại sao ngày lễ Phục sinh thay đổi hằng năm? Công đồng Nicea, năm 325, mong muốn mừng sự kiện Đức Kitô sống lại vào ngày mùa xuân trở về. Đó là vào ngày Chúa nhật đầu tiên tuần trăng rằm, sau ngày xuân phân. Từ lâu, nhiều lễ của lương dân đã mừng việc thiên nhiên phục hồi sức sống… Dân Do Thái mừng lễ Vượt qua để tưởng niệm việc kết thúc cảnh nô lệ và thoát ra khỏi Ai Cập. Thời Chúa Giêsu, ngày tháng được ấn định vào 14 tháng nizan, tức ngày rằm mùa xuân. Thời điểm này tùy thuộc vào chu kỳ mặt trăng (13 tháng hay các tuần trăng) chứ không thuộc dương lịch hiện nay của chúng ta gồm 12 tháng. Các Nghị phụ Giáo hội, được hoàng đế Constantinus triệu tập, xác định rõ ngày Phục sinh vào năm 325: “Phục sinh là ngày Chúa nhật theo sau ngày thứ 14 âm lịch, ngày rằm, tức 21.3 hay ngay sau đó”.
năm 1582, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XIII quyết định điều chỉnh thời gian mừng lễ Phục Sinh |
Tuy nhiên, cách xác định ngày tháng nói trên đặt ra những vấn đề hóc búa khi tính toán theo thiên văn và toán học mà các nhà bác học phải đối mặt từ thế kỷ thứ 4. Phải đợi đến thế kỷ thứ 6 để một phương pháp tính toán khác, chính xác, dần dần được Giáo hội chấp nhận.
Trái đất quay xung quanh mặt trời hơn 365 ngày: vậy không thể có con số tròn chẵn được và các năm nhuận dùng để điều chỉnh sự chênh lệch ấy. Nhưng chênh lệch một ít cũng đủ kéo theo, một ngàn năm sau, một sai biệt mười ngày, giữa lịch giấy và lịch mặt trời. Năm 1582, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII quyết định gỡ lại thời gian chậm trễ đó bằng cách loại bỏ mười ngày ấy: do đó người ta chuyển dịch từ mồng 5 sang 15 tháng mười. Lạnh nhạt với Rome từ nhiều thế kỷ, các Kitô hữu Đông Phương không chấp nhận cuộc cải cách này… Sử gia Jean Sévilla, phóng viên tạp chí Figaro Magazine, giải thích: “Họ thích theo lịch Julius (Caesar), đối với họ lịch này phù hợp hơn với Kinh Thánh. Phục sinh là ngày lễ Kitô giáo quan trọng nhất, nên thật đáng tiếc khi lễ này của Công giáo và Chính Thống ít khi trùng hợp với nhau, có thể xem là một điểm tượng trưng cho sự phân rẽ giữa các Giáo hội”.
Lễ Phục sinh của Chính Thống giáo có thể hoặc cùng lúc với Công giáo (như vào năm 2014 hay 2017, chẳng hạn), hoặc cách một tuần (2012, 2015), thậm chí đến năm tuần. Trong phụng vụ Rome, Phục sinh thường rơi vào tháng ba hay tháng tư (không bao giờ tháng năm); nhưng vào tháng tư hay tháng năm (không bao giờ tháng ba) đối với Chính Thống. “Có những cuộc thảo luận cởi mở dưới thời Đức Phaolô VI, trong các năm 1970, để cố đạt được một thỏa hiệp nào đó. Một ủy ban đã được thành lập nhưng không mang lại kết quả nào”, ông Jean Sévilla gợi nhớ lại.
THÀNH KHÁNH
(theo báo Le Figaro)
Bình luận