Thầy của thánh Tôma Aquinô, thánh Albertô Cả là triết gia và chuyên gia thần học vĩ đại nhất của Ðức vào thời Trung Cổ, người ủng hộ sự tồn tại hòa hợp giữa khoa học và tôn giáo.
Thánh Albertus Magnus - Albertô Cả, chào đời khoảng năm 1200 tại Lauingen an der Donau, Swabia (hiện nay là Ðức), về với Chúa ngày 15.11.1280 tại Cologne. Ngài được tuyên thánh vào ngày 16.12.1931, lễ kính vào ngày 15.11 hằng năm. Về mặt đóng góp cho đời, các tác phẩm của thánh nhân có thể xem là đại diện cho toàn bộ tri thức của châu Âu vào thời của ngài, không những ở khía cạnh thần học mà còn bao phủ lĩnh vực triết học và khoa học tự nhiên.
![]() |
Nhà nghiên cứu vĩ đại
Vị giám mục dòng Ðaminh là một trong những người ủng hộ triết gia Aristotle tại Ðại học Paris và vận động áp dụng triết học của danh nhân Hy Lạp vào tư tưởng của đạo Kitô. Ngài cũng đưa hoạt động nghiên cứu thế giới tự nhiên trở thành một môn khoa học chính thức theo truyền thống Kitô giáo. Vì thế, theo tông sắc vào năm 1941, Ðức Albertô Cả được công nhận là vị thánh bổn mạng cho tất cả những ai nghiên cứu khoa học tự nhiên và sau đó là quan thầy của Ðại hội Giới trẻ Thế giới. Khi còn sinh thời, vị giám mục người Ðức nổi tiếng với sức viết khỏe, được công nhận là cây bút số một đương thời và là học giả duy nhất thời đó được tôn vinh danh hiệu “vĩ đại” trước khi qua đời.
Albertô Cả là con của một gia đình lãnh chúa giàu có. Khi lên đại học, ngài theo học ngành nghệ thuật tự do ở Ðại học Padua (Ý) trước khi gia nhập dòng Ðaminh vào năm 1223. Sau đó, vị thánh tiếp tục nghiên cứu tại các Ðại học Padua và Bologna, cũng như tại Ý. Sau khi hoàn tất việc học, ngài giảng dạy môn thần học tại một số tu viện trên khắp nước Ðức, cuối cùng là Cologne. Vào thời điểm trước năm 1245, bề trên đã gởi ngài đến tu viện Ðaminh Saint-Jacques thuộc Ðại học Paris. Tại đây, vị thánh có dịp tiếp xúc với các tác phẩm của triết gia Aristotle, mới được chuyển ngữ từ tiếng Hy Lạp và Ả Rập, cùng phụ chú của Averroës, triết gia nổi tiếng của thế kỷ 12. Ðến năm 1245, ngài tốt nghiệp thạc sĩ về thần học và tiếp tục giảng dạy tại trường.
![]() |
Thánh Albertô Cả đang thuyết giảng |
Có lẽ chính tại Paris, thánh Albertô Cả bắt đầu thể hiện tài năng viết lách và sức làm việc hơn người. Ngài đưa ra các nhận xét, chú giải về Thánh Kinh và sách thần học Sentences của Peter Lombard (tài liệu giảng dạy tại các trường đại học Trung Cổ vào thời đó). Albertô Cả nằm trong số các học giả thời Trung Cổ đưa ra nhận xét về tất cả các tác phẩm của triết gia Aristotle, diễn giải lại các ý tưởng triết học của người xưa thông qua lăng kính quan sát, “thử nghiệm” và phân tích của bản thân. Từ “thử nghiệm” trong trường hợp của nhà học giả dòng Ðaminh là một quá trình quan sát, mô tả và phân loại vô cùng cẩn thận.
Sự hòa hợp giữa khoa học và đức tin
Trước những lời yêu cầu ngài giải thích vật lý theo kiểu Aristotle, thánh Albertô Cả bắt đầu viết cuốn Physica, với mong muốn có thể diễn giải sang ngôn ngữ Latinh mọi nhánh của khoa học tự nhiên, logic, toán học, thiên văn học, đạo đức học, kinh tế học, chính trị và siêu hình học, được thể hiện trong các tác phẩm của triết gia Hy Lạp cổ. Trong khi triển khai dự án phải mất khoảng 20 năm mới hoàn thành, ngài gặp được người học trò nổi tiếng - thánh Tôma Aquinô.
![]() |
Thánh tích ở Cologne |
Suốt quá trình nghiên cứu, thánh Albertô Cả phân biệt rõ ràng con đường thu thập kiến thức thông qua sự mạc khải và đức tin với con đường của triết học và của khoa học. Ðối với ngài, hai con đường này không hề đối lập; chẳng có cái gọi là “sự thật kép” - tức một sự thật theo đức tin và sự thật trái ngược còn lại nhằm giải thích cho lý trí. Theo vị thánh, tất cả đều hòa quyện trong một sự thật duy nhất. Dù có những bí mật chỉ có thể chạm đến bằng đức tin, những phần còn lại của học thuyết Công giáo đều được cả đức tin và lý trí công nhận, chẳng hạn như sự tồn tại bất tử của linh hồn con người.
Những bài giảng và các ấn phẩm của thánh Albertô Cả đã mang đến danh tiếng vang dội cho vị tu sĩ dòng Ðaminh. Ngài được trích dẫn thường xuyên hơn vào thời đó, với tần suất có thể so sánh với các triết gia Ả Rập Avicenna, Averroës và cả Aristotle. Roger Bacon, một học giả đương đại, từng gọi vị thánh là “học giả Công giáo nổi tiếng nhất mọi thời đại”.
Mùa hè năm 1248, thánh Albertô Cả nhận nhiệm vụ mới tại Cologne để tổ chức đại học Trung Cổ đầu tiên của dòng Ðaminh tại Ðức. Ngài chịu trách nhiệm quản lý cho đến năm 1254, trong thời gian này toàn tâm nghiên cứu, giảng dạy và viết lách. Từ năm 1254 đến 1257, ngài tiếp nhận vị trí bề trên giám tỉnh Teutonia. Dù công việc bộn bề trên cương vị mới, thánh nhân vẫn tiếp tục viết sách, quan sát và nghiên cứu khoa học. Ðến năm 1257, thánh Albertô Cả từ chức và quay về giảng dạy tại Cologne cho đến khi được Ðức Giáo Hoàng Alexander IV bổ nhiệm làm Giám mục Ratisbonne vào tháng 1.1260. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, vị Giám mục lại xin phép Tòa Thánh quay về với việc nghiên cứu và giảng dạy cho đến những năm cuối đời.
HỒNG HOANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.