Ở hòn đảo trên sông Tiber của thành Rome, Ý có một nhà thờ được thánh hiến cho các vị đã chịu chết vì đức tin từ thế kỷ 20.
Vương Cung Thánh Ðường San Bartolomeo all’Isola (Thánh Bartholomew Trên Ðảo) với các thánh tích của các vị tử đạo nằm hai bên, cùng bàn thờ ở vị trí trung tâm là nơi để khách hành hương đặc biệt nhớ về các vị tử đạo của thế kỷ 20, 21 và những Kitô hữu vẫn còn bị bách hại ngày nay. Ðây vốn là nhà thờ cổ do Hoàng đế La Mã Otho xây dựng vào cuối thế kỷ X, sau đó được Hoàng đế Otto III của Ðức trao gởi thánh tích của thánh Bartholomew, người đã tử đạo vì đức tin vào năm 998 và thánh Adalbert, Giám mục của Pragu, tử đạo năm 997 khi truyền bá Phúc Âm tại Ba Lan.
Ngôi thánh đường đã nhận hơn 120 thánh tích của các vị tử đạo thời hiện đại từ khắp nơi trên thế giới |
Ngày nay, ngoài hai thánh tích nói trên, nhà thờ đang lưu giữ thánh tích của các tông đồ và các nhà truyền giáo thời trung cổ; của thánh Maximilian Kolbe, tử đạo tại trại tập trung Ðức quốc xã trong thế chiến thứ hai; chân phước Leonella Sgorbati, nữ tu tử đạo khi đang phục vụ tại bệnh viện bị các tay súng Hồi giáo cực đoan sát hại trong cuộc nội chiến ở Somalia vào năm 2006... Tổng cộng, cha Angelo Romano, giám quản của nhà thờ San Bartolomeo all’Isola cho biết, ngôi thánh đường đã nhận hơn 120 thánh tích của các vị tử đạo thời hiện đại từ khắp nơi trên thế giới.
Một số thánh tích hiện được lưu giữ phía trên hầm mộ của nhà thờ, bởi các nhà nguyện đang bảo quản các thánh tích của các vị tử đạo đến từ Trung Ðông, châu Phi, châu Á, châu Mỹ, và châu Âu đã không còn chỗ. Cha Romano chia sẻ: “Câu chuyện về các đấng tử đạo luôn cuốn hút. Mọi người muốn biết về các ngài vì các ngài đã được ở gần bên Chúa Giêsu. Và khi bạn đến gần với Chúa, mọi người đều yêu mến bạn. Những vị tử đạo đã tha thứ cho những người bách hại họ, giống như Chúa Giêsu trên thập giá. Ðó chính là sức mạnh của tình yêu”. Trước khi qua đời, sơ Leonella Sgorbati đã thốt lên câu nói sau cùng: “Tôi tha thứ, tha thứ cho họ”. Câu nói này đã làm những người có mặt quanh sơ vô cùng cảm phục và đã được lan truyền khắp thế giới.
Cha Romano cũng là bạn của chân phước Giuseppe Puglisi, linh mục tại một giáo xứ ở Palermo, bị ám sát vì có những phát biểu chống lại mafia tại vùng này. Vị giám quản cho biết nhà thờ cũng vừa được tặng cuốn Kinh Thánh của cha Jacques Hamel, người bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sát hại khi đang cử hành thánh lễ tại Pháp năm 2016.
Thánh đường được Ðức Gioan Phaolô II dâng hiến cho các đấng tử đạo thời hiện đại vào năm 2000 vì ngài là bạn của nhiều vị đã chết hoặc bị bách hại vì đức tin. Chính ngài cũng đã trải qua những thời khắc rất khó khăn dưới sự đe dọa của phát xít trong Thế chiến II. Năm 1998, Ðức Gioan Phaolô II đã thành lập Ủy ban dành cho các vị tử đạo đương thời, không chỉ dành riêng cho các vị tử đạo Công giáo, mà dành cho cả các vị tử đạo của Tin Lành và Chính Thống giáo. Máu của các vị đổ xuống để làm chứng cho Chúa Kitô. Thời gian qua, nhà thờ San Bartolomeo all’Isola tiếp tục hướng vào tinh thần đại kết bằng cách vinh danh các vị tử đạo Anh giáo của đảo Solomon, đã tử đạo trong khi tiến hành hòa giải xung đột giữa các sắc tộc trong năm 1992 và 1993, cũng như linh mục Chính Thống giáo Nga Alexander Men bị sát hại ở Moscow năm 1990.
Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tặng ngôi thánh đường một con chim nhỏ bằng gỗ lấy từ nhà thờ Chính Thống giáo Ðức Mẹ Thiên Chúa ở Syria. Ngôi nhà thờ đã bị cháy sau trận tấn công bằng bom trong xung đột ở nước này. Con chim gỗ được mang đến Rome thông qua hành lang nhân đạo của cộng đồng Công giáo Thánh Egidio.
|
Thiện Tâm (theo CNA)
Bình luận