Tại Bỉ, 3 vị Thượng phụ ở Trung Đông đã trao thỉnh nguyện thư hòa bình cho Ủy viên EU về tự do tôn giáo Jan Figel vào ngày 11.10.2016. Ba vị là Đức Thượng phụ Selwanos Boutros Alnemeh của Chính Thống giáo Syria ở các thành phố Homs và Hama; Đức Thượng phụ George Abu Zakhem của Chính Thống giáo Hy Lạp ở Homs và Đức Thượng phụ Gregorio III Laham, giáo chủ Công giáo Hy Lạp Melkit ở thủ đô Damascus.
![]() |
Thư thỉnh nguyện hòa bình có chữ ký của 1 triệu trẻ em Syria kèm theo lời kêu gọi chung của các tín hữu Công giáo, Chính Thống giáo, Hồi giáo và các tôn giáo khác ở Syria. Đức Thượng phụ Alnemeh nói: “Trẻ em là tương lai của vùng Trung Đông. Các em phải được cắp sách đến trường. Chúng tôi đã mệt mỏi vì chiến tranh, các vụ bắt cóc và đổ máu. Hơn 5 năm qua, người ta đã hứa hẹn hòa bình cho trẻ em. Nay là lúc cần phải làm một điều gì đó thiết thực. Chúng tôi hy vọng thỉnh cầu sẽ chạm tới tâm hồn của các nhà chính trị”. Chiều ngày 11.10, 3 vị thượng phụ còn gặp ông Jean Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Hồi đầu tháng 10.2016, cơ quan này đã thông báo sẽ cộng tác với Liên hiệp Quốc để gởi một đoàn xe cứu trợ đến thành phố Aleppo ở Syria.
Các giám mục bang Texas kêu gọi bãi bỏ án tử hình
Trong thông cáo ngày 10.10 nhân Ngày Thế giới chống án tử hình, các giám mục của bang Texas (Mỹ) nói rằng án tử hình làm tổn hại lòng bác ái và yêu thương của con người. Án tử hình không đáp ứng công ích, nhưng thực tế còn gây hại cho công ích. Các vị giám mục ở Texas nhận định án tử hình không cho phép hoán cải tội nhân và cũng chẳng mang lại sự an ủi cho gia đình các nạn nhân. Theo thăm dò công bố ngày 29.9, tỷ lệ ủng hộ án tử hình tại Mỹ xuống mức độ thấp nhất kể từ hơn 40 năm nay: chỉ có 49% người được hỏi ủng hộ án tử hình so với 56% hồi tháng 3.2015.
Nhìn nhận nhân đức của 4 vị Tôi tớ Chúa
Bộ Phong thánh đã công bố bốn sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của bốn vị Tôi tớ Chúa, hai nam hai nữ, vào ngày 11.10.
![]() |
Đứng đầu danh sách là cha Luis Zamprano Blanco, người Tây Ban Nha, sáng lập Nữ tu hội đời Hogar de Nazareth - Tổ ấm Nazareth, qua đời năm 1983, thọ 74 tuổi. Cha nổi bật về các hoạt động săn sóc bệnh nhân và người già; tiếp đến là cha Tiburcio Arnáiz Munoz, dòng Tên Tây Ban Nha, qua đời năm 1926, thọ 61 tuổi, chuyên giảng các tuần đại phúc bình dân, làm linh hướng và giải tội; thứ ba là nữ tu Maria Teresa Spinelli, người Ý, sáng lập dòng Các Nữ tu Thánh Augustino Nữ tì Chúa Giêsu và Mẹ Maria qua đời năm 1850, thọ 61 tuổi. Chị sinh tại Roma năm 1879, lập gia đình năm 16 tuổi, nhưng thường bị chồng đánh đập và hành hạ. Chị về nhà săn sóc cha mẹ già. Năm 1820, chị được thị kiến mời gọi mở một trường học và chăm lo cho các thiếu nữ; sau cùng là nữ đan sĩ Maria Costanza Panas, người Ý, tục danh là Agnese Pacifica, thuộc dòng Thánh Clara Capuchin ở thành phố Fabriano, qua đời năm 1963, thọ 67 tuổi. Chị vốn là một nữ giáo viên, nhưng ngày càng xác tín về ơn gọi và đi tu năm 1918. Mười tám năm sau, chị được bầu làm Viện mẫu của đan viện.
Các vị Tôi tớ Chúa trên đây sẽ được phong Chân phước nếu có một phép lạ được chứng thực.
Nga lo âu về Kitô giáo ở Trung Đông
Chính phủ Nga bày tỏ lo âu vì các tín hữu Kitô và các nhóm tôn giáo thiểu số có nguy cơ biến mất khỏi Trung Đông. Trong một hội nghị về đề tài “Tôn giáo chống nạn khủng bố” tổ chức hồi đầu tháng 10 tại thủ đô Moscow, ông Konstantin Dolgov, đặc ủy về nhân quyền, dân chủ thuộc Bộ Ngoại giao Nga nhận định rằng trong 7 năm qua, những vụ gây hấn và tấn công khủng bố chống các tín hữu Kitô ở châu Phi, châu Á và Trung Đông gia tăng hơn 300%. Từ khi khi xảy ra cuộc xung đột ở Syria, con số các tín hữu Kitô giảm 1 triệu người; tại Iraq từ khi bùng nổ chiến tranh vùng Vịnh chỉ còn lại 10% các tín hữu Kitô. Sự hiện diện từ gần 2.000 năm qua của các Kitô hữu có nguy cơ biến mất mãi mãi. Theo chính quyền Nga, ở miền Mesopotamia hiện nay chỉ còn 150.000 Kitô hữu.
Tham dự hội nghị quốc tế này có Đức Tổng Giám mục Hilarion, Chủ tịch Hội đồng Ngoại vụ Tòa Thượng phụ Chính Thống Moscow. Ngài nhận xét rằng những nạn nhân đầu tiên của tình trạng hỗn độn mà người ta cố tình tạo ra chính là các cộng đoàn và nhóm tôn giáo cùng những cộng đồng dân tộc thiểu số. Hiện có một cuộc diệt chủng chống các Kitô hữu tại vùng mà Kitô giáo đã được khai sinh.
Cứu trợ nạn nhân của bão Matthew
Hội đồng Giám mục Ý đã dành 1.000.000 euro để cứu trợ các nạn nhân của bão Matthew ở Haiti. Số tiền này rút ra từ ngân khoản gọi là 8 phần ngàn do các tín hữu Công giáo đóng góp. Việc sử dụng tiền cứu trợ do Caritas Ý quản lý, chủ yếu cung cấp nước uống, lương thực, và các nhu yếu phẩm khác cho nạn nhân. Tổ chức này đã hiện diện tại Haiti từ sau trận động đất kinh hoàng hồi năm 2010. Trưa Chúa nhật 9.10, trong buổi đọc kinh Truyền tin cuối thánh lễ ở Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự hiệp thông với người dân Haiti.
![]() |
Từ Mỹ, cơ quan cứu trợ Công giáo dự kiến gởi thêm nhân viên và xe cộ tới Haiti. Hôm 7.10, cơ quan này cam kết dành 5 triệu USD như đóng góp ban đầu cho Haiti và các nước khác trong vùng Caribe để hồi phục sau cuồng phong.
Đức Thánh Cha kêu gọi cho Syria và chống thiên tai
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục bày tỏ tình liên đới với nhân dân Syria, đồng thời kêu gọi tăng cường phòng chống thiên tai trên thế giới. Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 12.10, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói: “Tôi muốn nhấn mạnh và lặp lại sự gần gũi của tôi với tất cả các nạn nhân cuộc xung đột vô nhân đạo tại Syria. Và ý thức về sự cấp thiết, tôi khẩn thiết kêu gọi các vị hữu trách hãy chung tay để thỏa thuận đình chiến được áp đặt và tôn trọng, ít nhất là trong thời gian cần thiết để di tản dân thường, đặc biệt là trẻ em, hiện vẫn bị kẹt dưới các cuộc oanh tạc tàn bạo”.
Nhân Ngày Thế giới chống thiên tai, 13.10, có chủ đề là “hạn chế tử vong”, Đức Thánh Cha cho rằng thiên tai có thể tránh được hoặc ít là giới hạn, vì hậu quả của chúng thường là do những thiếu sót trong việc bảo vệ môi trường từ phía con người: “Tôi khuyến khích hiệp sức một cách sáng suốt trong việc bảo vệ Trái đất - căn nhà chung của chúng ta - đồng thời tăng cường các biện pháp phòng ngừa, với sự trợ giúp của những kiến thức mới nhằm giảm bớt những rủi ro cho dân chúng dễ bị tổn thương nhất”.
Xấu hổ vì chính quyền Úc ngược đãi di dân
Trong thông cáo mới công bố, Đức Tổng Giám mục Denis Hart, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc bày tỏ sự xấu hổ vì chính quyền nước này trục xuất, ngược đãi di dân và đưa họ đến các trại tại 2 đảo Nauru và Manus của Papua New Guinea. Đức Tổng Giám mục Denis Hart cho biết nhiều tổ chức quốc tế bày tỏ sự lo ngại về điều kiện sống của những di dân trong các trại nói trên.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.