Thánh lễ chiều 15.6 tại nhà thờ Chánh tòa Ðức Bà Paris đặc biệt không chỉ vì đây là lễ đầu tiên sau khi ngôi thánh đường bị trận hỏa hoạn tàn phá cách đây hai tháng.
Ở nhà thờ Ðức Bà Paris, dù là lễ bằng tiếng Pháp hay lễ có xen tiếng Latinh; lễ có bài đọc bằng tiếng Anh (lễ “quốc tế” vào Chúa nhật hằng tuần), lễ Chúa nhật thường niên hay những đại lễ Phục Sinh, Giáng Sinh thì cũng đều làm các tín hữu được tham dự nhớ mãi. Giữa bầu khí thiêng liêng và trang nghiêm, khi vị chủ tế xông hương thì trầm hương tỏa ra thơm ngát, làn khói bốc lên làm cho ngôi thánh đường hơn 850 năm càng cổ kính hơn bao giờ hết, tiếng kinh nguyện, tiếng hát trầm ấm của ca đoàn luôn mặc đồng phục áo chùng xanh, rồi cuối lễ thường là một màn dạo đại phong cầm tuyệt hay… Những nét không lẫn vào đâu được của “Notre Dame”.
![]() |
Những vật dụng bị cháy vẫn chưa thể được dọn sạch - ảnh: Gpoli2019 |
Thánh lễ ngày 15.6 thì vô cùng khác biệt. Hàng trăm ngàn tín hữu đã “tham dự”, nhưng qua màn ảnh nhỏ và kênh Youtube của Ðài truyền hình Công giáo KTO. Tính luôn các vị Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân thì chỉ khoảng 30 người được có mặt tại nhà nguyện Ðức Ðồng Trinh ở phía sau cung thánh. Ðây là nơi từng lưu giữ mão gai của Chúa Giêsu và vẫn còn toàn vẹn sau vụ cháy. Nhưng những hình ảnh xung quanh nhà nguyện Ðức Ðồng Trinh vẫn cho thấy rõ mức độ nghiêm trọng của biến cố xảy ra cách đây hai tháng, trên sàn nhà còn nhiều vật dụng cháy đen chưa thể dọn hết vì hiện nay ngôi thánh đường còn đang trong giai đoạn gia cố để đảm bảo độ vững chãi. Bên trên, các tấm màn trắng mỏng được giăng để tránh gạch đá rơi xuống trúng người dự lễ. Và ở nơi từng là mái vòm cao vút thì thay vào đó là vòm trời, chính là lỗ hổng lớn mà phần mái nhà bằng gỗ cổ bị cháy trụi và tòa tháp Mũi Tên bị sập để lại. Lễ trong nhà thờ nhưng cũng như thánh lễ đại trào ngoài trời ở một quảng trường. Lễ chỉ có 30 người dự, nhưng thực tế có tới hàng trăm ngàn tín hữu hiệp thông…
![]() |
Đức cha Michel Aupetit không cầm gậy mục tử, cũng không đội mũ giám mục, thay vào đó là nón bảo hộ lao động |
18 giờ, Ðức cha Michel Aupetit, Tổng Giám mục Paris cùng cộng đoàn tiến về nhà nguyện Ðức Ðồng Trinh. Ngài không cầm gậy mục tử, cũng không đội mũ giám mục, thay vào đó là nón bảo hộ lao động. Ðể đảm bảo an toàn, toàn bộ những ai có mặt được yêu cầu đội nón bảo hộ trong suốt thời gian dự lễ. Vị Giám mục dâng lễ với chiếc nón của công trường. Trong số những tín hữu ít ỏi được dự lễ, có vài người thợ đang tham gia phục dựng ngôi thánh đường, hằng ngày vẫn luôn đội chiếc nón ấy. Cùng với họ là những tình nguyện viên của Tổng Giáo phận Paris, những thành viên Quỹ Notre Dame, có cả tướng Jean-Louis Georgelin - người chịu trách nhiệm điều phối việc phục dựng và một số giáo dân đang lâm cảnh khốn khó… Không còn khoảng cách, không có ai bị loại trừ, là Giám mục hay giáo dân, là tướng chỉ huy hay thợ trực tiếp “xông pha” ở công trường, tất cả quây quần thành vòng tròn của đức tin, của lòng yêu mến nhà thờ Ðức Bà Paris và của “thông điệp hy vọng” như nhận định của Ðức cha Aupetit vào đầu lễ.
![]() |
Vòng tròn nhỏ mà không hẹp - ảnh: Gpoli2019 |
Ngày 15.6 là đúng hai tháng sau khi người dân Paris bàng hoàng nhìn ngọn lửa hừng hực bốc lên từ phần mái nhà gần ngàn năm của “Notre Dame”. Nhưng 15.6 cũng là dịp mừng sớm lễ kỷ niệm cung hiến nhà thờ, thánh hiến bàn thờ của nhà thờ Ðức Bà Paris - 16.6. Ðức cha Aupetit chia sẻ: “Nhà thờ Chánh tòa được sinh ra từ đức tin của tổ tiên chúng ta. Ngôi thánh đường cho thấy sự tin tưởng nơi Ðấng Kitô, tin vào tình yêu thương của Người sẽ chiến thắng hận thù, tin vào sự sống sẽ vượt lên cái chết (…). Nhà thờ Chánh tòa này đã được sinh ra từ niềm hy vọng của Kitô hữu, với góc nhìn vượt xa cuộc đời ngắn ngủi của mỗi người để dấn thân vào một công trình tuyệt vời phục vụ cho cộng đoàn, một góc nhìn không bị bó hẹp ở một thế hệ”.
“Như mọi công trình, nhà thờ Chánh tòa Paris cũng có đá tảng góc tường làm nền tảng cho toàn bộ kết cấu. Ðá tảng góc tường ấy chính là Ðức Kitô. Nếu chúng ta lấy hòn đá này ra, nhà thờ Chánh tòa sẽ sụp đổ, sẽ trở thành một vỏ ốc trống rỗng, một bộ xương không sự sống, một cái xác không hồn”, vị Tổng Giám mục Paris nhấn mạnh. Ngài giảng giải: “Nhà thờ Chánh tòa là hoa trái của tài năng, là kiệt tác của con người. Con người là hoa trái của Ðấng Quyền Năng, là kiệt tác của Thiên Chúa. Khi hai điều này được kết hợp với nhau nơi Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và con người thật, thì mối Giao Ước đã được trọn vẹn”.
“Notre Dame” sinh ra từ đức tin, từ niềm hy vọng nên sau những bàng hoàng, những tàn rụi, những đổ nát của ngày 15.4 là tình liên đới, là sự chung tay, là vòng tròn nhỏ nhưng không hẹp ở nhà nguyện Ðức Ðồng Trinh được mở ra và kết nối với cả thế giới. Nhà thờ Ðức Bà Paris sẽ được xây dựng lại. 5 năm như mong đợi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay lâu hơn, không quan trọng, một thánh đường được xây dựng từ đức tin và niềm hy vọng thì có trải qua biến cố gì cũng sẽ hồi sinh.
Lan Chi
Cây thánh giá từ Aleppo
Cuối thánh lễ, Ðức ông Pascal Gollnisch, Giám đốc tổ chức Bác ái Ðông phương (Pháp) và là Tổng Ðại diện của các tín hữu Công giáo Ðông phương tại Pháp đã trao cho Ðức Tổng Giám mục Paris Michel Aupetit cây thánh giá nhỏ bằng đá được một điêu khắc gia Syria tạc từ hòn đá của nhà thờ Chánh tòa Aleppo. Ngôi thánh đường này đã bị bom đạn của cuộc xung đột tại Syria phá hủy vào năm 2012 và hiện được tổ chức Bác ái Ðông phương hỗ trợ xây dựng lại. Trả lời trang tin Aleteia, Ðức ông Gollnisch cho biết: “Ðây là ý của Ðức cha Tobji, Tổng Giám mục Aleppo, để bày tỏ tình bằng hữu và sự cảm thông, liên đới của các tín hữu Syria với các tín hữu Pháp. Cây thánh giá nhỏ, chỉ khoảng 40cm nhưng mang ý nghĩa rất lớn”. |
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.