Thứ Hai, 22 Tháng Sáu, 2015 10:18

Giáo hội Lào thêm 15 vị tử đạo được nhìn nhận

 

Ngày 5.6.2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký sắc lệnh nhìn nhận linh mục Joseph Thao Tien và 14 tu sĩ, giáo dân khác là những vị tử đạo. Tất cả đã hy sinh mạng sống từ năm 1954 đến năm 1970: bị sát hại, bị hành hình hay chết vì kiệt sức. Cha Giuse Thao Tien, sinh năm 1918, chết năm 1954 được coi là vị tử đạo đầu tiên người Lào.

Một thánh lễ tại Lào

Mười lăm vị Tôi tớ Chúa mới được nhìn nhận tử đạo gồm: linh mục người Lào, Joseph Tien (1918-1954); mười linh mục người Pháp, trong đó có năm linh mục MEP: Jean-Baptiste Malo (1899-1954), René Dubroux (1914-1959), Noel Tenaud (1904-1961), Marcel Denis (1919-1961) và Lucien Galan (1921-1968), và năm linh mục OMI: Louis Leroy (1923-1961), Michel Coquelet (1931-1961), Hénoret Vincent (1921-1961), Jean Wauthier (1926-1967) và Joseph Boissel (1909-1969).

Hai giáo lý viên: Outhay Joseph (1933-1961) người Thái Lan và Luc Sy (1938-1970) người Lào; và hai giáo dân Lào: Khampheuane Thomas (1952-1968) và Maisam Pho Inpeng (1934-1970).

Ngày 6.5.2015 vừa qua, Bộ Phong Thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của hai vị Tôi tớ Chúa ở Lào là cha Mario Borzaga, thừa sai người Ý thuộc dòng Hiến sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) và giáo lý viên Paolo Thoj Xyooj.

Cho đến nay, Giáo hội Công giáo tại Lào chưa có vị Chân phước hoặc Hiển thánh nào người bản xứ, vì Giáo hội Lào không có đủ phương tiện cho vụ án phong Chân phước, nên giáo phận Nantes bên Pháp đã chịu các phí tổn của án này từ năm 2007. Thỉnh nguyện viên là cha Jacques Roland, dòng OMI có tên Việt là cha Dương Hữu Nhân. Sau cuộc điều tra ở cấp giáo phận, toàn bộ hồ sơ đã được chuyển về Bộ Phong Thánh từ năm 2010.

Việc Phúc âm hóa ở Lào chỉ mới có từ cuối thế kỷ 19, Hội Thừa Sai Paris gởi các nhà truyền giáo đầu tiên đến Lào, tiếp đó là Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ (OMI) đến Lào vào những năm 1930. Nhưng sau Thế chiến II, các xáo động chính trị đã nhanh chóng làm cho công việc truyền giáo bị khó khăn.

Giáo hội Lào coi các vị chân phước tử đạo là một nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng và cho đời sống đức tin. Tại Lào, Kitô hữu chỉ là thiểu số, người Công giáo chỉ có khoảng từ 50.000 đến 60.000 người.

QV

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm
Xem nhiều nhất