Thứ Sáu, 21 Tháng Tám, 2015 09:04

Tình yêu Thiên Chúa không loại trừ người tái hôn

Gia đình là một trong những chủ đề thường được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến trong các buổi giáo lý hằng tuần dành cho cộng đoàn.

Theo hãng tin Zenit, trong buổi tiếp kiến chung sáng 5.8 tại đại thính đường Phaolô VI, Đức Phanxicô khẳng định: “Dù việc tái hôn của người ly dị đi ngược lại bí tích hôn phối, Giáo hội vẫn chào đón họ trong tư cách người mẹ đầy yêu thương”. Ngài nhấn mạnh: “Không ai bị loại khỏi tình yêu vô hạn của Thiên Chúa”.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: “Lần trước, chúng ta đã nhắc đến các gia đình bị tổn thương vì sự thiếu hiểu biết của các cặp vợ chồng, hôm nay chúng ta chú ý tới một thực tại khác. Đó là làm sao chăm sóc họ sau thất bại không thể vãn hồi của đời sống gia đình”.

 

Đức Thánh Cha nói thêm, Giáo hội biết rõ rằng tình trạng này trái ngược với Bí tích Kitô. Tuy nhiên một Giáo hội nhân từ được Chúa Thánh Thần soi sáng sẽ luôn tìm kiếm cái thiện của con người. Vì thế Giáo Hội cảm thấy có bổn phận “vì tình yêu đối với sự thật, phải phân định rõ tình hình”.

Các tuyên bố của Đức Phanxicô có thể xem là sự nối tiếp vì ba vị Giáo hoàng gần đây nhất đều chủ trương Giáo hội phải phân minh, đồng hành và chào đón người ly dị tái hôn. Đức Phanxicô chỉ xác nhận thêm lời Đức Gioan Phaolô II từng diễn tả trong Tông huấn hệ thống gia đình năm 1981, Familiaris Consortio (số 84) bằng cách đưa ra thí dụ về sự khác biệt giữa người chịu sự phân ly đối với người đã gây ra việc phân ly đó. Ngoài ra, Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng khuyên phải “xem xét thận trọng và chăm sóc mục vụ hợp lý” đối với những trường hợp tái hôn vì không hề có “những công thức đơn giản” (Diễn văn trước Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới lần thứ 7, tại Milan - Ý, năm 2012).

 

Về thái độ của Giáo Hội từ trước đến nay, Đức Phanxicô đã nói rõ hơn trong bài giảng: “Nói cho đúng, trong những thập niên vừa qua, Giáo Hội không vô cảm cũng không chậm chạp. Quan điểm của các mục tử, được các vị tiền nhiệm của tôi hướng dẫn và củng cố, đã có ý thức hơn rằng cần có sự tiếp nhận huynh đệ và đầy quan tâm, trong yêu thương và sự thật, đối với những người chịu phép rửa nay đã lập một cuộc sống chung mới sau khi cuộc hôn nhân bí tích của họ thất bại; thực vậy, những người này không hề bị tuyệt thông, họ không hề bị tuyệt thông! Và tuyệt đối họ không bị đối xử như thế: họ luôn là thành phần của Giáo Hội”.

Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha tỏ ý muốn tìm ra các phương án giúp những người ly dị tái hôn tham dự nhiều hơn vào đời sống của Giáo Hội, nhất là khi tình trạng của họ sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đối với con cái. Ngài chia sẻ: “Thế rồi nếu chúng ta cũng nhìn các mối dây liên kết mới này với góc nhìn của các đứa con nhỏ, và trẻ nhỏ thì nhìn theo kiểu của các em, chúng ta lại sẽ thấy việc cộng đoàn mở rộng vòng tay đón tiếp người tái hôn càng cấp bách. Họ là những người đau khổ nhất khi phải trải qua tình trạng ấy” .

 

Ngài cũng nhiều lần nhắc lại lời mời gọi các vị chủ chăn bày tỏ thẳng thắn việc cộng đoàn sẵn lòng mở rộng cửa với người tái hôn, để họ sống và luôn phụng sự Chúa Kitô cũng như Giáo Hội bằng nhiều cách như cầu nguyện; lắng nghe Lời Chúa; tham dự phụng vụ; giáo dục con cái sống đời Kitô, bác ái; phục vụ người nghèo; dấn thân cho công lý và hòa bình. Thái độ đó cũng là một hình mẫu để Giáo Hội  tiếp đón con cái mình như một người mẹ bao dung. “Giáo Hội được mời gọi luôn luôn là căn nhà rộng mở của Thiên Chúa Cha… Không có chuyện đóng cửa! Không có chuyện đóng cửa! Tất cả mọi người đều có thể tham dự trong một cách thức nào đó vào cuộc sống giáo hội, tất cả đều có thể là thành phần của cộng đoàn. Giáo Hội… là nhà cha, nơi có chỗ cho từng người với cuộc sống nhọc nhằn của mình” (Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, s. 47).

Tình trạng những người ly dị tái hôn cần được săn sóc mục vụ đã từng là vấn đề nóng bỏng của Thượng Hội Đồng đặc biệt về gia đình năm ngoái. Và chủ đề này vẫn sẽ là một trong những trọng tâm của Thượng Hội Đồng vào tháng 10 sắp tới.

Thảo Nguyễn

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm