Tông hiến mới: Cải cách trong sự tiếp nối

Ngày 19.3.2022, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố Tông hiến Praedicate Evangelium - Hãy Loan báo Tin Mừng, gồm 54 trang và 250 điều khoản.

Tông hiến mới được công bố vào lễ kính thánh Giuse, và cũng là kỷ niệm 9 năm ngày đăng quang của Ðức Phanxicô. Khi chính thức có hiệu lực vào ngày 5.6 - lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Praedicate Evangelium - Hãy Loan báo Tin Mừng sẽ hoàn toàn thay thế Tông hiến Pastor Bonus - Mục tử Nhân lành do Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố vào ngày 28.6.1988 và có hiệu lực từ ngày 1.3.1989.

Việc cải tổ giáo triều được xem là một trong những chủ đề thảo luận quan trọng nhất của các vị hồng y trước khi tham gia mật nghị bầu chọn giáo hoàng vào năm 2013. Và từ khi trở thành đấng kế vị thánh Phêrô, Ðức Phanxicô cũng xem đây là một trong những vấn đề ưu tiên ở triều đại của ngài. Trên thực tế, nhiều phần của những cải cách được nêu trong Tông hiến mới đã được Ðức Thánh Cha thực hiện trong suốt 9 năm qua, nhưng một cách riêng lẻ: Sáp nhập một số bộ của Tòa Thánh; thay đổi việc quản trị kinh tế, tài chính ở Vatican; trao quyền cho giáo dân nhiều hơn… Với Praedicate Evangelium - Hãy Loan báo Tin Mừng, ngài đã hệ thống lại việc cải cách giáo triều, đồng thời định hướng cho hành trình tương lai của Giáo hội.

Họp báo ra mắt Tông hiến mới tại Vatican vào ngày 21.3.2022


Ðức Giáo Hoàng trực tiếp điều hành một bộ

Theo Tông hiến mới, “giáo triều Rome sẽ gồm Phủ Quốc vụ khanh, các bộ và các tổ chức, tất cả đều bình đẳng”. Các Hội đồng Giáo hoàng hoặc chuyển thành bộ, hoặc sáp nhập vào bộ, giúp cho giáo triều trở nên tinh gọn (có tổng cộng 16 bộ) và hoạt động hiệu quả hơn, tránh được sự trùng lặp về vai trò và nhiệm vụ. Và như chính tên của Tông hiến, Praedicate Evangelium - Hãy Loan báo Tin Mừng, sứ vụ rao giảng Lời Chúa là trọng tâm của Giáo hội. Vì vậy, một trong những thay đổi quan trọng là Bộ Loan báo Tin Mừng ra đời từ sự kết hợp của Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, với Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc Âm hóa, “do Ðức Thánh Cha trực tiếp điều hành”. Hai vị đứng đầu bộ và Hội đồng Giáo hoàng cũ trở thành các Quyền Tổng trưởng của hai phân bộ thuộc Bộ mới thành lập.

Loan báo Lời Chúa là trọng tâm của Giáo hội - ảnh: Vatican Media

Ðức ông Patrick Valdrini, Giáo sư danh dự về giáo luật của Ðại học Giáo hoàng Laterano, cho biết đây không phải lần đầu tiên trong lịch sử một vị giáo hoàng trực tiếp điều hành một bộ: “Trong suốt 4 thế kỷ - cho đến triều đại Ðức Gioan Phaolô II - các giáo hoàng vẫn luôn giữ vai trò của Tổng trưởng Bộ Giáo lý Ðức tin. Và Giáo lý Ðức tin vẫn luôn được xem là bộ quan trọng nhất của giáo triều. Qua những thay đổi trong Tông hiến mới, Ðức Phanxicô muốn nhấn mạnh vị trí hàng đầu của Bộ Loan báo Tin Mừng”.

Một điểm đáng chú ý khác là Sở Từ thiện của Giáo hoàng trở thành Bộ Phục vụ Bác ái: “Bộ này sẽ thi hành sứ vụ ở mọi nơi trên thế giới để nhân danh Ðức Thánh Cha giúp đỡ những người nghèo, người yếu thế, người bị loại trừ”. Liên quan đến giáo triều, Praedicate Evangelium - Hãy Loan báo Tin Mừng nhắc đến Bộ Loan báo Tin Mừng, Bộ Giáo lý Ðức tin và Bộ Phục vụ Bác ái trước các bộ khác, là một cách khẳng định tầm quan trọng của những cơ quan này.

Sở Từ thiện Giáo hoàng trở thành Bộ Phục vụ Bác ái

Kim tự tháp ngược

Tông hiến mới cũng nhấn mạnh tính “hiệp hành” của Giáo hội, đề cao vai trò của các Giáo hội tại địa phương và giáo dân: “Giáo triều không ở giữa giáo hoàng và các giám mục, nhưng phục vụ cho cả hai”. Các thành viên của giáo triều cũng là các “môn đồ truyền giáo”. Tính “hiệp hành”, từ khóa hàng đầu của bản Tông hiến, được xem như phương thức chính yếu để Tòa Thánh hoạt động. Phương thức này đã được áp dụng và sẽ ngày càng trở nên chủ đạo. Qua đó, Ðức Thánh Cha sẽ tăng cường phân quyền cho địa phương một cách tự nhiên nhất.

Ðức ông Patrick Valdrini nhắc lại: “Năm 2015, trong dịp kỷ niệm 50 năm Thượng Hội đồng Giám mục, Ðức Thánh Cha đã nói rằng mỗi bộ của Tòa Thánh đều cần thăng tiến tính hiệp hành, và việc cải tổ giáo triều phải tạo điều kiện để mọi người, bao gồm giáo dân, đều có thể góp sức, kể cả ở những vị trí cấp cao”. Cũng trong dịp đó, Ðức Phanxicô giảng giải rằng hiệp hành chính là nền tảng để hiểu rõ được ngạch trật của các bộ trong giáo triều, vì “nếu hiểu như thánh Jean Chrysostome từng nói, Giáo hội và hiệp hành đồng nghĩa với nhau, thì bên trong Giáo hội, sẽ không có ai được nâng lên cao hơn người khác”, ngược lại, chúng ta cần những người biết cúi xuống để phục vụ anh chị em trên hành trình của mình. Vì thế, Giáo hội giống như “một kim tự tháp ngược, với đỉnh nằm ở dưới cùng” và trong các bộ, tổng trưởng phải là người ở sau cuối.

Praedicate Evangelium - Hãy Loan báo Tin Mừng cũng định nghĩa lại Phủ Quốc vụ khanh như “văn phòng của Giáo hoàng”, và chuyển Phòng Nhân sự Tòa Thánh sang Quốc vụ viện về Kinh tế. Các điều khoản của Tông hiến mới cũng quy định các linh mục, tu sĩ chỉ làm việc trong giáo triều tối đa 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm, sau đó thì trở về phục vụ giáo phận hoặc cộng đoàn dòng tu của mình.

Tòa nhà các bộ của giáo triều - ảnh: ACI Stampa

Từ “Niềm vui” đến “Hãy Loan báo”

Tông hiến được công bố ngày 19.3 dù mang lại nhiều thay đổi quan trọng nhưng có thể xem là sự kết nối hài hòa cho hành trình 9 năm qua ở vai trò chủ chăn Giáo hội hoàn vũ của Ðức Thánh Cha Phanxicô, và cũng là sự tiếp nối tinh thần của các vị giáo hoàng trước đây. Ðức Phanxicô đã mở đường cho Tông hiến Praedicate Evangelium - Hãy Loan báo Tin Mừng bằng tông huấn đầu tiên trong triều đại của ngài, Evangelii Gaudium - Niềm vui Tin Mừng (2013), đều nhấn mạnh đến sứ vụ rao giảng Lời Chúa.

Ðức ông Patrick Valdrini nhận định bản Tông hiến mới cũng hoàn toàn phù hợp với 4 bản trước đó có liên quan đến cải cách giáo triều: “Giáo triều ngày nay được định hình từ Tông hiến đầu tiên do Ðức Sixtô V ban hành vào năm 1588, và được hoàn thiện hơn với Tông hiến được Ðức Piô X công bố năm 1910. Sau đó là bản Tông hiến của Ðức Phaolô VI được soạn thảo sau Công đồng Vatican II, rồi đến Tông hiến của Ðức Gioan Phaolô II ban bố năm 1988. Praedicate Evangelium - Hãy Loan báo Tin Mừng có nhiều điểm tương đồng với hai Tông hiến này. Chẳng hạn, Ðức Gioan Phaolô II và Ðức Phaolô VI đều có nhắc đến sứ vụ truyền giảng Lời Chúa, trên tinh thần đó, Ðức Phanxicô đã đặc biệt nhấn mạnh thêm về chủ đề này”.

Ngoài ra, Tông hiến mới cũng góp phần đào sâu và hiện thực hóa các định hướng của Công đồng Vatican II - vốn có mục đích từ đầu là tìm ra phương thức để loan báo Tin Mừng trong một thời đại có nhiều thay đổi: Làm thế nào để giới thiệu đức tin Kitô giáo đến thế hệ trẻ khi thanh thiếu niên ngày nay dường như không “cảm” được lối diễn đạt xưa cũ? Làm sao để làm màu mỡ trở lại những mảnh đất xưa kia từng mang đậm dấu ấn Kitô giáo nhưng nay đã khô cằn, và cùng lúc đó gieo trồng hạt giống Lời Chúa lên những mảnh đất mới? Ðể truyền giáo, Giáo hội cần hướng đến thế giới để đối thoại. Còn giáo triều thì không phải một thiết chế tập trung “quyền lực” để điều hành, mà để phục vụ, nên cần phải tăng cường mối quan hệ với các Giáo hội tại địa phương, cụ thể là các Hội đồng Giám mục, các Liên Hội đồng Giám mục.

Hơn hai tháng từ lúc công bố đến khi có hiệu lực là thời gian để giáo triều và các bộ sắp xếp cấu trúc, phương thức điều hành, hoạt động, nhân sự… vì sẽ trải qua đợt cải tổ toàn diện, đặc biệt là Bộ Loan báo Tin Mừng.

Lan Chi

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus vivit
Kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus vivit
Kỷ niệm 5 năm ngày ban hành Tông huấn Christus vivit - Chúa Kitô đang sống, Đức Thánh Cha Phanxicô gởi sứ điệp mời gọi các bạn trẻ thắp lại niềm hy vọng, bắt đầu lại từ lời loan báo “Chúa Kitô hằng sống”.
Niña Ruiz-Abad sẽ ở trong hàng ngũ các thánh trẻ tuổi
Niña Ruiz-Abad sẽ ở trong hàng ngũ các thánh trẻ tuổi
Tòa Thánh đã xác nhận rằng không có gì ngăn trở việc mở án phong thánh cho cô Niña Ruiz-Abad, một bé gái 13 tuổi qua đời năm 1993 tại Philippines.
Lễ Lá đại kết ở Zambia
Lễ Lá đại kết ở Zambia
Cuộc rước Lễ Lá 24.3.2024 đã trở thành sự kiện lịch sử ở thị trấn Mongu, Zambia, với sự tham gia của các tín hữu Tin Lành và tín hữu Công giáo, thể hiện tinh thần đại kết Kitô giáo.
Kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus vivit
Kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus vivit
Kỷ niệm 5 năm ngày ban hành Tông huấn Christus vivit - Chúa Kitô đang sống, Đức Thánh Cha Phanxicô gởi sứ điệp mời gọi các bạn trẻ thắp lại niềm hy vọng, bắt đầu lại từ lời loan báo “Chúa Kitô hằng sống”.
Niña Ruiz-Abad sẽ ở trong hàng ngũ các thánh trẻ tuổi
Niña Ruiz-Abad sẽ ở trong hàng ngũ các thánh trẻ tuổi
Tòa Thánh đã xác nhận rằng không có gì ngăn trở việc mở án phong thánh cho cô Niña Ruiz-Abad, một bé gái 13 tuổi qua đời năm 1993 tại Philippines.
Lễ Lá đại kết ở Zambia
Lễ Lá đại kết ở Zambia
Cuộc rước Lễ Lá 24.3.2024 đã trở thành sự kiện lịch sử ở thị trấn Mongu, Zambia, với sự tham gia của các tín hữu Tin Lành và tín hữu Công giáo, thể hiện tinh thần đại kết Kitô giáo.
Rước Lá đón hòa bình
Rước Lá đón hòa bình
Trong thư được công bố vào Chúa nhật Lễ Lá, Đức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Yangon, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Myanmar, kêu gọi chấm dứt những đêm dài xung đột và sợ hãi, đồng thời mời gọi các tín hữu cầu nguyện xin Chúa...
Tín dụng xã hội cho người cần giúp đỡ
Tín dụng xã hội cho người cần giúp đỡ
Hướng về Năm Thánh 2025, qua Caritas, Giáo hội Ý đang chuẩn bị dự án vi tín dụng xã hội, để hỗ trợ những người gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng thông thường.
1.700 người lãnh nhận Bí tích Rửa tội ở Malaysia
1.700 người lãnh nhận Bí tích Rửa tội ở Malaysia
Trong đêm vọng Phục Sinh 2024, Giáo hội tại Malaysia có hơn 1.700 dự tòng lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Trong những năm gần đây, số người trưởng thành xin lãnh nhận Bí tích Rửa tội gia tăng tại Malaysia.
Cuộc hành hương Laudato Si ở Bangladesh
Cuộc hành hương Laudato Si ở Bangladesh
Ủy ban Giám mục về Công lý và Hòa bình Bangladesh đã tổ chức cuộc hành hương “Laudato si Quốc gia”, cổ vũ chăm sóc thiên nhiên và môi trường, cũng như nhận thức được vai trò của mỗi người trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Thay đổi lối sống tiêu dùng và hưởng thụ
Thay đổi lối sống tiêu dùng và hưởng thụ
Đức Giám mục Hormat mời gọi tất cả tín hữu thay đổi suy nghĩ để trở nên toàn diện và hài hòa, coi vũ trụ, con người và Đấng Tạo Hóa đều ở trong một mạng lưới liên kết với nhau và hình thành nên một gia đình phổ quát.
Hiệp lòng dập tắt lửa oán ghét
Hiệp lòng dập tắt lửa oán ghét
Nhân tháng Ramadan của Hồi giáo (11.3 - 10.4.2024), Tòa Thánh đã công bố sứ điệp chúc mừng các tín hữu Hồi giáo trên thế giới, và kêu gọi cùng nhau dập tắt ngọn lửa chiến tranh và thắp lên ngọn nến hòa bình.