Công cuộc trùng tu đã được khởi động tại phần mộ thiêng liêng nhất trong thế giới Kitô giáo, và tất nhiên mọi việc không đơn giản là chỉ chắp vá và sơn phết, mà thay vào đó là dự án phục hồi từ A-Z.
Trong vòng 9 tháng tới, một nhóm các chuyên gia bảo tồn Hy Lạp sẽ tìm cách khôi phục nhà thờ bên trên đang lún dần dưới sức nặng của chính mình qua hàng chục thế kỷ tồn tại, cũng như phần hang động được cho là nơi chôn cất Chúa Giêsu trước khi Ngài sống lại sau khi chịu đóng đinh trên Thánh Giá.
![]() |
Vết nứt trên Đá Thiêng
Để sửa chữa nhà thờ, nhóm chuyên gia sẽ buộc phải tiến vào tàn tích của hầm mộ có diện tích vài mét vuông từ thế kỷ thứ nhất. Ngôi mộ này được đặt tên là Đá Thiêng. Muốn đến được nơi đó, họ sẽ phải dọn dẹp hàng thế kỷ bồ hóng bám dày sau những đợt nến thắp; họ điều chỉnh và cố định những lớp đá cẩm thạch; và trát hồ của thế kỷ 21 vào công trình có nguồn gốc vào thời thập tự chinh hồi thế kỷ 12. Ở trung tâm của nhà thờ tọa lạc tại thành phố cổ Jerusalem, họ sẽ nâng phiến đá đã được hàng triệu người hành hương quỳ bái và cầu nguyện, nơi vị mặn của nước mắt và mồ hôi đã bào mòn và làm nhẵn bóng loại đá chắc chắn nhất. Và lần đầu tiên trong hơn 200 năm, họ sẽ tiến vào bên trong nấm mồ khắc từ đá đã nứt ra do nhà thờ xây bên trên đang bị hủy hoại. Công tác sửa chữa đã bị trì hoãn suốt nhiều thập niên. Sau những năm dài nổ ra tranh cãi giữa các cộng đồng Kitô giáo đang quản lý nơi này, cuối cùng dự án trùng tu nhà thờ Mộ Thánh cũng được khởi công vào đầu tháng 6. Là những người từng đối mặt với các công trình khó khăn khác như quần thể Acropolis (được xây từ năm 467 đến 407 trước CN) ở Athens, các chuyên gia Hy Lạp rất cẩn thận trong quá trình sửa chữa, vì họ không biết sẽ đối mặt với điều gì khi tiến vào nơi thiêng liêng nhất của đạo Kitô. Tờ The Washington Post dẫn lời bà Antonia Moropoulou, dẫn dắt nhóm chuyên gia của Đại học Kỹ thuật quốc gia tại Athens cho hay : “Đây là nơi giá trị nhất mà chúng tôi từng đảm nhận”.
![]() |
Trước khi bảo trì, nhóm chuyên gia Hy Lạp đã dùng thiết bị radar và máy quét laser xuyên mặt đất để kiểm tra khu vực nhà thờ và ngôi mộ. Các công nghệ mới như thiết bị bay không người lái được lắp camera đang được sử dụng bên trong nhà thờ, và cũng giống như trường hợp điều khiển thiết bị bay trong lòng thành phố Vatican hoặc thánh địa Mecca của đạo Hồi, điều này hoàn toàn không dễ dàng. Cũng nhờ vào công nghệ hiện đại, họ đã phát hiện một vết nứt trên phiến đá tạo nên ngôi mộ. Các nhà nghiên cứu tin rằng vết nứt trên xuất hiện do sức ép từ các hàng cột chống đỡ mái vòm bên trên, một vấn đề chưa từng được phát hiện trước đây do không có nhà khoa học đương đại nào từng vào nơi này.
Vượt qua nhiều trở ngại
Các công tác khảo cổ học tại nhà thờ Mộ Thánh đều bị hạn chế, không chỉ vì vấp phải sự phản đối của các giáo sĩ mà còn do truyền thống kéo dài nhiều thế kỷ. Nơi đây là địa điểm của các chuyến hành hương kéo dài không dứt, của niềm tin, lòng đam mê và những bí ẩn, hoàn toàn không phù hợp với những hoạt động đào bới và khám phá. Sau khi đọc những tài liệu do các tiền bối chứng kiến tàn tích của ngôi mộ vào năm 1810, Thượng phụ Chính Thống giáo Jerusalem Theophilos III mô tả một cách thành kính: “Không nghi ngờ rằng ở đây tồn tại một dạng năng lượng nào đó”, theo Tờ The Washington Post.
![]() |
Ở Jerusalem, thành phố mà nơi đâu cũng ghi dấu ấn từ hàng ngàn năm, hai thế kỷ không phải là thời gian dài. Thế nhưng vào năm 1809, lần cuối các giáo sĩ và nhóm nhân công đến được Đá Thiêng, con người vẫn chưa biết được vi khuẩn gây ra bệnh tật và nền khoa học khảo cổ vẫn chưa tồn tại. Khi đó, nhà thờ từ thời thập tự chinh đã bị hủy hoại trong cuộc hỏa hoạn khủng khiếp vào năm 1808, và khi người Hy Lạp tiến hành tôn tạo lại vào năm 1809, người ta đã vô cùng hưng phấn vì có thể thấy được phần còn lại của cái hang từng chôn thi hài của Chúa Giêsu. Hiện tại, tâm trạng hoàn toàn không khác cách đây 200 năm. Thượng phụ Theophilos III cảnh báo: “Đây không chỉ là một địa điểm khảo cổ học. Những tảng đá đó không chỉ là đá”.
Biểu tượng của đối thoại liên tôn Phải mất nhiều năm, các cộng đồng Kitô giáo có liên quan đến nhà thờ Mộ Thánh mới đồng ý trùng tu, từ Chính Thống giáo Hy Lạp, Công giáo, Chính Thống giáo Armenia, đến các dòng tu Syria. Đây là những dòng tu giành được quyền cầu nguyện tại đây kể từ thời đế quốc Ottoman. Phải đợi đến khi Đức Giáo hoàng Phanxicô và giáo hội Chính Thống giáo phương Đông cùng tác động, đồng thời với cam kết của vua Jordan Abdullah II, dự án 3,4 triệu USD mới được tiến hành. Do vậy, đây được xem là sự đồng lòng của các tôn giáo, cùng vượt qua sự khác biệt để cứu lấy ngôi thánh đường đang xuống cấp trầm trọng. |
Điều gì đang chờ đợi họ ở Đá Thiêng? Hiện chưa có ai biết được. Nhà khảo cổ học người Anh Martin Biddle, từng nghiên cứu nhà thờ Mộ Thánh trong thập niên 1990, cho rằng có thể tìm thấy một bức tranh nghệ thuật dạng grafitô đã được người hành hương để lại khi thăm viếng Đá Thiêng, hoặc bên dưới thềm của nhà thờ mái vòm, cũng có lẽ là những dòng chữ nguệch ngoạc có nội dung “người đã sống lại”. Cũng có thể họ sẽ tìm được những hình ảnh cây Thánh Giá nhỏ được khắc lên hang trong thế kỷ đầu tiên sau khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Hoặc có lẽ chỉ là một tảng đá được cắt gọt, v.v... và v.v... Trong thời gian trùng tu, nhóm chuyên gia Hy Lạp hứa sẽ vẫn tiếp tục mở cửa nhà thờ cho những người tham quan và hành hương, có nghĩa là các thành viên của nhóm sẽ làm việc vào ban đêm, mang theo các máy phát điện cá nhân và nhờ cậy những ánh sáng hắt ra từ cả trăm ngọn đèn nguyện. “Đây là một môi trường làm việc vô cùng thách thức, nhưng hết sức hấp dẫn”, theo trưởng đoàn Moropoulou.
Nơi thấm đẫm lòng mộ đạo và máu
Nhà thờ Mộ Thánh tại Jerusalem là một trong những địa điểm tôn giáo nổi tiếng nhất thế giới. Khu nhà thờ với hai hàng cột sâu hun hút, chứa đầy những hốc tối, các nấm mồ bí ẩn từ thời Thập tự chinh, những phòng nguyện bị che giấu và các biểu tượng bằng vàng. “Đây là nơi trời và đất giao hòa”, Thượng phụ Theophilos III nhận định. Cứ mỗi năm vào ngày thứ bảy Phục Sinh, hàng ngàn người theo Chính thống giáo chen nhau có mặt trong nhà thờ để chứng kiến phép lạ Lửa thiêng, khi mà một bó nến được đốt cháy trên nấm mồ và được chuyền từ tay này sang tay khác, nhằm xác nhận một lần nữa niềm tin về sự Phục Sinh của Chúa và lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu.
![]() |
Giới học giả tôn giáo suy luận những người đầu tiên theo chân Chúa Giêsu có thể đã cầu nguyện ở đây vào năm 66, trong khi có rất nhiều chứng cứ chắc chắn rằng dòng người hành hương đã đặt chân đến nơi này để cầu nguyện ít nhất là từ thế kỷ thứ 4. Cùng với làn sóng người mộ đạo, lịch sử cũng ghi nhận máu đã thấm đẫm địa điểm linh thiêng của Kitô giáo và Chính Thống giáo. Có ít nhất 4 nhà thờ từng mọc lên nơi đặt mộ phần của Chúa, đầu tiên là do đại đế Constantine vào thế kỷ thứ 4, người đã phá hủy đền thờ nữ thần Aphrodite (có lẽ được Rome xây dựng để ngăn chặn những người Kitô giáo đời đầu biến nơi đây thành địa điểm hành hương). Sau khi nhà thờ Mộ Thánh được Omar Đại đế bảo vệ không bị phá hủy vào năm 638, đến năm 1009 đã bị tàn phá trong tay vua Hồi giáo Ai Cập al-Hakim. Kế đến, nhà thờ được xây lại nhờ công của các đội quân Thập tự chinh, trước khi những kẻ này sát hại phân nửa dân số thành phố. Sau đó, Hồi vương của Ai Cập và Syria là Saladin đã bảo vệ nơi linh thiêng trước khi nó bị tàn phá dưới bàn tay của người Thổ dưới triều đại Khwarezm. Nhà thờ gần đây nhất đã được người Hy Lạp xây dựng và tôn tạo lại vào năm 1810.
GIANG VÔ YÊN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.