Thứ Năm, 09 Tháng Bảy, 2015 21:30

Arméni tưởng niệm biến cố đau thương 100 năm cuộc diệt chủng

Haiti - Hội nghị 5 năm sau trận động đất

Hội nghị do Đức Thánh Cha triệu tập 5 năm sau trận động đất ở Haiti đã diễn ra hôm 10.1.2015 tại tòa nhà Thánh Piô X thuộc Vatican, với chủ đề “Tình hiệp thông của Giáo hội, tưởng niệm và hy vọng cho Haiti 5 năm sau trận động đất”. Hội nghị này do Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum Đồng tâm và Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu La tinh tổ chức với sự cộng tác của HĐGM Haiti. Tham dự Hội nghị có các đại diện của Tòa Thánh, của Giáo hội tại Haiti và một số Hội đồng giám mục khác, các tổ chức từ thiện Công giáo, dòng tu và một số đại diện ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến các tham dự viên, Đức Thánh Cha cám ơn các Giám mục và mọi thành phần của Giáo hội tại Haiti, cũng như các tổ chức từ thiện đã tích cực góp phần cứu trợ và giúp tái thiết đất nước Haiti. Ngài ghi nhận đã có nhiều công trình được thực hiện nhưng vẫn còn rất nhiều điều phải làm, đồng thời kêu gọi đặt con người ở trung tâm mọi quan tâm. Đức Thánh Cha nói: “Không có sự tái thiết thực sự cho một đất nước nếu không tái thiết con người toàn diện. Điều này có nghĩa là phải làm sao để mỗi người dân tại Haiti có những gì cần thiết về phương diện vật chất, nhưng đồng thời có thể sống tự do, trách nhiệm và cuộc sống tâm linh, tôn giáo của mình”.

Trận động đất trận động đất kinh hoàng tối ngày 12.1.2010 tại vùng thủ đô Port-au-Prince đã làm cho khoảng 320.000 thiệt mạng và 3 triệu người bị tổn thương. Phần lớn các hạ tầng cơ sở và hàng chục ngàn gia cư cùng với tất cả các nhà thương tại đảo này bị phá hủy.

Arméni tưởng niệm biến cố đau thương 100 năm cuộc diệt chủng

Năm 2015, Giáo hội và dân tộc Arméni sẽ tưởng niệm biến cố đau thương 100 năm cuộc diệt chủng 1,5 triệu người Arméni do đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc diệt chủng này xảy ra vào cuối triều đại của vua Hồi giáo Abdul Hamid II của đế quốc Ottoman, rồi dưới thời gọi là những người Thổ Nhĩ Kỳ trẻ.

Năm 1920, hội nghị Paris đã nhìn nhận cuộc diệt chủng Arméni và nhiều nước khác cũng nhìn nhận biến cố này, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn phủ nhận sự kiện này, tuy rằng hồi năm 2014, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan, nay là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã chia buồn với con cháu người Arméni bị thảm sát.

Trong những ngày vừa qua, Đức Tổng Thượng phụ Karekin II, Giáo chủ Giáo hội Arméni Tông truyền, đã công bố thư mục vụ về việc tưởng niệm cuộc diệt chủng, cho biết ngày 23.4.2015, ngài chủ sự một buổi lễ trong đó ngài sẽ phong thánh cho tất cả các nạn nhân cuộc diệt chủng bị giết vì Đức tin và vì đất nước, đồng thời sẽ tuyên bố ngày 24.1 hằng năm sẽ là lễ kính các thánh tử đạo cuộc diệt chủng.

Giáo hội Arméni Tông truyền được Thánh Grêgoriô thành lập cách đây hơn 17 thế kỷ, tức là vào năm 301, và hiện có Tòa Tổng Thượng phụ ở Cộng hòa Arméni với các tín hữu ở Hoa Kỳ, Pháp, Nga, Liban, Syria, Canada và nhiều nơi khác. Một nhánh của giáo hội này đã trở về hiệp nhất với Tòa Thánh hồi năm 1742 và hiện có khoảng 540.000 tín hữu. Công giáo Arméni cũng chịu thảm trạng diệt chủng với 156 nhà thờ, 32 tu viện, 148 trường học, 6 chủng viện bị tàn phá, 270 nữ tu và 300 linh mục bị giết.

Các Giám mục Âu châu cùng nhau đương đầu với một số khó khăn về đạo lý và mục vụ

Đức Phanxicô khích lệ các Giám mục Âu châu cùng nhau đương đầu với một số khó khăn về đạo lý và mục vụ đang đề ra cho Âu châu ngày này để khơi dậy nơi tín hữu một đà tiến mới về truyền giáo và  cởi mở hơn đối với chiều kích siêu việt của cuộc sống. Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gởi đến Hội nghị các Giám mục đặc trách Giáo lý Đức tin thuộc các Giám mục Âu châu nhóm họp từ ngày 13 đến 15.1.2015.

Chiều ngày 15.1.2015, khóa họp của các vị đặc trách Giáo lý Đức tin thuộc các Hội đồng Giám mục Âu châu và các vị lãnh đạo của Bộ này tại Tòa Thánh đã kết thúc sau 3 ngày, dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng y Gerhard Ludwig Muller, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Thông cáo chung cho biết tham dự khóa họp có 26 Hồng y, Giám mục thuộc các Hội đồng Giám mục Âu châu, cùng với hai vị lãnh đạo và hai chức sắc của Bộ Giáo lý Đức tin. Trong ngày đầu tiên, Đức Hồng y Muller đã trình bày về bản chất thần học của các Ủy ban Giáo lý đức tin và nghĩa vụ của các Giám mục trong tư cách là thầy dạy Đức tin. Sau đó, các tham dự viên đã trao đổi về những đề tài liên quan như : đặc tính cứu độ duy nhất và đại đồng của Chúa Giêsu Kitô và việc loan báo Tin Mừng như nghĩa vụ đầu tiên của Giáo hội tại Âu châu. Trong ngày thứ hai của khóa họp, các Hồng y, Giám mục đã thảo luận đề tài như: lý thuyết về giống, nhân học Kitô giáo và tự do tôn giáo. Trong ngày cuối cùng, các vị bàn về những vấn đề thực hành có liên hệ tới việc tái loan báo Tin mừng, bí tích Giải tội và việc điều hành Ban Giáo lý Đức tin. Mỗi đề tài đều có một bài thuyết trình gợi ý do các Hồng y, Giám mục trình bày.

Đức Tổng Giám mục về hưu Paulinus Costa của Dhaka, Bangladesh qua đời

Đức Tổng Giám mục về hưu Paulinus Costa của Dhaka, Bangladesh, đã qua đời ở tuổi 78 hôm 3.1.2015, sau một cơn đau tim tại bệnh viện. Đức Tổng Giám mục Costa sinh ngày 19.10.1936 tại Rangamatia và được phong chức linh mục ngày 21.12.1963. Sau khi được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục Rajshahi vào ngày 11.1.1996, ngài được tấn phong Giám mục vào ngày 26.4.1996. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Dhaka vào ngày 9.7.2005, sau khi Đức Tổng Giám mục Michael Rozario về hưu. Đức Tổng Giám mục Costa đã nghỉ hưu vào ngày 22.10.2011.

Đức Tổng Giám mục Costa nổi tiếng vì dấn thân của ngài cho sự chung sống hòa bình giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau trong một đất nước mà người Hồi giáo chiếm hơn 90% dân số. Do những nỗ lực của mình mà ngài được vinh danh với giải thưởng Hòa bình Mahatma Gandhi vào năm 2007 và Hội Trợ giúp Pháp lý Nhân quyền đã trao tặng giải thưởng cho ngài vì những đóng góp đáng kể của ngài để bảo vệ nhân quyền ở Bangladesh.

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm