Sứ điệp Mùa Chay 2015 kêu gọi vượt thắng sự dửng dưng
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi thành phần Giáo hội vượt thắng hiện tượng “hoàn cầu hóa sự dửng dưng” đối với những người nghèo khổ. Đây là ý tưởng được Đức Thánh Cha nhấn mạnh và khai triển nhiều nhất trong Sứ điệp Mùa Chay bắt đầu từ ngày 18.2.2015. Sứ điệp của Đức Thánh Cha có chủ đề là một câu trích từ thư thánh Giacôbê : “Anh chị em hãy củng cố tâm hồn” (Gc 5,8).
Sau khi nhắc lại sự kiện Thiên Chúa không dửng dưng đối với con người, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta, Chúa biết đích danh chúng ta, chăm sóc và tìm kiếm chúng ta khi chúng ta bỏ Chúa. Chúa chú ý đến mỗi người chúng ta. Nhưng xảy ra là khi chúng ta an mạnh và cảm thấy thoải mái, thì thường chúng ta quên những người khác, không quan tâm đến những vấn đề của người khác, những đau khổ và bất công họ đang chịu”.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng sự dửng dưng vừa nói có chiều kích hoàn vũ và người ta có thể nói ngày nay đang có một thứ “hoàn cầu hóa sự dửng dưng”. Để giúp các tín hữu khắc phục tệ nạn này, Đức Thánh Cha mời gọi toàn thể Giáo hội ý thức rằng : “Nếu một chi thể đau, thì tất cả các chi thể khác cũng đau”. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi vượt thắng sự dửng dưng trong đời sống của các giáo xứ và cộng đoàn. Ngài cũng khuyến khích các tín hữu thực hiện những việc bác ái, đối với những người ở gần cũng như những người ở xa, nhờ bao nhiêu tổ chức bác ái của Giáo hội. “Mùa Chay là mùa thuận tiện để chứng tỏ sự quan tâm tới tha nhân qua một cử chỉ, dù là nhỏ bé nhưng cụ thể, nói lên sự tham dự của chúng ta vào nhân loại chung”.
Đức Phanxicô kêu gọi đề cao vai trò của giới nông dân, bài trừ nạn nghèo đói và bảo tồn môi sinh
Trong buổi tiếp kiến sáng 31.1.2015 dành cho 200 đại diện của Liên đoàn toàn quốc nông dân Italia, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Liên đoàn, Đức Phanxicô khẳng định rằng: “Không có nhân loại nếu không có sự canh tác đất đai; không có đời sống tốt đẹp nếu không có lương thực mà đất đai sản xuất cho con người thuộc mọi đại lục. Vì thế ngành nông nghiệp có một vai trò chủ yếu. Hoạt động của những người canh tác, quảng đại dành thời giờ và năng lực cho công tác này, thực là một ơn gọi đích thực. Ơn gọi này đáng được nhìn nhận và đánh giá một cách thích hợp, cả trong những chọn lựa cụ thể về chính trị và kinh tế”.
Trong ý hướng đó, Đức Phanxicô kêu gọi loại bỏ những chướng ngại đe dọa ngành nông nghiệp, khiến cho các thế hệ trẻ không còn cảm thấy được thu hút dấn thân trong canh nông nữa. Ngài cũng nhận xét rằng con người không những được kêu gọi canh tác đất đai nhưng còn phải bảo tồn đất nữa. Hai điều này có liên hệ mật thiết với nhau. Mỗi nông dân điều biết rõ thật là khó canh tác trong một thời đại có những biến đổi mau lẹ về khí hậu và những biến cố khí hậu thái cực ngày càng lan tràn. Làm sao tiếp tục sản xuất lương thực tốt cho cuộc sống của mọi người, khi mà sự ổn định khí hậu bị lâm nguy, khi mà không khí, nước và đất đai không còn tinh khiết vì bị ô nhiễm?
Sau cùng, Đức Thánh Cha cũng cổ võ một nền nông nghiệp ít ảnh hưởng tiêu cực tới môi sinh: làm sao để việc canh tác của chúng ta đồng thời cũng là một công trình bảo tồn đất đai? Chỉ như thế các thế hệ tương lai mới có thể tiếp tục ở trên trái đất và canh tác đất đai”.
Công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Truyền Thông xã hội lần thứ 49
Sáng 23.1.2015, Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày Truyền thông xã hội lần thứ 49 đã được công bố với chủ đề: “Truyền thông trong gia đình, môi trường ưu tiên để gặp gỡ trong tình yêu nhưng không”. Ngày này sẽ được cử hành vào Chúa nhật 17.5.2015.
Đức Phanxicô đã chọn đề tài này vì Giáo hội đang ở trong tiến trình Thượng HĐGM thế giới về Gia đình. Trong sứ điệp, Đức Phanxicô đã nhận xét rằng “các cơ quan truyền thông có xu hướng trình bày gia đình như thể đó là một kiểu mẫu trừu tượng cần chấp nhận hay từ khước, cần bảo vệ hoặc tấn công, thực ra, gia đình là một thực tại cụ thể để sống; giới truyền thông cũng thường trình bày gia đình như thể đó là một ý thức hệ của người này chống người khác, thực tế gia đình là nơi mà tất cả chúng ta học biết ý nghĩa việc liên lạc trong tình yêu được lãnh nhận và trao ban”.
Sau phần trình bày các khía cạnh của việc truyền thông, liên lạc trong gia đình, sứ điệp đã nhấn mạnh đến các phương tiện truyền thông hiện đại và ảnh hưởng của chúng đối với việc liên lạc trong gia đình và giữa các gia đình, vì các phương tiện ấy có thể cản trở hoặc trợ giúp. Sứ điệp của Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng cần tái khám phá sự kiện cha mẹ là những người đầu tiên giáo dục con cái, cha mẹ ngày càng phải hiện diện hơn nữa trong thế giới kỹ thuật số để hướng dẫn con cái.
Đức Phanxicô cũng cảnh giác chống lại nguy cơ lớn, đó là trẻ em hoặc thiếu niên khép kín, tự cô lập trong thế giới tiềm thể, lơ là với nhu cầu cần phải hội nhập vào đời sống thường nhật, trong những liên hệ với người khác. Sau cùng người trẻ cũng được kêu gọi làm chứng cho Chúa Kitô trong môi trường kỹ thuật số và trong các mạng xã hội.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.