Thứ Sáu, 17 Tháng Bảy, 2015 21:37

Một tỷ du khách, một tỷ cơ hội

Một tỷ du khách, một tỷ cơ hội

Sứ điệp Tòa Thánh nhân Ngày Thế giới về du lịch 27.9 với chủ đề “Một tỷ du khách, một tỷ cơ hội”đã được Hội đồng Tòa Thánh Mục vụ di dân và người lưu động công bố ngày 2.7.2015.

Chủ đề này cho thấy Giáo hội đã xem ngành du lịch cũng là một môi trường mục vụ, và những du khách cũng có vai trò trong việc thăng tiến công ích chung của nhân loại.

Trong sứ điệp, Đức Hồng y Antonio Maria Veglio, Chủ tịch, và Đức Cha Joseph Kalathiparampil người Ấn Độ, Tổng thư ký đã liệt kê bao nhiêu cơ hội mà ngành du lịch mang lại cho cuộc sống con người. Trong số những cơ may mà ngành du lịch mang lại, có cơ may cho sự tiến bộ, nhất là đối với các nước đang trên đường phát triển. Gia tăng du lịch, đặc biệt là với những hình thức trách nhiệm nhất, sẽ giúp tiến về tương lai, vững mạnh về đặc tính, lịch sử và văn hóa của mình. Sự gia tăng lợi tức và thăng tiến gia sản đặc thù giúp thức tỉnh niềm hãnh diện và tự tin củng cố phẩm giá của cộng đoàn tiếp đón.

 Đối với Giáo hội, ngành du lịch gia tăng cũng có nghĩa là gia tăng những cơ hội cho sứ mạng truyền giảng Tin Mừng, và là dịp để giáo dục các tín hữu về cách sống thời gian rảnh rỗi. Hội đồng Tòa Thánh Mục vụ di dân nhấn mạnh rằng: “Giáo hội và các tổ chức phải luôn cảnh giác để tránh cho một tỷ cơ hội trở thành một tỷ những rủi ro nguy hiểm, bằng cách cộng tác trong việc bảo tồn phẩm giá con người, các quyền của người lao động, căn tính văn hóa, tôn trọng môi trường. Giữa ngành du lịch và môi trường có một sự lệ thuộc sâu xa với nhau. Lãnh vực du lịch tận dụng những phong phú thiên nhiên và văn hóa, có thể tăng tiến sự bảo trì, hoặc trái lại có thể gây ra sự phá hủy. Trong tương quan ấy, Thông điệp Laudato sì của Đức Thánh Cha Phanxicô là một người đồng hành tốt”.

Vào năm 2012, trên thế giới đã có một tỷ du khách quốc tế và con số này tiếp tục gia tăng, dự kiến vào năm 2030 tới đây, sẽ lên tới 2 tỷ người.

Hai văn bằng tiến sĩ danh dự cho Đức Bênêđictô XVI

Sáng 4.7.2015, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã được trao tặng hai văn bằng tiến sĩ danh dự từ Ba Lan. Bằng thứ nhất của Học viện Thánh nhạc và bằng thứ hai của Đại học Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, cả hai đều ở thành phố Cracovia bên Ba Lan.

Từ lâu Đức Bênêđictô XVI cho biết ngài không nhận các văn bằng danh dự do các Đại học trao tặng, nhưng ngài chấp nhận thi hành luật trừ trong trường hợp này vì mối liên hệ đặc biệt với Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Đức Hồng y Stanislaw Dziwisz Tổng Giám mục Cracovia, trong tư cách là Đại chưởng ấn của hai cơ sở giáo dục Công giáo nói trên, đã trao hai Văn bằng tiến sĩ danh dự và nói về lòng gắn bó đặc biệt của Đức nguyên Giáo Hoàng với Cracovia: “Chúng con không quên những lời ngài đã nói ngày 28.5.2006 khi viếng Cracovia: Cracovia của Đức Karol Wojtila và Cracovia của Đức Gioan Phaolô II, cũng là Cracovia của tôi”.

 Trong diễn từ tại buổi nhận Văn bằng, Đức Bênêđictô XVI đã nói đến do hiểu sai Công đồng chung Vatican II, nhiều người đã làm mất kho tàng thánh nhạc long trọng trong phụng vụ. Trong Hiến chế về Phụng vụ, đoạn số 114, Công đồng dạy rằng “cần hết sức bảo tồn và tăng cường gia sản thánh nhạc”. Phong trào phụng vụ sau đó cho rằng các tác phẩm lớn về thánh nhạc chỉ nên dành cho các phòng hòa nhạc chứ không nên dùng trong phụng vụ. Trong phụng vụ chỉ nên có những thánh ca và kinh nguyện thường của giáo dân. Từ đó người ta nhận thấy có sự nghèo nàn văn hóa trong Giáo hội.

Tòa Thánh lo âu về tình hình Hy Lạp

Ngày 1.7.2015, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cha Lombardi, ra thông cáo trong đó nói đến việc Tòa Thánh lo âu về tình hình Hy Lạp và Đức Phanxicô bày tỏ sự gần gũi với nhân dân Hy Lạp đang bị thử thách nặng về vì cuộc khủng hoảng về nhân sự và xã hội. Thông cáo cũng nhấn mạnh đến một cách thức ổn định tình trạng ở Hy Lạp đó là “Phẩm giá con người phải được đặt ở vị trí trung tâm của mọi cuộc thảo luận về chính trị và kỹ thuật chuyên môn, cũng như trong việc quyết định những chọn lựa trách nhiệm”.

Tìm một giải pháp dài hạn cho vấn đề di dân

Hội đồng Tòa Thánh Mục vụ di dân và người lưu động kêu gọi các chính phủ Âu châu, các nước xuất cư và các tổ chức quốc tế cộng tác để tìm một giải pháp dài hạn cho vấn đề di dân. Lời kêu gọi trên được Đức Hồng y Antonio Maria Veglio, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Mục vụ di dân và người lưu động đưa ra trong sứ điệp công bố hôm 1.7.2015 nhân Ngày Chúa nhật Dân biển sẽ được cử hành vào ngày 12.7.2015.

Trong sứ điệp, Đức Hồng y Veglio chào mừng công việc của 1,2 triệu thủy thủ trên thế giới là điều không thể thiếu được đối với việc mậu dịch quốc tế. Ngài cũng ca ngợi lòng can đảm của những người cứu vớt hàng ngàn người di dân và tị nạn hằng ngày tìm đến bờ biển ở miền nam Ý. Nhiều khi trong việc cứu giúp ấy, thủy thủ đoàn cũng có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Chuẩn bị cho viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Phi châu

Tòa Thánh tiếp tục các cuộc chuẩn bị cho việc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Phi châu vào tháng 11.2015. Ngày 1.7.2015, hãng tin Công giáo Phi châu trích thuật lời phát ngôn viên của Tổng thống Uhuru Kenyatta và cho biết Tòa Thánh đã chính thức tiếp xúc với chính phủ Kenya về việc viếng thăm của Đức Giáo hoàng tại nước này vào tháng 11. Chính phủ đã trả lời thuận.

Đức cha Peter Cairo, Tổng Giám mục giáo phận Nieri ở miền trung Kenya nói: “Chúng tôi chờ đợi cuộc viếng thăm lịch sử này của Đức Giáo hoàng”.

Đức Thánh Cha có kế hoạch viếng thăm Uganda từ ngày 27 đến 29.11.2015 nhân dịp kỷ niệm 50 năm phong thánh cho các vị Tử đạo nước này. Ngài cũng định viếng thăm Cộng hòa Trung Phi và dừng lại ở vùng biên giới.

Kenya là một cường quốc kinh tế ở miền đông Phi châu, nhưng vẫn còn nạn tham nhũng, xung đột bộ tộc và nhiều người dân ở trong tình trạng nghèo đói. Đa số dân Kenya là tín hữu Kitô và có 10 % là người Hồi giáo. Ngoài ra nhóm Hồi giáo Shebab người Somali vẫn thường mở các cuộc tấn công ở miền bắc Kenya. Vào ngày 2.4.2015 họ đã tấn công đại học xá Garissa, giết hại gần 150 sinh viên. n

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm
Xem nhiều nhất