Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi cầu nguyện cho các tín hữu ở Trung Quốc
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 20.5.2015, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho các tín hữu Công giáo tại Trung Quốc và cổ võ tham gia buổi canh thức cầu nguyện cho tự do tôn giáo do Hội đồng Giám mục Ý đề xướng.
Đức Thánh Cha nói: “Ngày 24.5.2015, với lòng sùng mộ, các tín hữu Công giáo tại Trung Quốc khẩn cầu Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu Kitô, được tôn kính tại Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn (Sheshan) ở Thượng Hải. Cả chúng ta cũng sẽ khẩn cầu Mẹ Maria phù giúp các tín hữu Công giáo tại Trung Quốc luôn luôn là những chứng nhân đáng tin cậy về tình yêu thương xót của Chúa giữa lòng dân tộc của họ và sống hiệp nhất trong tinh thần với Đá Tảng Phêrô, trên đó Giáo hội được thiết lập”.
Đề cập đến việc Hội đồng Giám mục Ý đề nghị các giáo phận, nhân buổi canh thức áp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nhớ đến các anh chị em lưu vong hoặc bị sát hại chỉ vì họ là Kitô hữu, Đức Thánh Cha đã bày tỏ: “Tôi cầu mong buổi cầu nguyện ấy gia tăng ý thức rằng tự do tôn giáo là một nhân quyền bất khả nhượng, gia tăng sự nhạy cảm về thảm trạng của các tín hữu Kitô bị bách hại trong thời đại chúng ta ngày nay và chấm dứt được tội ác không thể chấp nhận ấy”.
Trước đây, trong thư gởi các tín hữu Công giáo tại Trung Quốc công bố hồi năm 2007, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề nghị toàn thể Giáo hội chọn ngày 24.5 hàng năm, lễ Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu, làm ngày cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc.
Đức Thánh Cha Phanxicô tố giác các tệ nạn trong lãnh vực lao công ngày nay
Đức Thánh Cha bày tỏ lập trường trên trong buổi tiếp kiến sáng 23.5.2015 dành cho 7.000 người thuộc các Hiệp hội Kitô các công nhân Ý (ACLI), nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội.
Đức Thánh Cha nhắc đến những thách đố đang đề ra cho Hiệp hội Kitô các công nhân Italia, đặc biệt là tình trạng gia tăng mau lẹ và rộng lớn những chênh lệch trong xã hội, kèm theo những hiện tượng như công ăn việc làm bấp bênh, làm lậu, và sức ép của các tổ chức bất lương, khiến cho nhiều người trẻ thiếu công ăn việc làm, phẩm giá của họ bị thương tổn, ngăn cản họ thực hiện cuộc sống nhân bản viên mãn. Ngài cũng mạnh mẽ phê bình sự kiện ở Ý có tới 40% người trẻ dưới 25 tuổi không có công ăn việc làm.
Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến bốn đặc điểm mà lao công cần phải có. Trước tiên là lao công tự do, qua đó con người tiếp tục công trình của Đấng Tạo Hóa. Tiếp đến là lao công sáng tạo, giúp con người diễn tả trong tự do và sáng tạo một số hình thức xí nghiệp, lao động hợp tác trong tinh thần cộng đoàn. Đặc điểm thứ ba Đức Thánh Cha nhấn mạnh, đó là lao công tham gia, giúp con người luôn nhìn thấy nơi mục đích của lao công khuôn mặt của tha nhân và sự cộng tác với người khác trong tinh thần trách nhiệm. Sau cùng là lao công liên đới, đó là sự gần gũi, đón tiếp và nâng đỡ những người lao động.
Cho người ly dị tái hôn dân sự rước lễ là lăng mạ Chúa Kitô
Ngày 21.5.2015, Đức Hồng y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích, người Guinea, năm nay 70 tuổi, trong buổi giới thiệu cuốn sách mới Cho người ly dị tái hôn rước lễ, do nhà xuất bản Cantagal ở Ý ấn hành, đã nhắc đến các cuộc thảo luận hiện nay trong Giáo hội Công giáo giữa lúc Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về Gia đình đang đến gần. Ngài nhận định rằng: “Trong Thượng Hội đồng Giám mục thế giới khóa đặc biệt hồi tháng 10.2014 có sự chia rẽ, nhất là về vấn đề cho người ly dị tái hôn dân sự rước lễ. Vấn đề này liên hệ nhất là với Tây phương. Ở Phi châu, chúng tôi kiên quyết. Chúng tôi đã thấy những người chết vì đức tin, vì thế chúng ta không thể đùa giỡn với Đức Tin”.
Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích hy vọng: “Trong Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10.2015, công nghị sẽ tìm lại được điều mà Giáo hội vẫn luôn quả quyết. Ta không thể thay đổi Tin Mừng. Đúng thế, Chúa Giêsu thương xót, nhưng Chúa đã nói rằng phá vỡ một hôn nhân đó là tội ngoại tình, một tội lỗi. Nếu một người tội lỗi không thống hối thì không thể rước Chúa Kitô. Nếu các Giám mục và linh mục làm như thế thì họ lăng mạ Chúa Kitô, họ xúc phạm đến Mình Chúa. Và đó là một tội càng nặng nề vì họ ý thức điều mà họ làm”.
Sự nhạy cảm của Giáo hội
Qua diễn văn tại buổi khai mạc Đại hội thứ 68 của Hội đồng Giám mục Ý nhóm họp từ chiều ngày 18.5 đến 21.5.2015 tại nội thành Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến những “nhạy cảm của Giáo hội” mà các vị Giám mục phải có:
- Trước tiên là không nhút nhát hoặc dè dặt trong việc tố giác và khắc phục não trạng tham nhũng đang lan tràn trong lãnh vực công và tư, làm cho các gia đình, những người hồi hưu, các công nhân lương thiện, các cộng đồng Kitô trở nên nghèo nàn, gạt bỏ người trẻ làm cho họ không còn hy vọng về tương lai, nhất là gạt ra ngoài lề những người yếu thế và túng thiếu.
- Sự nhạy cảm Giáo hội thúc đẩy các vị chủ chăn ra khỏi mình, đi đến với Dân Chúa để bảo vệ họ chống lại những thứ thực dân ý thức hệ, khiến cho họ mất căn tính và nhân phẩm.
- Cũng sự nhạy cảm ấy làm cho các vị chủ chăn soạn những văn kiện cụ thể, dành cho dân Chúa chứ không phải cho các chuyên gia, chứa đựng những đề nghị cụ thể, dễ hiểu; tiếp đến là củng cố vai trò không thể thiếu được của giáo dân.
- Sự nhạy cảm Giáo hội cũng được biểu lộ cụ thể qua đoàn thể tính giữa các Giám mục và linh mục, hiệp thông giữa các Giám mục với nhau, giữa các giáo phận giàu và giáo phận gặp khó khăn...
Đức Thánh Cha ghi nhận trên thế giới tại một số nơi, đoàn thể tính bị suy yếu trong việc xác định các kế hoạch mục vụ, cũng như trong việc chia sẻ những dấn thân về mặt kinh tế tài chánh như chương trình đã được đề ra, thiếu sự kiểm soát việc tiếp nhận các chương trình và thực hiện các dự án.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.