Ðức Giáo Hoàng hành hương Assisi, đến với 500 người nghèo

Trong chuỗi các chương trình nhân Ngày Thế giới vì Người nghèo (14.11), vị chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ đã “hành hương về Assisi, như một người nghèo giữa những người nghèo” vào ngày 12.11.

Khoảng 500 người có hoàn cảnh khó khăn đến từ khắp châu Âu đã tập trung về Vương Cung Thánh Ðường Ðức Mẹ Các Thiên Thần ở thành phố Assisi, miền trung Ý để được gặp gỡ Ðức Phanxicô và kể với ngài về hành trình cuộc đời đầy gian nan mà họ đã phải trải qua.

Cuộc gặp đặc biệt bên ngoài nhà thờ - ảnh: Zenit


Tấm áo và cây gậy

Trước khi bước vào ngôi thánh đường có nhiều liên hệ với thánh Phanxicô, Ðức Thánh Cha đã dừng lại trò chuyện, nhận cây gậy dẫn đường từ anh Abrhaley và “tấm áo của khách hành hương” từ chị Jennifer. Anh Abrhaley là di dân 31 tuổi đến từ Eritrea. Anh bị khiếm thị lúc 5 tuổi, do bị trúng mìn, một trong những hậu quả dai dẳng của các cuộc xung đột ở quê nhà. Anh đã phải ly hương để tránh những vụ tấn công nhằm vào các Kitô hữu, một mình băng qua Sudan để đến Ethiopia và trải qua “giai đoạn mất hết niềm hy vọng” trong một trại tị nạn tại đây. Rất may là nhờ hành lang nhân đạo do nhiều tổ chức tôn giáo - bao gồm Caritas - phối hợp thực hiện, anh Abrhaley đã đến được Ý. Tại đất nước hình chiếc ủng, anh được Caritas giáo phận Assisi hỗ trợ, cung cấp nơi ở, tạo điều kiện để học tiếng Ý và tìm việc làm: “Tôi mong muốn được tiếp tục đam mê của mình ở lãnh vực công nghệ thông tin, làm một lập trình viên. Tôi có nhiều kế hoạch cho thời gian tới”, theo hãng tin Zenit.

Anh Abrhaley “rất xúc động” vì được Ðức Thánh Cha lắng nghe và có thể tặng ngài cây gậy của một người hành hương: “Tôi đã mong chờ được nói lời cảm ơn vì ngài đã làm nhiều điều cho những người đang đau khổ. Ở ngài, tôi cảm nhận được sự chân thành, tình yêu thương và đức tin sâu sắc. Ngài đã thực hành lời Chúa dạy: Yêu thương anh em như chính mình”.

Người tặng Ðức Phanxicô tấm áo là chị Jennifer, di dân 23 tuổi đến từ Nigeria. Chị kể với ngài: “Con là nạn nhân của một mạng lưới tội phạm buôn người và bị buộc vào con đường mại dâm. Từ quê nhà, con đã trải qua 8 tháng ở Libya, trước khi vượt Ðịa Trung Hải bằng thuyền phao, rồi sống lây lất ở Ý trong hai năm…”. Cuộc đời của Jennifer trở nên tươi sáng hơn khi chị gặp các thành viên thuộc Tổ chức Magdalena. Tổ chức này do linh mục Jean-Philippe Chauveau sáng lập năm 1998 ở Boulogne-Billancourt, ngoại ô thủ đô Paris (Pháp), chuyên hỗ trợ những phụ nữ từng phải làm “nghề” như Jennifer.

Hiện nay, cô gái trẻ người Nigeria đang sống tại thành phố Grenoble, đông nam Pháp, được học tiếng, học nghề tạp vụ và mong sẽ sớm bắt đầu làm việc. Chị bày tỏ cùng Ðức Thánh Cha: “Cuộc đời con đã có những lúc khủng hoảng, nhưng bây giờ đã thật sự thay đổi. Con tạ ơn Chúa. Con đã nói với ông Rodolphe Baron - Chủ tịch Tổ chức Magdalena - rằng con không muốn quay lại con đường cũ, và con đã cầu xin Chúa thương xót để được đổi đời”. Jennifer “thấy hạnh phúc” vì được cùng vị chủ tịch đến Assisi để tham dự buổi gặp gỡ vào ngày 12.11, và hơn thế, còn được Ðức Thánh Cha đặt tay chúc lành. Ông Baron nhận định về cuộc gặp bên ngoài nhà thờ: “Khi ở giữa những người nghèo, Ðức Phanxicô thật thoải mái, gần gũi. Ngài mang lại cho họ nhiều niềm vui và hy vọng”. Về phần Jennifer, ông Baron cho biết có thể từ đầu năm sau, chị sẽ chính thức được nhận việc, thêm một bước nữa về phía ánh sáng của hy vọng.


“Ðể người nghèo lại được lên tiếng”

Tay cầm gậy do anh Abrhaley tặng, đấng kế vị thánh Phêrô tiến vào Vương Cung Thánh Ðường Ðức Mẹ Các Thiên Thần. Ngài lắng nghe chứng từ của những thân phận khốn khó và của các tình nguyện viên đến từ nhiều tổ chức bác ái. Trong phần chia sẻ, ngài giảng giải về thành Assisi: “Một đô thị không như những nơi khác: Assisi khắc ghi diện mạo của thánh Phanxicô. Hãy nhớ lại rằng trên những con đường tại đây, thánh nhân đã trải qua một tuổi trẻ đầy nỗi bất an, và ngài đã được ơn gọi để sống theo Tin Mừng. Ở một vài góc nhìn, sự thánh thiện của ngài khiến chúng ta e ngại vì có vẻ không thể nào noi theo được. Tuy nhiên, khi nhớ về ơn gọi của ngài, chúng ta có thể được thu hút bởi sự thanh bần từ tâm hồn đến cuộc sống của thánh nhân”.

Ðức Thánh Cha nhắc về Porziuncola (nghĩa là “một mảnh (đất) nhỏ”) - ngôi nhà nguyện nhỏ mà thánh Phanxicô đã tu sửa lại vào năm 1209, hiện được bao bọc hoàn toàn bởi Vương Cung Thánh Ðường Ðức Mẹ Các Thiên Thần: “Thánh Phanxicô đã luôn muốn ở trong nhà nguyện đơn sơ này để cầu nguyện. Ngài thinh lặng và lắng nghe ý Chúa. Cũng vậy, chúng ta đến đây hôm nay để xin Chúa lắng nghe tiếng kêu cầu và ban ơn giúp đỡ”. Ðiều đầu tiên làm những anh chị em khốn khó bị lãng quên chính là về mặt tinh thần, khi không còn ai lắng nghe họ: “Có nhiều người dành thời gian để mang thực phẩm, nước uống nóng sốt đến cho người vô gia cư giữa tiết trời lạnh giá. Ðiều này rất tốt và tôi tạ ơn Chúa vì sự quảng đại của họ. Nhưng điều sẽ làm tôi còn vui mừng hơn là khi nghe được rằng có những tình nguyện viên chịu ngồi xuống trò chuyện, lắng nghe, và đôi khi cầu nguyện với họ… Ðúng vậy, việc có mặt hôm nay, ở trước Porziuncola nhắc nhở rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Người ở cùng, trong từng khoảnh khắc cuộc đời của mỗi người. Chúa đồng hành qua việc lắng nghe, qua lời cầu nguyện, qua những chứng từ của các bạn: Ðúng là Người, cùng với chúng ta”.

Ảnh: Vatican Media

Cũng tại Porziuncola, thánh Phanxicô đã đón nhận thánh Claire cùng những huynh đệ đầu tiên và nhiều người nghèo. Ngài chào đón tất cả như những anh chị em và chia sẻ mọi thứ với họ: “Ðó chính là sự thể hiện tuyệt vời nhất tinh thần của Phúc Âm mà mọi tín hữu luôn được mời gọi: đón nhận. Ðón nhận, là mở cửa, mở cửa nhà, mở cửa tâm hồn, và cho phép những ai gõ cửa được bước vào. Và hãy làm cho họ cảm thấy thoải mái, tự do, chứ đừng bị cảm giác choáng ngợp. Nơi nào có tình huynh đệ thực chất, nơi đó có sự đón nhận chân thành. Ngược lại, nếu chúng ta e ngại tha nhân, hoài nghi về cuộc đời của họ, sẽ làm nảy sinh sự loại trừ, hoặc tệ hơn là thái độ lãnh đạm, khi cố tình ngó lơ. Sự đón nhận sẽ làm nảy sinh tình cảm của cộng đoàn, còn sự loại trừ sẽ làm chúng ta chôn chặt bản thân trong lòng ích kỷ”.

Ðức Thánh Cha nhấn mạnh, đã đến lúc “để người nghèo lại được lên tiếng” vì tiếng nói của họ quá lâu rồi không được ai lắng nghe: “Ðã đến lúc mở mắt để nhận ra tình trạng bất bình đẳng mà nhiều gia đình đang phải trải qua. Ðã đến lúc xắn tay áo, trả lại phẩm giá mà họ lẽ ra phải được hưởng, bằng cách tạo thêm nhiều việc làm. Ðã đến lúc phẫn nộ trước thực tế vẫn còn nhiều trẻ em bị đói khát, bị bóc lột, và là những nạn nhân vô tội của bạo lực. Ðã đến lúc chấm dứt tình trạng nhiều phụ nữ bị đối xử như một món hàng hóa. Ðã đến lúc phải phá vỡ cái vòng thờ ơ, lãnh đạm để khám phá lại vẻ đẹp của gặp gỡ và đối thoại. Ðã đến lúc gặp gỡ. Nếu nhân loại không học cách gặp gỡ, chúng ta sẽ tiến đến một cái kết buồn”. Ðức Phanxicô cảm ơn “những người nghèo đã mở lòng ra để tặng sự giàu có của họ và chữa lành trái tim tổn thương của chúng ta”. “Các bạn luôn ở trong lòng tôi, đừng quên cầu nguyện cho tôi vì tôi cũng có những nỗi nghèo khó của mình, rất nhiều”, ngài kết lại cuộc gặp tại Assisi.

LAN CHI

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Phòng sàng lọc ung thư ở Vatican
Phòng sàng lọc ung thư ở Vatican
Bộ Bác ái Vatican kết hợp với Hiệp hội Komen Ý đã điều hành một phòng khám nhằm sàng lọc miễn phí ung thư vú cho phụ nữ vô gia cư.
Ðáp lại tiếng kêu của người nghèo
Ðáp lại tiếng kêu của người nghèo
Các vị giám mục ở Québec, Canada mời gọi các cộng đoàn Kitô đáp lại “tiếng kêu của những người đang đói”, để bảo đảm mọi người có đủ thức ăn.
Rome chào đón 50 triệu người trong Năm Thánh 2025
Rome chào đón 50 triệu người trong Năm Thánh 2025
Ông Mariano Angelucci, phụ trách về du lịch của Rome khẳng định, các dự án lớn cho Năm Thánh 2025 sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Thủ đô của Ý sẽ sẵn sàng đón khoảng 50 triệu người, gồm các tín hữu hành hương và khách du lịch.
Phòng sàng lọc ung thư ở Vatican
Phòng sàng lọc ung thư ở Vatican
Bộ Bác ái Vatican kết hợp với Hiệp hội Komen Ý đã điều hành một phòng khám nhằm sàng lọc miễn phí ung thư vú cho phụ nữ vô gia cư.
Ðáp lại tiếng kêu của người nghèo
Ðáp lại tiếng kêu của người nghèo
Các vị giám mục ở Québec, Canada mời gọi các cộng đoàn Kitô đáp lại “tiếng kêu của những người đang đói”, để bảo đảm mọi người có đủ thức ăn.
Rome chào đón 50 triệu người trong Năm Thánh 2025
Rome chào đón 50 triệu người trong Năm Thánh 2025
Ông Mariano Angelucci, phụ trách về du lịch của Rome khẳng định, các dự án lớn cho Năm Thánh 2025 sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Thủ đô của Ý sẽ sẵn sàng đón khoảng 50 triệu người, gồm các tín hữu hành hương và khách du lịch.
Tôn giáo là một công cụ của hòa bình
Tôn giáo là một công cụ của hòa bình
Cuộc hội thảo “Kitô giáo trong đối thoại với Hồi giáo và các tôn giáo truyền thống châu Phi: những thách thức và cơ hội” được tổ chức tại Nairobi, Kenya từ ngày 9 đến 10.4.2024
Thủ bản Kinh Thánh bán đấu giá 3,8 triệu đô la Mỹ
Thủ bản Kinh Thánh bán đấu giá 3,8 triệu đô la Mỹ
Một trong những thủ bản Kinh Thánh cổ nhất thế giới sẽ được bán đấu giá, khởi điểm 3,8 triệu USD, vào ngày 11.6.2024 tại Luân Đôn.
Ðức Hồng y đầu tiên của Lào tròn 80 tuổi
Ðức Hồng y đầu tiên của Lào tròn 80 tuổi
Ðức Hồng y đầu tiên của Giáo hội Công giáo tại Lào, Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, đã tròn 80 tuổi ngày 8.4.2024.
Lạc quyên Mùa Chay ở Trung Quốc
Lạc quyên Mùa Chay ở Trung Quốc
Các tín hữu Trung Quốc đã quảng đại đóng góp cho cuộc lạc quyên năm 2024 do Jinde Charities (tổ chức từ thiện Công giáo tại Trung Quốc) khởi xướng vào Mùa Chay 2024
Ơn toàn xá cho tín hữu tham dự Ðại hội Thánh Thể ở Mỹ
Ơn toàn xá cho tín hữu tham dự Ðại hội Thánh Thể ở Mỹ
Tòa Ân giải Tối cao sẽ ban ơn toàn xá, theo các điều kiện thông thường, cho các tín hữu tham dự Cuộc hành hương Thánh Thể Quốc gia và Đại hội Thánh Thể Quốc gia diễn ra ở Indianapolis
Nỗi ám ảnh mang tên hóa chất vĩnh cửu
Nỗi ám ảnh mang tên hóa chất vĩnh cửu
Nếu một thế kỷ trước, các hóa chất vĩnh cửu như PFAS hoàn toàn không tồn tại trong thiên nhiên, thì ngày nay chúng xâm nhập môi trường, từ những túi nước ngầm đến băng tuyết Nam Cực.