Thứ Hai, 14 Tháng Mười Một, 2016 12:24

Ðức Giáo Hoàng Phanxicô : “Hãy đặt con người lên trên lợi nhuận”

Đức Thánh Cha một lần nữa đã kêu gọi sự chú ý đến những người ở thế giới thứ ba, chỉ trích những kẻ gây ra chia rẽ và lợi dụng nỗi sợ hãi của con người vì tư lợi.

Đức Phanxicô hồi cuối tuần qua đã tiếp kiến Các phong trào hội ngộ bình dân thế giới thứ ba tại Vatican. Đây là phong trào kết hợp nhiều tổ chức đại diện cho những người bị gạt ra bên lề của xã hội, bao gồm người nghèo, thất nghiệp và những nông dân bị tước đoạt đất đai. Trong cuộc trao đổi trước 5.000 người tham dự, ĐTC đã đề cập nhiều vấn đề từng xuất hiện trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ hai của phong trào này ở Bolivia vào ngày 9.7.2015. Ngài đã cảnh báo về sự thống trị của đồng tiền, dựa trên “sự sợ hãi, bất bình đẳng và xung đột, trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa lẫn quân sự, từ đó đang tạo ra ngày càng nhiều tình trạng bạo lực theo dòng xoáy đi xuống tưởng chừng như chẳng bao giờ kết thúc”.

“ĐÒN ROI ĐE DỌA”

Theo báo La Croix, ĐTC khẳng định qua diễn từ của ngài, dài 7 trang, bằng tiếng Tây Ban Nha : “Sợi dây vô hình (...), hay cơ cấu bất công của nền kinh tế lấy đồng tiền làm trọng tâm có thể bện lại thành ngọn roi, cây roi hiện sinh, (...) nô lệ hóa và đánh cắp sự tự do; tiền bạc đã được thần thánh hóa”.

Loại tiền “thống trị (...) bằng cây roi đem lại sợ hãi, bất công trong lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và quân sự đã sản sinh vòng xoáy bạo lực không bao giờ có điểm dừng”, Đức Phanxicô nhấn mạnh.

Ngài cũng nhắc lại những vấn đề ngài đã phát biểu trong chuyến bay trở về từ thành phố Cracow (Ba Lan), ngày 31.7 vừa qua, nhân gợi đến “hiện tượng khủng bố cơ bản xuất phát từ việc kiểm soát tiền tệ toàn cầu và đe dọa toàn thể nhân loại”.

“KHÔNG DÂN TỘC VÀ TÔN GIÁO NÀO MANG TÍNH KHỦNG BỐ”

Từ khủng bố “cơ bản”, phát sinh nhiều hình thức khủng bố khác như các tổ chức tội phạm ma túy; và điều một số người gọi sai lầm là dân tộc hay tôn giáo khủng bố. Không có bất kỳ dân tộc hay tôn giáo nào là khủng bố cả”.

Ngài giải thích thêm: “Khủng bố khởi đầu khi tạo phẩm kỳ diệu của Thiên Chúa là con người bị gạt ra bên lề để dành chỗ cho đồng tiền”.

Trích dẫn ý của Đức Giáo hoàng Piô XI, Đức Phanxicô cũng đã tố giác “chủ nghĩa đế quốc hóa bằng tài chính đã thiết lập nền độc tài kinh tế toàn cầu”.

“MỌI BỨC TƯỜNG ĐỀU SỤP ĐỔ” 

Đức Phanxicô tiếp lời : “Không một nền chuyên chế nào có thể được duy trì mà không khai thác nỗi sợ hãi của chúng ta. Những bức tường mọc lên, khiến người dân bên đây tường sợ hãi, thậm chí những người bên kia tường còn sợ hãi hơn, và người dân bị lâm vào cảnh chẳng khác nào bị trục xuất và chối bỏ”. Theo Đức Thánh Cha, có những kẻ đã tìm cách nhồi nhét nỗi sợ cho con người để từ đó thao túng họ : “Bởi vì sự sợ hãi, trong khi tiếp tay cho những kẻ buôn bán súng ống và cái chết, làm con người trở nên yếu đi và bất ổn, hủy hoại năng lực phòng thủ về khía cạnh tâm lý lẫn tinh thần của họ, biến mọi người trở nên vô cảm trước nỗi đau của những người khác, và cuối cùng khiến chúng ta trở thành những kẻ tàn nhẫn”.

Đức Phanxicô cảnh báo: “Mọi tường ngăn đều sụp đổ. Các bạn đừng lầm”. Ngài đặt “kế hoạch bức tường của đồng tiền” đối diện với “kế hoạch nhịp cầu nối kết” được các phong trào bình dân ủng hộ, với ba yếu tố, “đất đai, công việc và mái ấm” là những nền tảng cho việc phát triển con người toàn diện.

“NHỮNG BỨC TƯỜNG VẤY MÁU”

Sau đó, Đức Phanxicô nêu ra trường hợp điển hình của các di dân, tị nạn : “Bao nhiêu gia đình bị đuổi khỏi quê hương vì những lý do kinh tế hay bạo lực đủ loại và các đám đông bị biệt xứ - tôi đã nói điều này trước các quan chức toàn thế giới - vì một hệ thống kinh tế xã hội nào đó và do các cuộc chiến bất công mà dân thường chỉ là người ngoài cuộc. Họ đau khổ vì bị bứng khỏi đất mẹ và sau đó, bị từ chối tiếp nhận”.

Dùng lại từ ngữ của Đức Tổng Giám mục Hieronymos, giáo phận Athens (Hy Lạp) trong chuyến thăm đến đảo Lesbos ngày 16.4.2016, ĐTC đã gợi lại “sự phá sản của lòng nhân đạo”: “Điều đang diễn ra trên thế giới hiện nay là nếu có ngân hàng lâm vào cảnh phá sản, lập tức sẽ có một khối lượng tiền lớn đổ vào để vực dậy thể chế đó. Thế nhưng, khi lòng nhân đạo đã bị phá sản, liệu sẽ có ai chịu chi 1/1.000 con số này nhằm cứu lấy những anh chị em của chúng ta đang chịu cảnh đau đớn? Do vậy, Địa Trung Hải đã trở thành một nghĩa trang, và không chỉ ở Địa Trung Hải mà nhiều nghĩa trang đang xuất hiện gần các bức tường chia cắt, những bức tường bị nhuốm máu của người vô tội”.

“THÙNG RÁC ĐƯỢC NGỤY TRANG”

Trở lại vấn đề nhân đức “cẩn trọng” trong Kitô giáo đã được ĐTC nhắc lại khi từ Thụy Điển trở về hôm 25.10 vừa qua, ngài đã mời gọi các quốc gia “đề xuất những biện pháp thích hợp nhằm tiếp nhận và hội nhập trọn vẹn tất cả những ai, vì lý do này khác, phải tị nạn”.

Sau cùng, ngài kêu gọi các phong trào bình dân nên đặt lại vấn đề về các chính sách kinh tế và thay đổi hệ thống : “Ý tưởng về các chính sách xã hội được xem như là các chính sách hướng đến người nghèo, nhưng không bao giờ đồng hành với mọi người nghèo (…); đối với tôi, ý tưởng này giống như một loại thùng rác được thay hình đổi dạng để che giấu các cặn bã của hệ thống”.

THAM NHŨNG VÀ KHẮC KHỔ

ĐTC cũng cảnh báo về tệ nạn tham nhũng. Theo ngài, nó không phải là “một tệ nạn chuyên biệt của chính trị. Có tham nhũng trong chính trị, trong các doanh nghiệp và ngành truyền thông đại chúng, trong các Giáo hội, ngay tại các tổ chức xã hội và các phong trào quần chúng”.

Đối lại với cơn cám dỗ tham nhũng, không có chất giải độc nào hiệu quả hơn sự khắc khổ”, Đức Phanxicô giải thích và mời gọi mọi người “thực thi sự khắc khổ, và nhất là rao giảng Tin Mừng bằng cách làm gương”. Ngài nhấn mạnh: “Đừng xem nhẹ giá trị của việc làm gương, vì nó hiệu nghiệm hơn cả 1.000 lời nói, 1.000 tiểu luận, vô vàn lần bấm “like” (thích) trên Facebook và hơn rất nhiều đoạn phim trên Youtube”.

Ngài kêu gọi thành viên của các phong trào bình dân hãy sống vì mục tiêu phục vụ cho những người xung quanh theo tinh thần chân phương và khiêm tốn, rồi kết luận bằng lời cầu nguyện rằng Thiên Chúa sẽ mang đến tình thương tràn ngập cho họ, bảo vệ họ trên con đường đấu tranh vì sự nhân văn và mang lại dũng khí giúp họ phá tan gông xiềng của sự thù hận; và niềm hy vọng chính là sức mạnh của những người đang xả thân vì nhân loại.

GIANG VÔ YÊN - VIẾT HIỆP

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm