Ngày 28.4.2023, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ lên đường viếng thăm Hungary trong ba ngày. Chuyến tông du thứ 41 của ngài hoàn toàn diễn ra tại thủ đô Budapest. Đức Thánh Cha sẽ có khoảng 10 hoạt động: gặp gỡ với nhà cầm quyền chính trị và dân sự, với Tổng thống Katalin Novak và Thủ tướng Orban, với các giám mục, những người di tản và tị nạn, trong đó có nhiều người đến từ Ukraine, các bạn trẻ, bệnh nhân, những nhân vật thuộc giới khoa học và văn hóa... Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng sẽ gặp gỡ cộng đoàn Công giáo nghi lễ Đông phương tại thánh đường ở Quảng trường Rosa. Cao điểm trong chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô là thánh lễ ngài cử hành tại quảng trường Kossuth Lajos. Linh mục Kornél Fábry, Giám đốc Học viện Mục vụ tại Hungary cho rằng, cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ gợi mở cho giới trẻ niềm hy vọng: “Giới trẻ Hungary đang trong tình trạng khó khăn. Họ cảm thấy lạc hướng. Họ hy vọng Đức Thánh Cha chỉ cho họ con đường rõ ràng”.
Hội nghị kỷ niệm 10 năm tông huấn “Giáo hội tại Trung Ðông”
Hội nghị chuyên đề “Bắt nguồn từ hy vọng” về các Giáo hội ở Trung Đông nhân kỷ niệm 10 năm Tông huấn “Giáo hội tại Trung Đông” đã diễn ra tại Nicosia, Cộng hòa Síp từ ngày 20 đến 23.4.2023, với sự tham dự của các thượng phụ Công giáo Đông phương, các giám mục, linh mục và nữ tu cũng như các nhân viên mục vụ. Tông huấn “Giáo hội tại Trung Đông” được ký ngày 14.9.2012, bởi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong chuyến tông du đến Liban. Đức Tổng Giám mục Claudio Gugerotti, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương đã khai mạc hội nghị, kêu gọi các tổ chức đừng phục vụ như thầy dạy, nhưng như những người phục vụ dân chúng đau khổ. Ngoài các bài thuyết trình và chia sẻ, còn có phần cầu nguyện và suy niệm về ảnh hưởng của tông huấn và cách thức áp dụng văn kiện này trong tương lai. Trong báo cáo đầu tiên, Đức Giám mục Paolo Martinelli, Giám quản Tông tòa Nam Ả Rập, đã nhắc lại tầm quan trọng của việc đào tạo Kitô hữu. Vị giám quản đã đưa ra cái nhìn tổng quan về các sáng kiến được các Đức Giáo Hoàng gợi mở, bắt đầu từ “những hạt giống được gieo ở Assisi”, với cuộc gặp gỡ do Đức Gioan Phaolô II tổ chức vào năm 2002 và kết thúc bằng việc ký kết văn kiện về tình huynh đệ và nhiều chuyến đi đến các quốc gia khác nhau ở Trung Đông.
Ơn gọi truyền giáo phát triển ở châu Phi
“Truyền giáo bắt đầu từ châu Phi” là chủ đề chính của các cuộc trao đổi tại Hội nghị châu lục của các Hiệp hội Thừa sai Đời sống Tông đồ (MISAL). Trong cuộc hội thảo từ ngày 18 đến 21.4.2023 tại Trung tâm Paul Pellet ở Abidjan, Bờ Biển Ngà, các bề trên và tổng đại diện của 8 hội dòng truyền giáo châu Âu và châu Phi đã trao đổi quan điểm về những cơ hội và thách thức của việc nở rộ các ơn gọi truyền giáo từ châu Phi. Có khoảng 1.300 nhà truyền giáo gốc Phi và hơn 1.000 chủng sinh thuộc sáu trong số các hội truyền giáo này. Họ đến từ khoảng 25 quốc gia, bao gồm Nigeria, Congo, Bờ biển Ngà, Kenya, Cameroon, Burkina Faso và nhiều quốc gia khác.
kêu gọi tín hữu góp phần giảm tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng
Khoảng 30 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tại Indonesia bị suy dinh dưỡng với tỷ lệ cao nhất ở tỉnh Đông Nusa Tenggara, nơi có đa số người Kitô hữu. Đức Tổng Giám mục Petrus Turang, giáo phận Kupang, giảng trong thánh lễ Phục Sinh tại nhà thờ Thánh Phanxicô Assisi ở Kupang, đã kêu gọi người Công giáo giúp giảm tỷ lệ trẻ em bị còi cọc: “Vai trò của tất cả chúng ta trong việc khắc phục tình trạng này cũng là một bước thực sự để thực hiện công bằng sinh thái trong cuộc sống”. Đức Tổng Giám mục nói rằng, đã đến lúc người Công giáo phải thực hiện các bước cụ thể để giải quyết vấn đề thiếu ăn ở trẻ em. Ngài kêu gọi các tín hữu cung cấp lượng dinh dưỡng hợp lý cho con cái của những gia đình nghèo trong tinh thần đoàn kết, cũng như hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ tại địa phương.
Tòa Thánh chúc mừng các tín hữu Phật giáo, nhân lễ Phật Ðản
Bộ Ðối thoại Liên tôn của Tòa Thánh chúc mừng các tín hữu Phật giáo, nhân lễ Phật Đản (2.6.2023) và mời gọi cùng nhau góp phần xoa dịu những đau khổ của nhân loại. Trong sứ điệp, Ðức Hồng y Ayuso Guixot, người Tây Ban Nha, Tổng trưởng Bộ Ðối thoại Liên tôn và Ðức ông Tổng thư ký Indunil Kodithuwakku người Sri Lanka nhắc đến những vấn đề mà nhân loại đang phải đương đầu như nạn nghèo đói, kỳ thị và bạo lực, thái độ dửng dưng đối với những người nghèo, sự nô lệ do những kiểu mẫu phát triển không tôn trọng con người và thiên nhiên, oán ghét vì nạn tôn giáo cuồng tín và quốc gia chủ nghĩa… Bộ Ðối thoại Liên tôn đề cao sự đóng góp của các Phật tử trong việc hỗ trợ nhân loại, đứng trước những thách đố và đau khổ bằng cách thực thi tâm bi (karuna), theo giáo huấn của Ðức Phật.
Giáo hội tại Trung Quốc loan báo Tin Mừng qua nghệ thuật
Một sự kiện âm nhạc mang tên “Đêm của Baroque” đã diễn ra tại nhà thờ giáo xứ Tây Đường (tỉnh Chiết Giang) ngày 22.4.2023 để tưởng nhớ linh mục nhạc sĩ Teodorico Pedrini người Ý, nhà truyền giáo thuộc tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn, người đã góp phần xây dựng nhà thờ Tây Đường được dâng kính cho Đức Mẹ Ban Ơn. Đêm nhạc này đánh dấu sự trở lại của các buổi biểu diễn nghệ thuật mà Giáo hội tại Trung Quốc gọi là một phương cách loan báo Tin Mừng. Trong buổi hội thảo được tổ chức vào ngày 15.4, nhiều đại biểu giáo xứ cùng với các linh mục và nữ tu đã chia sẻ những đề xuất và kinh nghiệm để thực hiện sáng kiến loan báo Tin Mừng qua nghệ thuật, chẳng hạn như những buổi hòa nhạc được tổ chức tại nhà thờ Chánh tòa Bắc Kinh, những buổi trình diễn tại giáo xứ Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến), hoặc các chuyến lưu diễn của ca đoàn... Tại Thượng Hải, trong hơn 10 năm, ca đoàn Quang Khải (được đặt theo tên của ông Phaolô Từ Quang Khải, một vị quan Trung Quốc bạn của vị truyền giáo đầu tiên ở nước này Matteo Ricci) đã thực hiện chuyến lưu diễn âm nhạc dành riêng cho nhà truyền giáo dòng Tên. Dàn hợp xướng Thượng Hải đã không gián đoạn các hoạt động của mình ngay cả trong thời kỳ đại dịch, tiếp tục biểu diễn trực tuyến trong kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh.
Bình luận