Sở Y tế và Vệ sinh thuộc Phủ Thống đốc Vatican ngày 2.1 thông báo thành quốc này sẽ tiêm vắc xin ngừa SARS-CoV-2 vào nửa sau tháng 1.
![]() |
Ảnh: AP |
Theo thông cáo, “các nhân viên y tế, an ninh, người cao tuổi và người phải tiếp xúc nhiều với công chúng” sẽ được ưu tiên chích trước. Tòa Thánh đã cho mua một tủ đông chuyên dụng có nhiệt độ cực thấp để trữ dần các liều vắc xin, chuẩn bị cho đợt tiêm chủng sắp tới. Ðịa điểm sẽ là Sảnh Phaolô VI, vốn trước khi dịch bùng phát thường là nơi diễn ra các buổi tiếp kiến chung của Ðức Thánh Cha, và các bác sĩ, điều dưỡng của Sở Y tế và Vệ sinh thuộc Phủ Thống đốc Vatican sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ quy trình chủng ngừa. Giáo sư Andrea Arcangeli, Giám đốc Sở này cho biết: “Chúng tôi đánh giá rằng việc tiêm chủng đại trà cho dân chúng ngay khi có thể là điều rất cần thiết, kể cả đối với một quốc gia nhỏ bé như Vatican. Chỉ có miễn dịch cộng động mới giúp có bước tiến thật sự đáng kể về mặt y tế công cộng để giúp đẩy lùi thật sự dịch bệnh”. Và tiêm ngừa vắc xin đại trà chính là một trong những phương thức để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Trên quan điểm này, kế hoạch tiêm chủng ở Vatican sẽ hướng đến toàn bộ công dân của thành quốc, các nhân viên làm việc cho Tòa Thánh và gia đình của họ, trừ trẻ dưới 18 tuổi. Loại vắc xin được chọn do hai hãng Pfizer - BioNtech phối hợp sản xuất. Tuy nhiên, Sở Y tế và Vệ sinh Vatican không loại trừ sẽ mua thêm vắc xin của những hãng khác nếu “sau khi kiểm nghiệm đã chứng tỏ được tính hiệu quả và an toàn”.
![]() |
Sảnh Phaolô VI, nơi sẽ diễn ra đợt tiêm ngừa Covid-19 của Vatican - ảnh: Vatican Media |
Liên quan đến lo ngại về việc những loại vắc xin bắt đầu được lưu hành có thời gian nghiên cứu, thử nghiệm quá ngắn so với thông thường, giáo sư Arcangeli giải thích: “Những thắc mắc liên quan đến việc cho ra đời vắc xin một cách ‘siêu tốc’ là hợp lý, tuy nhiên, loại mà chúng tôi chọn đã phải trải qua những thử nghiệm vô cùng khắt khe về tính an toàn và đã được các cơ quan kiểm soát y tế trên thế giới chứng nhận”. Theo vị Giám đốc Sở, “tất cả vắc xin đều có thể gây phản ứng phụ”, nhưng với những loại được lưu hành thì phản ứng phụ thường chỉ là đau hoặc sưng nhẹ ở điểm vừa bị chích, trong một số trường hợp là sốt hoặc nhức đầu. Những triệu chứng này cũng có thể xuất hiện sau khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Lan Chi
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.