Thứ Sáu, 18 Tháng Mười Hai, 2020 10:55

Vatican sẽ tiêm chủng Covid-19 từ đầu năm 2021

 

Sau khi một số quốc gia phương Tây khởi động chương trình tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân, Vatican thông báo sẽ bắt đầu tiêm ngừa cho cư dân thành quốc và nhân viên Tòa Thánh từ đầu năm sau.

 

 

Vatican News dẫn lời Giáo sư Andrea Arcangeli, Giám đốc Cơ quan Y tế và Vệ sinh trực thuộc Phủ Thống đốc Vatican cho biết thành quốc này sẽ chọn vắc xin của Pfizer/BioNTech (Mỹ-Ðức) để tiêm đầu tiên, cũng là dòng vắc xin được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vừa thông qua.

Tiêm phòng toàn dân

Giám đốc Arcangeli không công khai số lượng cũng như tổng số loại vắc xin mà Vatican đã đặt hàng, nhưng ông cho rằng thành quốc có bổn phận phải cung cấp vắc xin cho mỗi cư dân, nhân viên và gia đình của họ. “Chỉ thông qua chiến dịch tiêm phòng vắc xin đầy đủ, chúng ta mới thấy được lợi thế thực sự về khía cạnh y tế công cộng, từ đó cư dân Tòa Thánh mới đủ sức khống chế dịch bệnh”, ông Arcangeli nhận định.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh cần đảm bảo vắc xin cho tất cả mọi người

 

Theo Vatican News, chương trình tiêm phòng vắc xin Covid-19 tại Vatican được cho sẽ khởi động “vào những tháng đầu tiên” của năm 2021, nhưng một quan chức Vatican đề cập trên Facebook rằng các nhân viên Tòa Thánh đã được thông báo kế hoạch tiêm chủng vào tháng 1.2021. Vatican có dân số vỏn vẹn khoảng 800 người, nhưng với các văn phòng của Tòa Thánh, tính đến năm 2019, 4.618 người đã đảm nhiệm các công việc khác nhau tại “quốc gia nhỏ bé nhất thế giới”. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thành quốc này đã ghi nhận tổng cộng 27 người dương tính với siêu vi Corona chủng mới, trong số đó có ít nhất 11 thành viên của đội lính gác Thụy Sĩ. Hồi tháng 10, một cư dân ở nhà trọ Casa Santa Marta, nơi Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đang lưu trú, bị phát hiện mắc Covid-19 và kịp thời cô lập.

Về việc chọn vắc xin Pfizer/BioNTech, ngoài hiệu quả của nó (hiệu quả bảo vệ lên đến 95%), dòng vắc xin này không phải thuộc nhóm sử dụng các tế bào có nguồn gốc từ việc phá thai trong quá trình sản xuất. Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống và các giám mục trên khắp thế giới, bao gồm vị chủ tịch Ủy ban Giáo lý Ðức tin của Hội đồng Giám mục Mỹ, khẳng định các Kitô hữu hãy yên tâm tiêm vắc xin như loại Pfizer/BioNTech. Những tế bào trên hoàn toàn bị loại khỏi quy trình sản xuất.

Tranh vẽ thánh Stêphanô và vắc xin trên đường phố Rome

 

Về vấn đề an toàn của vắc xin, Giáo sư Arcangeli trấn an rằng dòng vắc xin của Pfizer/BioNTech trải qua những giai đoạn thử nghiệm khắt khe. Tuy nhiên, tạm thời Vatican không đề xuất tiêm vắc xin Covid-19 cho những đối tượng dưới 18 tuổi, cũng là nhóm tuổi chưa được bao gồm trong các cuộc thử nghiệm vắc xin. Trong khi đó, FDA trong tuần cũng thông qua vắc xin Covid-19 thứ hai có thể sử dụng tại Mỹ: Moderna.

Vắc xin cho mọi người

Trong lúc nhiều nước giàu trên thế giới chạy đua tranh giành quyền sở hữu vắc xin Covid-19, Ðức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã nêu bật sự cần thiết trong việc gia tăng hợp tác quốc tế và triển khai các nỗ lực đa phương theo hướng hoàn toàn tôn trọng các quyền cơ bản của con người, và đảm bảo tất cả đều tiếp cận được vắc xin. Tòa Thánh một lần nữa kêu gọi cần phải cho phép mọi người - không phân biệt giàu nghèo - được quyền tiếp cận vắc xin và các phương pháp điều trị Covid-19. “Không nên bỏ lại bất kỳ ai trong cuộc chiến chống chọi dịch bệnh”, theo Ðức Tổng Giám mục Jurkovič.

 

Trước đó, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô cũng kêu gọi nên ưu tiên người nghèo được tiêm vắc xin. Phát biểu trước Ðại hội đồng LHQ từ Vatican hồi tháng 9, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh sự cấp bách trong nỗ lực quảng bá y tế công cộng và đảm bảo vắc xin cho tất cả mọi người. “Nếu có người cần được ưu tiên, họ chính là những tầng lớp nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất của xã hội, những người thường xuyên phải chịu đựng tình trạng bị phân biệt đối xử, chỉ bởi vì họ không có quyền hay nắm trong tay nguồn lực kinh tế”, Ðức Giáo Hoàng nhận định. Ðức Thánh Cha kêu gọi các quốc gia giàu có không nên tích trữ vắc xin, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo nguy cơ “chủ nghĩa dân tộc hóa vắc xin Covid-19”.

Trong khi WHO khuyến cáo các quốc gia trên toàn cầu tham gia thỏa ước chung mang tên COVAX nhằm chia sẻ vắc xin với những nước đang phát triển, thì vắc xin đợt đầu đã bị các nước giàu mua sạch, theo tờ The New York Times. Ðiều đáng nói, nhiều nước nghèo vào năm 2021 có lẽ sẽ chỉ tiêm được vắc xin cho khoảng 20% dân số, ngược lại, một số quốc gia giàu nhất của thế giới đã dự trữ đủ lượng vắc xin gấp nhiều lần hơn số lượng cần thiết. Chẳng hạn, EU có thể tiêm vắc xin cho người dân đến 2 đợt/người, Anh và Mỹ tiêm được 4 đợt, và Canada đến 6 đợt.

 

BẠCH LINH

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm