Ðức Giáo Hoàng Sylvester II (dòng Biển Ðức) là người uyên bác, thông thạo nhiều lĩnh vực, có nhiều thành tựu khoa học và góp phần thúc đẩy việc học tập kiến thức cho nhiều thế hệ.
Ðức Sylvester II tên khai sinh là Gerbert d’Aurillac, chào đời vào khoảng năm 945, gần TP Aurillac thuộc tỉnh Auvergne (Pháp), về với Chúa ngày 12.5.1003 tại Rome. Ngài được bầu chọn làm đấng kế vị thánh Phêrô năm 999. Ðức Sylvester II nổi tiếng vì những thành tựu khoa học, cũng như là học giả vô cùng uyên bác. Ngài là người Pháp đầu tiên trở thành chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ, và là người mang về Pháp hệ thống số đếm thập phân và số 0.
![]() |
Con đường học thuật
Cậu bé Gerbert xuất thân từ gia đình nông dân, theo học tại đan viện Saint Gérald của dòng Biển Ðức dưới sự dạy dỗ của cha Raymond Lavaur. Theo một số tài liệu, có thể cậu đã trở thành tu sĩ của dòng sau khi cha Lavaur trở thành Viện phụ ở Aurillac. Bá tước Borrell xứ Barcelona năm 967 đã đưa thầy Gerbert đến Tây Ban Nha. Trong quá trình 3 năm ở đây, vị tu sĩ trẻ sống ở đan viện Santa María de Ripoll, nơi nổi tiếng với thư viện vô cùng đẹp đẽ. Ngài dành nhiều thời gian nghiên cứu tứ khoa (bộ phận cao cấp hơn của các ngành nghệ thuật khai phóng, bao gồm âm nhạc, số học, hình học và thiên văn học), với sự hướng dẫn của Ðức Giám mục Atto xứ Vich, một người rất nổi tiếng về kiến văn quảng bác.
![]() |
Tượng của Đức Sylvester II ở Aurillac |
Năm 970, thầy Gerbert tháp tùng bá tước Borrell quay về Rome. Tại đây, khả năng toán học xuất chúng của tu sĩ trẻ đã gây được sự chú ý với Ðức Giáo Hoàng Gioan XIII. Ðức Thánh Cha sau đó giới thiệu ngài cho Hoàng đế Otto I của đế quốc La Mã. Thế là thầy Gerbert đã tiếp nhận học trò hoàng gia đầu tiên, Otto II, cũng là người kế vị tương lai của ngai vàng đế quốc. Tuy nhiên, vị tu sĩ dòng Biển Ðức cho rằng mình vẫn chưa được huấn luyện bài bản về logic học. Và thầy Gerbert đã xin bề trên đến Reims (Pháp) để theo học với một vị giỏi về lãnh vực này. Tại đây, ngài được Ðức Tổng Giám mục Adalbero truyền chức linh mục.
Vị tu sĩ mê mẩn với logic học và phép biện chứng đến nỗi sau khi được Ðức Tổng Giám mục Adalbero mời giảng dạy ở trường của giáo phận tại Reims, ngài đã bắt tay tổ chức lại hoạt động nghiên cứu và học tập liên quan đến hai ngành này. Theo thời gian, cha Gerbert loại bỏ các bài học logic đơn giản và thay bằng tài liệu chuyên khảo của Boethius, nhà triết học La Mã vào thế kỷ thứ 6. Trước danh tiếng ngày càng nổi của cha Gerbert, Hoàng đế Otto quyết định trao cho ngài đan viện Thánh Columban xứ Bobbio của Ý, và Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô VII bổ nhiệm ngài làm Viện phụ nơi này.
![]() |
Chữ số Ả Rập |
Di sản khoa học
Sau nhiều thăng trầm khiến phải rời khỏi tu viện Reims, cha Gerbert chuyển sang hỗ trợ Hoàng đế Otto III trẻ tuổi ở Aachen (giờ đây là Ðức) và không bao giờ quay về Pháp. Một lần nữa, vị linh mục trở thành quốc sư và là nhạc sĩ tại nhà nguyện dành riêng cho hoàng đế. Trong một dịp cùng nhà vua đến Magdeburg, ngài đã sáng chế một dạng đồng hồ thiên văn. Tháng 4.998, ngài được Ðức Giáo Hoàng bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Ravenna, thành phố quan trọng vào thời bấy giờ của nước Ý. Lúc này, Ðức cha Gerbert đã thúc đẩy chính sách mới về nông nghiệp, mà theo người đời sau nhận định là điều luật quan trọng nhất từng được thông qua dưới thời hoàng đế Otto III.
Trong vòng một năm sau khi Ðức cha Gerbert tiếp quản Ravenna, Ðức Giáo Hoàng Gregory V được Chúa gọi về và Ðức Tổng Giám mục Ravenna được mật nghị bầu chọn vào ngày 9.4.999, lấy tông hiệu là Sylvester II. Vị Giáo hoàng người Pháp đầu tiên trong lịch sử chỉ tại vị 4 năm và về với Chúa năm 1003. Sau khi ngài qua đời, các câu chuyện về sự uyên bác của Ðức Sylvester II mới bắt đầu được lan truyền khắp chốn.
![]() |
Cổng của tu viện Santa María de Ripoll |
Không nghi ngờ gì, Ðức Giáo Hoàng Sylvester II là một học giả vĩ đại, một người thầy giỏi và sáng chế không ít phương pháp, dụng cụ học tập hết sức thực tiễn, chẳng hạn như biểu đồ phương pháp học hùng biện; báo cáo phân tích về bàn tính, sau đó trở thành tài liệu căn bản cho phương thức tính toán này, cũng như việc sử dụng chữ số Ả Rập; các quả địa cầu; một quả bán cầu để học về các thiên thể trên bầu trời; và những quả cầu giúp xác định tên của các chòm sao và quỹ đạo của những hành tinh. Bằng cách nào đó, Ðức Sylvester II sở hữu một loại dụng cụ gọi là thước trắc tinh (dùng để đo độ nghiêng của các thiên thể) và sau một thời gian đã viết lại cách sử dụng nó. Ngoài ra, nhờ các ghi chép của ngài, người đời sau đã phát minh ra con lắc.
Bên cạnh đó, Ðức Giáo Hoàng Sylvester II còn có kiến thức tuyệt vời về âm nhạc và từng chế tạo vài cây đàn đại phong cầm, đàn độc dây nhằm nghiên cứu nhạc lý. Quyển sách về đề tài triết học do ngài soạn thảo có tựa đề “De rationali et de ratione uti”, nhấn mạnh những vấn đề liên quan đến định nghĩa và sự phân loại kiến thức. Tầm ảnh hưởng về mặt học thuật của vị giáo hoàng người Pháp vẫn lưu truyền rất lâu sau khi ngài qua đời.
HỒNG HOANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.