Sinh năm 1974, Ðức Hồng y tân cử người Ý Giorgio Marengo, Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar (Mông Cổ) là vị trẻ nhất trong hồng y đoàn.
Cách đây hai năm, khi được tấn phong giám mục hiệu tòa Castra Severiana, ngài cũng đã là vị giám mục trẻ tuổi nhất thế giới. Và ngày 29.5 vừa qua, tên của ngài đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô xướng trong số những vị sẽ được nhận mũ đỏ vào ngày 27.8 tới. Vị Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar là vị hồng y đầu tiên sinh trong thập niên 1970. Công nghị hồng y lần này là dịp để cộng đoàn Dân Chúa trên thế giới hướng sự chú ý về Giáo hội tại Mông Cổ, một đoàn chiên non trẻ và rất nhỏ bé ở vùng ngoại biên.
Thì thầm Tin Mừng
Sinh ra và lớn lên tại thành phố Cuneo, vùng Piedmont, bắc Ý, Đức Hồng y Marengo được truyền chức linh mục năm 2001, thuộc dòng Thừa sai Đức Mẹ An Ủi. Dòng này do chân phước Giuseppe Allamano sáng lập năm 1901, chuyên đồng hành với các miền đất mới đón nhận hạt giống Tin Mừng. Đức Hồng y Marengo có bằng tiến sĩ Truyền giáo học của Đại học Giáo hoàng Urbaniana tại Rome. Sau khi thụ phong linh mục, ngài được bề trên gởi đến phục vụ tại Avayheer, một thị trấn 20.000 dân ở miền trung Mông Cổ từ năm 2003. Tại đây, vị linh mục trẻ coi sóc giáo xứ Đức Maria Mẹ của Lòng Thương Xót.
Đức Hồng y tân cử nhớ về những ngày đầu đến với xứ sở của thảo nguyên và đại mạc: “Với người dân ở vùng hẻo lánh của Mông Cổ khi ấy, chúng tôi cứ như người sao Hỏa, đến từ… sao Thổ. Họ rất dè chừng. Phải cần rất nhiều thời gian để có thể kết nối với cộng đồng, xây dựng sự tin tưởng”. Mục đích của ngài là giúp cho đức tin “bén rễ một cách sâu sắc” trong dân Mông Cổ. Để từng bước làm được điều này, vị Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar chọn cách “thì thầm Tin Mừng”, như ý tưởng xuyên suốt trong luận án tiến sĩ của ngài: “Thì thầm Tin Mừng ở miền đất của bầu trời xanh vĩnh cửu”.
Lễ tấn phong giám mục năm 2020 diễn ra tại Turin vì khi ấy do dịch Covid-19, ngài về Ý và không thể quay lại Mông Cổ trong nhiều tháng - ảnh: Avvenire |
Ngài giải thích khi trả lời phỏng vấn của Vatican News: “Tôi không phải là người sáng tạo ra cụm từ ‘thì thầm Tin Mừng’, ‘bản quyền’ thuộc về Đức cha Thomas Menamparampil, nguyên Tổng Giám mục Guwahati (Ấn Độ). Đức cha là một nhà truyền giáo lỗi lạc, là người châu Á nên hiểu rất rõ về văn hóa, phong tục của khu vực, nên đã mô tả rằng việc gieo trồng hạt giống Lời Chúa ở miền đất này là ‘thì thầm Lời Chúa giữa lòng châu Á’. Và tôi áp dụng điều đó cho Mông Cổ. Truyền giáo không phải là bằng mọi giá lan truyền một thông điệp, mà trước hết phải là sự lắng nghe một cách sâu sắc Thiên Chúa, Đấng đã gởi chúng ta đến, lắng nghe những người dân bản xứ mà chúng ta được gặp gỡ, với chính lịch sử, văn hóa và cội nguồn của họ. Như vậy, để lắng nghe, chúng tôi cần giành thời gian để học ngôn ngữ, tìm hiểu về vùng đất và con người”. Lắng nghe được, hiểu được thì mới có thể tạo ra sự đối thoại thực chất để “thì thầm”. Thì thầm Tin Mừng chứ không áp đặt Tin Mừng.
Phủ doãn Tông tòa cùng với các giáo dân Mông Cổ vào tháng 3.2021 - ảnh: Vatican Media |
Thấy vui khi đến với Người
Sống giữa đoàn chiên, loan báo Lời Chúa bằng sự hiểu biết tinh tế về văn hóa, phong tục của người Mông Cổ, Đức Hồng y Marengo đã dần giúp cho nhiều người được biết Chúa. Như câu chuyện về một cụ bà 75 tuổi, có con gái là một tân tòng. Một ngày nọ, bà đến gặp vị Phủ doãn Tông tòa và xin học đạo để được Rửa tội, với lý do đơn giản: “Tôi thấy vui khi đến với Người”. Những tín hữu Công giáo Mông Cổ đi theo Đức Giêsu “bằng sự kiên tâm và can đảm” vì tuy không hề bị cấm đoán, nhưng với phần đông người dân nước này, các Kitô hữu vẫn dễ bị xem là khác lạ.
Từ trước năm 1000, Kitô giáo từ Syria đã được truyền đến Mông Cổ, nhưng sau đó, vì nhiều nguyên nhân về lịch sử, văn hóa nên đã biến mất hoàn toàn trong suốt nhiều thế kỷ. Mãi đến tận năm 1992, những thừa sai đầu tiên mới quay trở lại đất nước của thảo nguyên và đại mạc để truyền giáo. Năm 2022 là kỷ niệm 30 năm của những “dấu chân” đầu tiên này, và cũng là kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mông Cổ - Vatican. Chính vì vắng bóng quá lâu, hiện nay Kitô giáo mới được xem là tôn giáo rất mới ở nước này và với vị Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, làm chủ chăn tại đây có nhiều điểm tương đồng với các vị tông đồ vào thuở đầu của Kitô giáo.
Gặp gỡ một vị đại diện Phật giáo - ảnh Vatican Media |
Mông Cổ có diện tích gấp 5 lần Việt Nam, nhưng dân số chỉ hơn 3 triệu người, là nước có mật độ dân số thuộc hàng thấp nhất thế giới (2 người/km2). Đa số dân nước này theo Phật giáo, người Công giáo chỉ là thiểu số rất nhỏ với từ 1.300 - 1.400 tín hữu, thuộc 8 giáo xứ, được sự đồng hành của 2 linh mục người bản xứ, 22 linh mục thừa sai và 35 nữ tu thừa sai người nước ngoài. Ngày 28.5.2022, vị Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar đã cùng với phái đoàn các vị đại diện cho Giáo hội Phật giáo tại Mông Cổ yết kiến Đức Thánh Cha tại Vatican. Ngài đã có dịp kể trực tiếp cho Đức Phanxicô về cánh đồng truyền giáo ở quốc gia Trung Á, và câu chuyện của hai vị cũng chủ yếu xung quanh đề tài này, không có gì “khác lạ”. Nhưng chỉ một ngày sau, ngày 29.5, cuối buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha công bố tên của 21 vị tân hồng y sẽ được vinh thăng vào ngày 27.8, trong đó có Đức cha Marengo.
Đức Hồng y tân cử chia sẻ về “sự ngạc nhiên lớn lao” khi hay tin được nhận mũ đỏ: “Tôi được thông báo tin này ngay sau khi dâng lễ Chúa nhật tại nhà Mẹ của dòng nữ Thừa sai Đức Mẹ An Ủi. Thật là điều không ngờ. (…) Tôi xin cảm ơn đấng kế vị thánh Phêrô đã luôn dành sự quan tâm đến những Giáo hội nhỏ ở vùng ngoại biên. Niềm vui bất ngờ này càng làm tôi thấy mình bé mọn, cần biết rằng tôi trở thành thành viên của hồng y đoàn, cùng với các vị nhiều kinh nghiệm, thông thái và kiến thức uyên thâm hơn tôi rất nhiều. Cho nên tôi sẽ học hỏi được nhiều điều. Đối với tôi, sống ơn gọi mới mẻ này nghĩa là tiếp tục đi trên con đường của sự bé mọn, khiêm tốn và đối thoại”.
Lan Chi
Bình luận