Cha Andrew Pinsent (sinh năm 1966), linh mục thuộc giáo phận Arundel - Brighton (Anh), là Giám đốc Nghiên cứu của Trung tâm Ian Ramsey về Khoa học và Tôn giáo thuộc Khoa Thần học và Tôn giáo của Đại học Oxford.
Cha cũng là nhà nghiên cứu của trường Harris Manchester thuộc Đại học Oxford. Từ năm 2009, cha là chủ nhiệm đề tài cho các dự án nghiên cứu trị giá hơn 6 triệu bảng Anh, với sự tham gia của nhiều chuyên gia từ hơn 12 quốc gia.
CERN và cỗ máy gia tốc hạt
Cha Pinsent từng là nhà vật lý học về hạt của Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN). Trong đó, CERN đang vận hành cỗ máy gia tốc hạt (LHC) hiện nay lớn nhất và mạnh nhất thế giới bên trong đường hầm chu vi 27km, độ sâu từ 50 đến 175m dưới biên giới Pháp-Thụy Sĩ. Tại CERN, cha Pinsent tham gia dự án DELPHI. Đây là một trong 4 cỗ máy lớn cấu thành nên LEP, từng là cỗ máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới của CERN trước LHC. Cha Pinsent và đồng sự mất đến 7 năm để thiết kế và xây dựng DELPHI, trước khi nó bắt đầu hoạt động vào năm 1989. Đến tháng 12.2000, DELPHI ngừng tiếp nhận dữ liệu và được tháo dỡ để tạo không gian cho dự án xây dựng LHC trong đường hầm từng đặt LEP.
Cỗ máy DELPHI |
DELPHI bao gồm một ống hình trụ ở trung tâm, chứa đầy các máy dò cỡ nhỏ, hai đầu được bịt kín. Chiều dài và đường kính của đường ống là 10m, trọng lượng 3.500 tấn. Cỗ máy được lắp tổng cộng 20 thiết bị dò. Một nam châm siêu dẫn cỡ lớn được đặt giữa thiết bị nhiệt lượng kế điện từ (để theo dõi các electron) và nhiệt lượng kế hadron (phát hiện các hạt hadron). Nam châm tạo ra một từ trường làm lệch hướng các hạt điện tích, cho phép đo đạc lượng điện tích cũng như mômen của chúng trong quá trình di chuyển.
Cỗ máy DELPHI sử dụng kỹ thuật bức xạ Cherenkov để phân biệt giữa các hạt điện tích thứ cấp, và cũng được trang bị máy dò tìm bằng silicon tối tân, cho phép phát hiện những hạt xuất hiện trong thời gian ngắn ngủi trong quá trình cỗ máy vận hành. DELPHI có sự tham gia của khoảng 550 nhà vật lý học, trong đó có cha Pinsent, đến từ 56 đại học và viện nghiên cứu tại 22 quốc gia.
Một hội thảo khoa học do cha Pinsent làm diễn giả |
Giáo dục và sự nghiệp
Cha Pinsent tốt nghiệp chuyên ngành vật lý và là tiến sĩ vật lý năng lượng cao của trường Merton thuộc Đại học Oxford. Ngài cũng lấy 3 bằng cấp khác nhau ở ngành triết học và thần học của Đại học Giáo hoàng Gregorian ở Rome (Ý) và tiến sĩ triết học tại Đại học Saint Louis (bang Missouri, Mỹ).
Bên cạnh dự án ở CERN, cha là đồng tác giả 31 bài báo nghiên cứu khoa học. Một trong những đề tài nghiên cứu được cha đặc biệt quan tâm là ứng dụng những hiểu biết về bệnh tự kỷ và nhận thức xã hội để tìm hiểu cái gọi là “con người thứ hai” liên quan đến nhận thức về đạo đức và hình thành nhân cách con người. Từ đề tài nghiên cứu này, cha Pinsent đã xuất bản quyển sách The Second-Person Perspective in Aquinas’s Ethics: Virtues and Gifts (2012) (tạm dịch: Khía cạnh con người thứ hai trong phạm trù đạo đức của thánh Tôma Aquinô: Đức tính và Ân sủng).
Đại học Oxford |
Cha Pinsent hiện là thành viên của Viện Vật lý Anh, tham gia giảng dạy ở Viện Maryvale tại Birmingham (Anh). Đặc biệt, ngài là gương mặt quen thuộc trong giới truyền thông, và thường xuyên nhận được phỏng vấn từ nhiều báo đài, như BBC, EWTN về các vấn đề liên quan đến khoa học và đức tin. Cha cũng là cây bút của báo Công giáo Catholic Herald. Bên cạnh các ấn bản khoa học, cha là đồng tác giả chương trình đào tạo giáo lý viên Evangelium cũng như xuất bản các quyển sách bỏ túi về đề tài đức tin.
HỒNG HOANG
Bình luận