Thứ Sáu, 05 Tháng Ba, 2021 15:55

Vị linh mục nổi tiếng với quy tắc hình bình hành lực

 

Linh mục Bernard Lamy, thuộc dòng Thánh Philip Neri ở Pháp, sinh thời nổi tiếng là nhà toán học trong lĩnh vực cơ khí và hình học, đặc biệt là quy tắc hình bình hành lực.

 

Nhà thần học kiêm khoa học người Pháp chào đời ở Le Mans vào ngày 15.6.1640, qua đời ngày 29.1.1715 ở Rouen.

 

Cuộc đời và sự nghiệp

Cha Lamy là con của ông bà Alain Lamy và Marie Masnier, thuộc tầng lớp quý tộc Pháp. Ngài được Rửa tội vào ngày 29.6.1640. Thuở nhỏ, cậu bé Lamy được gia sư dạy học tại nhà, và đến năm 12 tuổi đã thông thạo tiếng Latinh. Cha mẹ đã gửi cậu đến học trường của dòng Thánh Philip Neri ở Le Mans. Tại đây, cậu học trò nhỏ đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi nhà truyền giáo nổi tiếng của Pháp là Jules Mascaron, đồng thời thể hiện tài năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Năm 18 tuổi, Lamy đến Paris và được nhận vào trường Maison d’Institution (1658). Người đứng đầu trường này, ông Jean Bertad đã hướng dẫn Lamy và các sinh viên khác nghiên cứu Kinh Thánh. Một năm sau, Lamy chuyển sang trường Công giáo Hoàng gia ở Saumur và theo đuổi ngành triết học dưới sự giảng dạy của các bậc thầy nổi tiếng thời đó như Claude Bouillerot, Nicolas Charpy, Jean Goujon và Charles de La Fontenelle. Năm 1662, chàng trai trẻ gia nhập dòng Thánh Philip Neri và kết bạn với triết gia Nicolas Malebranche. Tình bạn của hai vị kéo dài cho đến hết đời.

 

Năm 1661, thầy Lamy được bổ nhiệm làm giáo sư tại Ðại học của dòng Tên ở Vendome. Thầy giữ vị trí này hai năm trước được chuyển sang Ðại học Juilly cũng của dòng Tên. Trong quá trình giảng dạy văn chương, văn phạm, tiếng Latinh, Hy Lạp, lịch sử và địa lý ở Juilly, ngài được truyền chức linh mục vào năm 1667. Thời gian này, cha Lamy đọc hết các tác phẩm chính của nhà toán học René Descartes. Sau đó, vị linh mục quay về quê nhà dạy học từ năm 1668 đến tháng 8.1669, trước khi tiếp tục nghiên cứu thần học ở Trường Thần học Notre-Dame des Ardillires tại Saumur, sau đó trở thành giáo sư triết học của trường Công giáo Hoàng gia từ tháng 9.1671.

Hai năm sau, cha Lamy chuyển sang giảng dạy tại Ðại học Angers. Tuy nhiên, vị linh mục bị chỉ trích vì chịu ảnh hưởng của triết gia - nhà toán học Descartes nên không được phép tiếp tục đứng trên bục giảng. Bề trên đã gởi ngài đến Grenoble, và nhờ vào sự ủng hộ của Ðức Hồng y Étienne Le Camus, một lần nữa cha Lamy được giảng dạy trở lại. Năm 1689, ngài chuyển đến Rouen và trải qua những ngày cuối đời tại đây.

 

Các tác phẩm và công trình nổi tiếng

Luận thuyết về tu từ học đầu tiên từng xuất hiện ở Pháp vào thế kỷ 17 là quyển De l’Art de parler (tạm dịch: Nghệ thuật diễn thuyết), do cha Lamy viết nhưng không công khai danh tính vào năm 1675 để tránh bị cấm đoán vì chịu ảnh hưởng của Descartes. Năm 1676, bản tiếng Anh của cuốn sách đã được xuất bản tại London, và một lần nữa che giấu danh tính của tác giả. Quyển tiếng Anh được tái bản nhiều lần (theo thống kê là khoảng 20 lần) nhưng không kèm theo các phần do cha Lamy hiệu đính trong bản tiếng Pháp.

 

Quyển sách kế tiếp của linh mục Pháp là Nouvelles réflexions sur l’art poétique (1678, tạm dịch : Những suy tư về nghệ thuật thi ca). Tuy nhiên phải đợi đến năm sau, ngài mới xuất bản tác phẩm nổi tiếng nhất của mình là Traité de Mécanique (1679, tạm dịch: Chuyên luận về cơ học), trình bày những phát hiện về quy tắc của hình bình hành lực. Ngài cũng hoàn tất quyển Traité de la grandeur en general (1680, Chuyên luận tổng quan về đại lượng) và Les éléments de géométrie (1685, Khái luận về hình học). Sau đó, quyển Apparatus ad Biblia Sacra (tiếng Latinh - 1687) được chuyển ngữ sang tiếng Pháp theo lệnh của Ðức Giám mục Châlons, với tựa đề Introduction a la lecture de l’Ecriture Sainte (1689, Dẫn nhập về đọc Sách Thánh).

Một số tác phẩm khác của cha Lamy bao gồm Harmonia, sive Concordia quatuor Evangelistarum (tổng hợp nội dung bốn sách Tin Mừng, xuất bản năm 1689); Apparatus Biblicus (Dẫn nhập Kinh Thánh)… Riêng luận thuyết tiếng Latinh về Hòm Bia Giao Ước của cha Lamy đã được in năm 1720, 5 năm sau khi vị linh mục qua đời. 

Một số sách của cha Lamy

 

HỒNG HOANG

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm