Tròn 20 năm đồng hành cùng người khiếm thị, ông Nguyễn Tất Trúc, giáo dân xứ Sơn Lộc (GP Phú Cường), Ủy viên UBĐKCGVN.TPHCM, vẫn âm thầm cháy ngọn lửa phục vụ. Ông tâm niệm, khi nào còn sức khỏe sẽ còn chia sẻ gánh nặng với những người không nhìn thấy được.
Văn phòng của hội người khiếm thị rộng chừng 4m2, nằm trong khuôn viên Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi. Khi chúng tôi đến thăm, căn phòng nhỏ đang rộn rã tiếng nói cười của các thành viên trong hội. Họ ngồi quây quần bên nhau, vừa trò chuyện vừa làm việc riêng. Có người lần giở tờ báo in bằng chữ nổi, người đang dùng điện thoại...; riêng ông Trúc ngồi bàn máy tính xem một số văn bản giấy tờ. Kéo chiếc ghế nhựa mời khách, ông mở từng tấm hình lưu lại trong máy tính về các hoạt động của hội, rồi kể cho chúng tôi nghe mối duyên với người khiếm thị.
|
Ông Trúc tâm niệm khi nào sức khỏe sẽ còn chia sẻ gánh nặng với những người khiếm thị |
Chính thức tham gia giúp hội người khiếm thị Củ Chi vào năm 1997, đến nay, ông Trúc đã như là một người thân của từng thành viên trong hội. Là người sáng mắt duy nhất trong một tập thể toàn người khiếm thị, ông nhận nhiệm vụ lo về văn bản, giấy tờ và mọi liên hệ xin giúp đỡ cho từng hoàn cảnh. Mỗi tuần, ông cụ ngoài 70 tuổi này lại đi xe máy lên văn phòng ba buổi. Ông cùng ngồi với anh chị em, lắng nghe những tâm tư, kế hoạch tương lai hay có khi chỉ là đôi ba câu chuyện phiếm của họ. Từ ngày đầu, khi mới nhận công việc này, ông Trúc đã tìm đến nhà rồi giới thiệu để họ vào hội. Ông chia sẻ: “Bên cạnh những người tự tìm đến thì vẫn còn có nhiều hoàn cảnh khó khăn mình không biết. Chỉ tới khi được người ta chỉ hoặc tình cờ có thông tin thì mình mới có thể thăm viếng họ được. Cũng có một số người vì lý do riêng, ngại vào hội nhưng mình vẫn cố hết sức giúp đỡ rồi chỉ ra cho họ những mặt lợi khi tham gia tập thể này. Chủ yếu quy tụ đông người đồng cảnh ngộ thì họ mới dễ đồng cảm và nâng đỡ nhau để cùng thăng tiến”.
Ông Trúc kể, có những người trước khi vào hội luôn mang tâm lý sợ xã hội bên ngoài do không thể hòa nhập được với cộng đồng. Nhưng kể từ khi tham gia vào đại gia đình ở đây, được hướng dẫn một số kỹ năng sống cơ bản, đa số đều trở nên mạnh dạn hơn. Người đã có thể tự đi lại bằng xe buýt, người sử dụng điện thoại di động thành thục, có nhiều thành viên còn học biết chữ nổi và đọc được sách báo... Nhìn thấy những khởi sắc đó nên ngoài việc liên hệ với các tổ chức từ thiện để hỗ trợ vật chất cho họ, ông Trúc còn chú ý đến vấn đề phát triển lâu dài. Trong hội, khi có thành viên nào đang tuổi đi học, trước hết, ông giúp các em xin học trường dành cho người khiếm thị trong thành phố. Để trẻ có thể được đến trường, vấn đề còn là ở cha mẹ nên việc tiếp theo ông sẽ tìm lời để khuyên giải các bậc phụ huynh. “Nhiều người không phải không có điều kiện đưa trẻ đến trường nhưng luôn sợ xa con, sợ trẻ phải va chạm với cuộc sống bên ngoài. Gặp những trường hợp đó thì không vội được mà cần phải có thời gian để khuyên nhủ, động viên phụ huynh. Nhưng làm gì cũng nhất định phải cho trẻ đến trường vì thứ nhất các em sẽ có được thêm kiến thức, thứ hai là hòa nhập với cộng động và trở nên tự tin hơn”, ông Trúc tiếp lời.
![]() |
Ông thường ngồi quây quần cùng anh em trong hội và lắng nghe tâm sự của họ |
Ban ngày lên văn phòng gặp gỡ anh chị em, buổi tối về nhà, ông Trúc lại mở máy tính, cặm cụi gõ văn bản, soạn đơn từ liên hệ với các sở, cơ quan để giải quyết từng vấn đề cho các thành viên trong hội. Nhiều năm qua, ông như con thoi, chạy đi chạy lại giữa các tổ chức từ thiện, giáo xứ, cơ sở tôn giáo trong ngoài thành phố, để xin quà cho người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có được căn nhà tình thương, những suất mổ mắt, khám chữa bệnh miễn phí... Những hôm bận rộn, thay vì chạy xe máy, ông lại đi xe buýt đến các nơi để giải quyết, có khi một ngày đến 6 lượt xe.
Ở tuổi thất thập, ông vẫn hăng say đóng góp cho đời bằng những việc làm thiết thực hằng ngày.
THIÊN LÝ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.