Thứ Hai, 10 Tháng Tư, 2017 12:22

20 năm vun đắp yêu thương cho đời

20 năm đến với người nghèo, những bước chân của các thành viên Gia Đình Bác Ái Martinô Bốn Phương chưa bao giờ mỏi mệt. Nghe ở đâu có những mảnh đời khó khăn, bất  hạnh, họ lại có mặt để dang rộng vòng tay đỡ nâng.

Gia đình Martinô phát quà cho người dân ở giáo điển Hoà Bắc

NỐI VÒNG TAY LỚN

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, ông Vũ Văn Đoan (Gx Tân Thái Sơn - TGP.TPHCM), một trong những người thành lập vui vẻ lật mở cho chúng tôi xem cuốn album hình kỷ niệm lưu lại các chuyến đi thiện nguyện của nhóm và hồi tưởng: “Trước đây là hai nhóm thiện nguyện hoạt động riêng lẻ, sau này tình cờ tôi và ông Nguyễn Minh Quang (Gx Tân Hương) gặp nhau, hai anh em đồng chí hướng đều có nguyện vọng muốn phục vụ cho người nghèo nên nhập lại thành một hội đoàn chung lấy tên là “Gia Đình Bác Ái Martinô Bốn Phương”, nhận thánh Martinô làm bổn mạng cũng là để noi gương nhân đức của ngài đến với những người nghèo khổ, cô thân, yếu thế”. Bình thường nhóm có khoảng 40 thành viên hỗ trợ nhau bằng lời cầu nguyện, tạo phương tiện cũng như đóng góp mỗi người một chút để thực hiện những chuyến đi bác ái vùng sâu vùng xa. Thời gian đầu, nhóm đi khoảng 7-8 lần/năm, sau này thì mỗi năm có 4 chuyến, chia đều vào các mùa như Giáng Sinh, mùa Chay, Trung thu và Tết, mỗi lần đi thường ghé ủy lạo hai địa điểm. Theo ông trưởng nhóm Nguyễn Minh Quang thì lần nào tổ chức cho anh em đi như thế, ông cũng đều xin khấn, cầu nguyện để công việc tiến hành được tốt đẹp. Ông Quang luôn tâm niệm, làm việc nghĩa phải xuất phát tự tận đáy lòng, vì Chúa vì tha nhân. Hơn 20 năm làm việc thiện, Gia Đình Bác Ái Martinô đã rong ruổi khắp các vùng miền, khi thì lên Tây nguyên vào các trại cô nhi, làng người dân tộc, lúc lại xuống miền Tây ghé thăm các xứ đạo nghèo ở Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau... Nhiều người nhìn vào, thấy được hiệu quả công việc ý nghĩa nên đã hưởng ứng, ủng hộ bằng hiện vật hoặc tiền mặt để đoàn có thêm điều kiện đến với người nghèo hơn nữa. Khi được hỏi làm thế nào có thể “giữ lửa” và duy trì hoạt động này liên tục suốt hơn 20 năm qua, ông Đoan ví von: “Mấy anh em chúng tôi được ơn đi “ăn xin”, lang thang khắp nơi để xin cho những người nghèo đói; xin Chúa cho những người cộng tác với mình bằng cách này cách khác… Không phải chúng tôi hãnh diện vì cho người nghèo mà hãnh diện vì họ đã cho mình tình yêu mến, sự hiếu khách. Và điều quan trọng nhất là những người khốn khó ấy đã cho chúng tôi được thấy Chúa Giêsu qua hình ảnh của họ”.

Tại giáo xứ Nam Phương

LÊN XE VÀ “RA KHƠI”

Có dịp đồng hành cùng với Gia Đình Bác Ái Martinô Bốn Phương trong mùa Chay Thánh này, chúng tôi mới cảm nhận sâu sắc tinh thần “già mà không già” của các ông bà trong đoàn. Chuyến đi có khoảng gần 30 người. Tuổi tác tuy đã cao, có người 60, 70, thậm chí 80 tuổi vẫn hăng say lên đường. Ngày 30.3.2017, từ 4 giờ sáng, tất cả đã rục rịch chuẩn bị hành lý, chất đồ lên xe và khởi hành. Chị Vũ Thị Kim Hường, một thành viên chia sẻ: “Tuy mới đi chung khoảng 3 lần nhưng tôi cảm thấy tinh thần bác ái của nhóm rất cao, các bác dù lớn tuổi nhưng lại vô cùng lạc quan yêu đời. Qua những chuyến đi từ thiện thế này, tôi cũng muốn làm gương cho các con để chúng biết quan tâm và chia sẻ với những người kém may mắn”.

11g trưa, xe đến giáo điểm Hòa Bắc thuộc giáo xứ Hòa Ninh (Di Linh - Lâm Đồng, GP Đà Lạt). Anh em đồng bào dân tộc K’Ho đã đợi từ sớm. Đây là một giáo điểm vùng sâu vùng xa, đời sống giáo dân còn nghèo nên những phần quà hỗ trợ và sự quan tâm thăm viếng của đoàn từ thiện là vô cùng quý hóa. Cùng với tập vở, quần áo, thuốc men…, 100 phần quà trị giá 250 nghìn đồng/phần gồm 10 ký gạo, một thùng mì, nhu yếu phẩm được trao tận tay đến bà con, ai nấy đều vui mừng hớn hở. Chị Ka Nhonh (40 tuổi) ôm quà chuẩn bị ra về cười tươi: “Nhà mình khó khăn lắm, có ba đứa con, hai đứa lớn nghỉ học đi làm rẫy phụ gia đình, chỉ có đứa nhỏ được đi học thôi. Hôm nay được nhận quà mình vui lắm, cảm ơn cha và đoàn từ thiện rất nhiều”. Sau khi phát quà, dùng cơm trưa xong, mọi người lại nhanh chóng lên đường. Linh mục phụ trách giáo điểm Phaolô Phạm Tưởng Long xúc động tạm biệt đoàn: “Thấy các bác lớn tuổi mà còn lặn lội đường sá xa xôi tới thăm giáo điểm, con rất cảm kích, không biết nói gì hơn ngoài lời cầu nguyện bình an và chúc sức khỏe cho tất cả mọi người. Tâm tình người dân Hòa Bắc tuy nghèo nhưng dạt dào mến thương. Chỉ mong nhóm luôn lạc quan mạnh giỏi, và nhất là luôn ở bên nâng đỡ những phận đời khó nghèo”. Xe lăn bánh, có người còn nhìn với lại ngôi nhà nguyện dựng tạm bằng gỗ, che chắn bằng tôn và bóng cây thập giá xa dần. Trên xe, ông Trưởng đoàn rưng rưng kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm về một chuyến đi khác: “Lần ấy phát quà cho người ta, chúng tôi cho họ cái kẹo mà họ không biết ăn như thế nào, cứ cầm mân mê, mình thấy mà không cầm được nước mắt”.

Hỗ trợ người dân đưa quà về nhà

Ngày hôm sau, đoàn đến giáo xứ Nam Phương (B’Lao - Bảo Lộc - Lâm Đồng, GP Đà Lạt). Xứ đạo này có đông đảo Việt kiều Campuchia sống cùng anh em dân tộc K’Ho. Đa số người dân làm thợ sơn, thợ xây, phụ hồ, công việc không ổn định. Số còn lại làm nông, thu hoạch kém và thất thường. Hơn 200 phần quà đã nhanh chóng gởi tặng đến bà con. Niềm vui bỗng chốc lan tỏa, cả người cho lẫn người nhận. Ông Đinh Văn Căn, 76 tuổi, gần 10 năm gắn bó với nhóm bộc bạch: “Đi thế này mới thấy mình còn sung sướng hơn nhiều người vô cùng. Lắm người còn khổ quá, tội quá, một chút quà mang lại niềm vui cho bà con, mình cũng cảm thấy hạnh phúc”. Còn người được nhận, chị K’Thiểm, 31 tuổi, dân tộc Châu Mạ, đang địu con trên lưng cười hiền: “Cảm ơn Thiên Chúa đã đưa đoàn tới đây để giúp đỡ người nghèo. Con không biết nói gì hơn, cảm ơn cha xứ đã quan tâm, đoàn đã viếng thăm và cho quà, vui lắm, mong mọi người sẽ còn ghé lại nữa”. Bà Thân Thị Thu Thúy, 50 tuổi, giáo dân xứ Nam Phương giãi bày: “Nhiều gia cảnh ở đây rất đáng thương, sống trong căn nhà gỗ mục nát, bấm bụng chịu vậy chứ không biết làm sao, đi làm thuê làm mướn không biết khi nào mới đủ tiền cất nhà nữa. Một chút quà của quý vị cũng đỡ đần cho tụi tui ít nhiều, chúng tôi không chỉ nhận quà mà còn cảm nhận được tấm lòng yêu thương nâng đỡ của mọi người”.

Trở về Sài Gòn, chia tay Gia Đình Bác Ái Bác Ái Martinô Bốn Phương, suy nghĩ miên man về những chuyến “ra khơi” của nhóm. Việc thiện của họ chắc chắn sẽ còn tỏa hương mãi cho đời…

NGỌC LAN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm