Một điều tôi muốn nói lúc này là lời tạ ơn Thiên Chúa về sự bình an của tôi. Trước khi lên đường ra tuyến đầu vào những ngày tháng Sài Gòn căng thẳng nhất vì dịch, tôi đã suy nghĩ rằng mình chấp nhận trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, và vẫn quyết tâm lên đường để phục vụ tại bệnh viện điều trị Covid-19.
Sau một tháng phục vụ bệnh nhân, tôi được bình an và mạnh khỏe trở về. Ðây là một phép lạ đối với tôi. Tôi tự nhủ rằng tiếp xúc trực tiếp với F0 thế này, dù đã có trang phục bảo hộ cẩn thận nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn rất cao, nếu không nhiễm thì nhờ ơn Chúa. Và quả thật, Chúa đã ban ơn, che chở cho tôi.
Những ngày tôi phục vụ trong khoa hồi sức, sợ chết thì ít nhưng thương cảm thì nhiều. Không chỉ thương cảm cho bệnh nhân, mà còn thương cảm cho người thân của họ. Với những bệnh nhân còn tỉnh, có thể nói ra cảm xúc hoặc ra dấu, thể hiện trên nét mặt hoặc qua cử động tay chân... thì những người phục vụ như chúng tôi còn biết để có thể giúp được điều này điều kia. Còn với nhiều bệnh nhân hôn mê, trong họ có lẽ không còn cảm giác đau đớn nữa, trên người lúc này chằng chịt dây nhợ của các máy móc, cả đến hơi thở cũng phải cần đến máy. Trông họ chỉ như là máy sống giùm thôi. Tôi thương là thương cho những người thân ngày đêm trông ngóng mỏi mòn tin tức của bệnh nhân trong bệnh viện, và cảm nghiệm được sự đau khổ trong tinh thần mà người đang ở nhà phải chịu. Thế nên, có thể khi một bệnh nhân qua đời thì ấm lòng người ra đi, nghẹn ngào người ở lại. Ấm lòng ở đây không có ý nói đến một cái chết ấm cúng, đông người đưa tiễn. Nhưng nói đến một cái chết thanh thoát, khi ta sinh ra với 2 bàn tay trắng, lúc ta chết đi cũng trắng 2 bàn tay. Những cái chết mà tôi trông thấy, thật nhanh và thật nhẹ. Tôi tin rằng họ đã được giải thoát khỏi đau khổ đời này để đến với cuộc sống vĩnh hằng.
Nhưng thật nghẹn ngào cho những người ở lại. Thời điểm ấy, do tình hình quá tải, nhiều trường hợp bệnh viện chưa kịp thông báo, người nhà không biết người thân trong bệnh viện còn sống hay đã chết. Tôi từng xót xa cho hai anh chị, vật vã ở một góc nhỏ của bệnh viện, ngoài phòng hồi sức. Họ trông chờ tin tức của hai người mẹ, chờ hoài trông mãi mà không thấy tin gì, họ sốt ruột và ở lì đó, không chịu về nhà, chỉ mong nhận được tin về mẹ của mình. Khi nhóm tu sĩ chúng tôi bắt đầu đến làm việc ở bệnh viện, thấy vậy thì đến hỏi thăm, động viên và hứa sẽ cho tin về hai người mẹ của hai anh chị, thế là họ chịu về. Thật cảm thương cho lòng hiếu thảo nhưng cũng đầy sự liều lĩnh, không màng nguy hiểm. Có những lúc bệnh viện báo tin bệnh nhân đã chết, người nhà không chịu nổi, nghe như sét đánh bên tai. Họ chỉ biết khóc, và khóc thôi. Nỗi đau xót và thương nhớ người thân qua đời cứ khôn nguôi và kéo dài, vì nhiều ngày sau mới có tro cốt gởi về gia đình. Bởi vậy, người ra đi thì được giải thoát nhẹ nhàng, còn người ở lại thì đầy đau khổ, nghẹn ngào, tiếc nuối.
Sự nghẹn ngào này tôi cũng cảm nhận được nơi những người ở hậu phương, khi nghe người thân của mình tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch. Họ hoang mang, lo lắng, và không kém phần sợ hãi, sợ người thân mình gặp nguy. Lòng chẳng muốn cho đi, nhưng với sự nhiệt huyết và lửa tông đồ của tình nguyện viên, người nhà cũng đành ủng hộ và không ngớt lời cầu nguyện cho người ở tuyến đầu.
Thật vậy, khi đã dấn thân với tình yêu, người trong cuộc không còn cảm giác sợ hãi nữa. Ðặc biệt là tu sĩ thiện nguyện, khi phục vụ, chỉ mong làm thế nào để sáng danh Chúa và mưu ích phần rỗi các linh hồn. Nơi môi trường nguy hiểm này, rất nhiều người, từ y bác sĩ cho đến các bệnh nhân, đều quý trọng các tu sĩ. Họ không ngớt lời cảm kích và cảm ơn. Có nhiều người mong muốn tìm hiểu về đạo Công giáo và chăm chú lắng nghe các tu sĩ nói về Chúa. Thấy thái độ của họ, tôi thầm vui mừng vì danh Chúa được giới thiệu đến nhiều người.
Vì sứ vụ của mỗi tu sĩ mà hết thời gian phục vụ, nhiều vị phải trở về nhà dòng, không thể kéo dài hơn, tuy lòng vẫn còn lưu luyến và lửa nhiệt tình nung nấu, muốn ở lại thêm để chăm sóc các bệnh nhân, nhưng vì công việc nên cũng đành… Trở về với sự bình an vì các tu sĩ đã hết lòng làm tốt vai trò của mình nơi tuyến đầu. Bên cạnh đó, cũng không thiếu sự nghẹn ngào của các bệnh nhân, sự luyến tiếc của đội ngũ y bác sĩ khi phải chia tay với nhóm tình nguyện viên chẳng ngại khó, ngại khổ như tu sĩ thiện nguyện. Rồi cũng còn khá nhiều tu sĩ đăng ký ở lại để phục vụ thêm. Cũng như còn khá nhiều đoàn tu sĩ thiện nguyện ra quân các đợt tiếp theo ở những bệnh viện dã chiến. Tôi mong rằng những người ở hậu phương bớt phần nào nỗi lo lắng, sợ hãi cho người thân đang phục vụ ở tuyến đầu, vì họ không đi một mình, nhưng là đi với tập thể, họ không làm việc một mình nhưng có Chúa luôn ở cùng.
“Nguyện cho Thiên Chúa được cả sáng vì danh Ðức Giêsu Kitô”. Ước gì khi có Chúa đồng hành với các tu sĩ thiện nguyện, danh Chúa được nhiều người biết đến và nhiều linh hồn được cứu rỗi.
Nữ tu Marie Félice C.T, SPP
Bình luận