Chủ Nhật, 31 Tháng Mười Hai, 2017 17:02

ÂM NHẠC CHO CA ÐOÀN VÀ CỘNG ÐOÀN (P2)

3] Bài ca hiệp lễ

Cũng như phần chuẩn bị lễ vật, bài ca hiệp lễ đi kèm với cuộc rước, nhưng cuộc rước này thông thường không chỉ gồm một ít người như trong phần chuẩn bị lễ vật mà là hầu hết hay toàn bộ cộng đoàn phụng vụ là những người tiến lên rước lễ. Theo QCSL số 86, ý định của Hội Thánh là mong muốn “Bài ca hiệp lễ có mục đích diễn tả sự hợp nhất thiêng liêng giữa những người rước lễ qua sự hợp nhất trong lời ca, đồng thời biểu lộ niềm vui trong lòng, và làm nổi bật tính cộng đồng của đoàn người đang lên rước lễ…”. Ðiều này có nghĩa là, toàn thể cộng đoàn nên hát ca hiệp lễ. Tuy nhiên, đây chỉ là chọn lựa thứ II vì QCSL số 87 lại sắp xếp ưu tiên cho một mình ca đoàn hát hiệp lễ lên trước cả hát cộng đồng: “Bài này do mình ca đoàn hát, hoặc do ca đoàn hay ca viên hát với cộng đoàn”. Lý do là vì chắc chắn có những khó khăn nhất định khi toàn thể cộng đồng hát đang khi di chuyển lên hiệp lễ, đang khi rước lễ và đang khi đi về chỗ của mình. Ðể thực hành chọn lựa “ca đoàn hay ca viên hát với cộng đoàn”, người phụ trách thánh nhạc hay ca trưởng nên sử dụng những bài ca hiệp lễ thật quen thuộc với cộng đoàn, nhất là những bài hát có câu điệp khúc ngắn, dễ thuộc và dễ nhớ (MVTN 181). Tuy vậy, nếu việc rước lễ kéo dài, chúng ta có thể hát nhiều bài ca hiệp lễ theo ý muốn. Trong trường hợp này, có thể nối kết phần hát dành cho cộng đoàn và phần hát dành cho một mình ca đoàn (MVTN 182).

IV] Những phần dành cho cộng đoàn hay ca đoàn hát

Nhờ vào Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002] và Mục lục các Bài đọc trong Thánh lễ (1981) mà chúng ta dễ dàng biết được cách thức tham dự vào các phần phải hát trong Thánh lễ: khi nào cộng đoàn hát; khi nào chỉ một người hát; khi nào riêng ca đoàn hát; khi nào thì hát luân phiên giữa ca đoàn và dân chúng, hoặc luân phiên giữa một ca viên và dân chúng:

1] Ca nhập lễ: [a] ca đoàn/ ca xướng viên + cộng đoàn; [b] cộng đoàn; [c] ca đoàn.

Ca nhập lễ được hát như sau: hoặc luân phiên giữa ca đoàn và dân chúng, hoặc luân phiên giữa một ca viên và dân chúng [a], hoặc tất cả do dân chúng hát [b], hay do một mình ca đoàn hát mà thôi [c] (QCSL 48).

2] Kinh Thương xót: cộng đoàn + ca xướng viên + ca đoàn

Sau nghi thức sám hối, là luôn luôn đến kinh “Lạy Chúa, xin thương xót”, trừ khi đã dùng kinh này trong nghi thức sám hối. Vì là bài hát giáo dân dùng để tung hô Chúa và kêu cầu lòng thương xót của Người, bài này thường được mọi người hát, nghĩa là dân chúng, ca đoàn hay xướng ca viên, đều góp phần vào đó (QCSL 52).

3] Kinh Vinh danh: [a] cộng đoàn; [b] cộng đoàn + ca đoàn; [c] ca đoàn

Kinh Vinh danh là một thánh thi rất cổ kính, mà Hội Thánh, được đoàn tụ trong Chúa Thánh Thần, dùng để tôn vinh Chúa Cha và cầu khẩn Chiên Con. Không được thay đổi bản văn của kinh này bằng một bản văn khác. Vị tư tế hay, tùy nghi, một ca viên hay ca đoàn xướng lên, rồi mọi người cùng hát chung [a], hay luân phiên giữa giáo dân và ca đoàn [b], hay chỉ ca đoàn [c]. Nếu không hát thì phải đọc, hoặc mọi người đọc chung, hoặc chia hai bè đối đáp (QCSL 53).

4] Thánh vịnh đáp ca: [a] người xướng Thánh vịnh / ca xướng viên + cộng đoàn; [b] người xướng Thánh vịnh / ca xướng viên; [c] cộng đoàn hát chung

Thánh vịnh đáp ca nên được hát, ít là phần đáp của giáo dân. Do đó, người hát Thánh vịnh hát tại giảng đài, hay tại một nơi thuận tiện (QCSL 61).

Hiện nay có hai thể thức để hát Thánh vịnh Ðáp ca:1

l Thể thức Xướng đáp: người xướng Thánh vịnh hay lĩnh xướng viên hát các câu Thánh vịnh, còn toàn thể dân chúng đáp lại bằng việc hát câu Ðáp ca;

l Thể thức Trực tiếp: toàn bộ bài Thánh vịnh Ðáp ca được hát liên tục từ đầu đến cuối (không chêm vào câu Ðáp ca) hoặc bởi người xướng Thánh vịnh  [hay lĩnh xướng viên] (hát solo) còn mọi người thinh lặng lắng nghe; hoặc bởi toàn thể cộng đoàn hát chung với nhau.

5] Halleluia: ca xướng viên/ ca đoàn + cộng đoàn

Lời tung hô này được thực hiện ở tư thế đứng, vì cộng đoàn tín hữu chào đón Chúa sẽ nói với mình trong Tin Mừng và biểu lộ đức tin bằng bài ca. Ca đoàn hoặc ca xướng viên xướng trước Halleluia, mọi người đứng hát, và nếu cần thì lặp lại. Còn câu tung hô thì ca đoàn hoặc ca xướng viên hát (QCSL 62).

6] Kinh Tin Kính: [a] cộng đoàn; [b] dân chúng và ca đoàn hát luân phiên

Kinh Tin Kính phải do vị tư tế hát hay đọc chung với giáo dân vào các ngày Chúa nhật và lễ trọng; cũng có thể đọc trong những lễ đặc biệt khá trọng thể. Nếu hát, thì vị tư tế hay, tùy nghi, một ca viên, hay ca đoàn xướng, rồi mọi người cùng hát tiếp [a] hay dân chúng và ca đoàn hát luân phiên [b]. Nếu không hát, thì mọi người cùng đọc hay chia làm hai đối đáp nhau (QCSL 68).

7] Thánh, Thánh, Thánh (Sanctus): cộng đoàn

Toàn thể cộng đoàn hợp cùng các Thần Thánh trên trời, hát “Thánh, Thánh, Thánh”. Lời tung hô này là thành phần của chính kinh Tạ Ơn, nên cả giáo dân và vị tư tế cùng hát (QCSL 79b).

8] Tung hô tưởng niệm (Ðây là mầu nhiệm đức tin…): cộng đoàn

9] Amen long trọng [sau Vinh tụng ca kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể]: cộng đoàn

Vinh tụng ca kết thúc kinh Tạ Ơn: đây là lời chúc vinh Thiên Chúa, được giáo dân tán đồng và kết thúc bằng lời tung hô “Amen” (QCSL 79h).

10] Kinh Lạy Cha: cộng đoàn

Trong kinh Lạy Cha, ta xin Chúa ban bánh hằng ngày, bánh này đối với Kitô hữu còn ám chỉ bánh Thánh Thể; lại xin Chúa thanh tẩy tâm hồn cho khỏi mọi tội lỗi, hầu của thánh được thực sự ban cho những người thánh. Vị tư tế đọc lời mời cầu nguyện, rồi hết mọi tín hữu cùng đọc kinh đó với ngài (QCSL 81);

11] Ca hiệp lễ: [a] ca đoàn; [b] ca đoàn/ ca viên + cộng đoàn

Về ca hiệp lễ, có thể dùng điệp ca trong sách Graduale Romanum cùng với Thánh vịnh hay không có Thánh vịnh, hoặc dùng điệp ca với Thánh vịnh trong sách Graduale simplex, hoặc bài hát nào khác thích hợp đã được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận. Một mình ca đoàn hát [a], hoặc ca đoàn hay ca viên hát với giáo dân [b] (QCSL 87).

12] Bài ca sau hiệp lễ: cộng đoàn

Sau khi cho rước lễ, vị tư tế và giáo dân tùy nghi cầu nguyện trong lòng một khoảng thời gian. Nếu muốn, tất cả cộng đoàn cũng có thể hát một thánh thi, một Thánh vịnh hay một bài thánh ca ngợi khen nào khác (QCSL 88).

13] Ca kết lễ: [a] cộng đoàn; [b] dạo đàn; [c] ca đoàn

BẢNG TÓM LƯỢC

(Việc ưu tiên hát được xếp theo thứ tự: I, II, III, IV)

(tiếp theo và hết)

Lm. Giuse Phạm Ðình Ái dòng Thánh Thể, SSS

__________________________________________________________

1 Mục lục các Bài đọc trong thánh lễ (1981), số 20.

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm