Chủ Nhật, 12 Tháng Ba, 2023 11:24

Ấn tượng về 10 năm triều đại Ðức Giáo Hoàng Phanxicô

 

Có rất nhiều điều từ Ðức Thánh Cha Phanxicô vẫn được suy ngẫm và thực hành, bởi tư tưởng cũng như hành động của ngài như một lời nhắc nhở hay nguồn cảm hứng đẹp cho mọi thành phần Dân Chúa.



TƯỚC HIỆU PHANXICÔ

 

Tu sĩ Giuse Trần Quang Vinh (dòng Anh em Hèn mọn): Ấn tượng của tôi ngay ban đầu về Đức Giáo Hoàng Phanxicô là ngài chọn tông hiệu Phanxicô (Assisi). Ngài đã nghĩ đến thánh Phanxicô Assisi - đấng sáng lập dòng Anh em Hèn mọn, một người sống khó nghèo, người của hòa bình, yêu mến và bảo tồn thiên nhiên. Khi được chọn vào cương vị thủ lĩnh của Giáo hội toàn cầu, ngài lấy tông hiệu Phanxicô cho triều đại giáo hoàng của mình, như một dấu chỉ cho thấy Đức Thánh Cha muốn noi gương, sống theo tinh thần của thánh Phanxicô Assisi. Điều này khiến những tu sĩ theo linh đạo của thánh Phanxicô Assisi như tôi cảm thấy nơi Đức Giáo Hoàng đương nhiệm một sự gần gũi. Trên suốt chặng đường mục vụ của ngài, người nghèo - người kém may mắn luôn là mối bận tâm và ưu tiên. Trong những năm qua, Đức Phanxicô đã có những lần đến dâng thánh lễ và rửa chân cho các tù nhân đang thụ án trong các nhà tù vào chiều thứ Năm Tuần Thánh. Ngài thiết lập Ngày Thế giới Người nghèo, quan tâm đến mọi khía cạnh cuộc sống của những người có hoàn cảnh khó khăn… Việc quan tâm bảo vệ Ngôi Nhà Chung là mẹ Trái đất như gương của thánh Phanxicô cũng là điều Đức Giáo Hoàng luôn thao thức. Thấy được đây là việc cần thiết của thế giới hôm nay, ngài đã ban hành thông điệp Laudato si’, mời gọi các tín hữu cùng chăm sóc Ngôi Nhà Chung - tức các thụ tạo, với trái tim rộng mở. Gần 8 năm từ ngày thông điệp này được phổ biến, đến nay việc chăm sóc thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống vẫn là vấn đề quan trọng mà mọi thành phần Dân Chúa luôn được nhắc nhớ để ý thức hơn trong đời sống thường nhật.


MỘT TÂM TÌNH VỚI NGƯỜI GIÀ

 

Bà Maria Nguyễn Thị Giả (Giáo xứ Đaminh, giáo phận Xuân Lộc): Nhắc lại vẫn thấy vui vì đó là lần hiếm hoi và có lẽ duy nhất khi tôi đến thăm Vatican đầy mơ ước. Trong chuyến hành hương xa xôi ấy, khi tôi thấy Đức Thánh Cha từ xa, tự nhiên tôi rơi nước mắt vì xúc động. Thật khó diễn tả. Tôi nhớ và ấn tượng nhất là vào năm 2021, Đức Thánh Cha thành lập Ngày Thế giới vì Ông bà và Người cao tuổi, được tổ chức vào Chúa nhật thứ tư trong tháng 7 hằng năm. Tính ra cũng chỉ mới được tổ chức ít lần. Nhưng tôi thấy ấm lòng vì được quan tâm, bởi tôi không chỉ là người cao tuổi mà còn là một người yêu mến Đức Thánh Cha. Tôi có nhớ Đức Phanxicô nhắc nhở rằng tuổi già là một món quà và ông bà là sợi dây kết nối giữa các thế hệ, trao lại những kinh nghiệm sống cho lớp trẻ. Tôi rất xúc động vì sâu xa hiểu rằng ngài thành lập Ngày Thế giới vì Ông bà Người cao tuổi là do ông bà thường bị lãng quên, người già trở nên đơn độc... Có lẽ ngài cũng sợ thế hệ trẻ hơn sẽ dễ quên mất những giá trị của việc gìn giữ cội nguồn, những gì thuộc giá trị xưa cũ.


TỪ NHỮNG QUYỂN SÁCH

 

Bà Maria Nguyễn Thị Cẩm Nhung (Giáo xứ Thánh Đa Minh - Ba Chuông, TGP TPHCM): Đức Giáo Hoàng Phanxicô là tác giả của nhiều đầu sách. Những ai yêu thích tư tưởng của ngài, hẳn cũng tìm đọc ít nhất một tác phẩm nào đó. Điều tôi ấn tượng về Đức Thánh Cha là ngài luôn hạ mình với người yếu thế. Điều này càng đậm nét trong hai quyển sách của ngài mà tôi có dịp tiếp cận: Đó là quyển “Danh Ngài là thương xót”“Hãy cùng ước mơ”. Quyển thứ nhất là đối thoại của Đức Phanxicô và ký giả Andrea Tornielli. Trong đó, ngài nhấn mạnh: “Chúa không muốn lạc mất một ai. Lòng xót thương của Người chắc chắn là lớn hơn vô hạn tội lỗi của chúng ta, liều thuốc của Người chắc chắn là mạnh mẽ hơn vô hạn những đau bệnh của chúng ta mà Người phải chữa lành”. Như Đức Phanxicô phân tích, người tội lỗi nhận ra sai lầm, biết đặt mình nhỏ bé trước Thiên Chúa thì hối nhân luôn nhận được sự thương xót và tha thứ của Người. Bởi ánh sáng của tình yêu và lòng thương xót từ Thiên Chúa chảy tràn vào trong những khe hở nhỏ nhất, giúp con người tìm về bên Người để được an ủi và vỗ về. Giáo hội làm nảy nở điều tốt lành nơi lương tâm loài người, giúp họ sống trách nhiệm, tránh xa điều xấu, cái ác…

Quyển thứ hai đọng lại trong tôi những suy tư của vị chủ chăn đứng đầu Hội Thánh. Ngài trăn trở về cách nhân loại ứng xử với thế giới tự nhiên, là tiền đề cho những khủng hoảng khiến nhân loại phải đối diện. Covid-19 như cơn “địa chấn” gây ra những hậu quả mà toàn nhân loại phải gánh chịu. Loài người hãy trở về, vượt qua ích kỷ để không tiếp tục mắc sai lầm. Đức Phanxicô phê bình gay gắt nền kinh tế toàn cầu chỉ tối ưu hóa lợi nhuận mà không quan tâm đến những phận người nhỏ bé. Chính họ phải trả giá khi môi trường sống bị ô nhiễm. Ngài nhắc nhở mọi Kitô hữu sống tinh thần nghèo khó, theo Chúa Giêsu Kitô, đấng nhân lành với tất cả tấm lòng…


LAN TỎA THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’

 

Chị Maria Nròng Thị Hương (Giáo xứ Đinh Trang Hòa, giáo phận Đà Lạt): Là nhân viên Caritas Đà Lạt và là thành viên của nhóm canh tác cà phê hữu cơ Oh Mi Koho Coffee (“Tình anh em”), tôi cũng như các anh chị em đặc biệt ấn tượng về thông điệp Bảo vệ Ngôi Nhà Chung - Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã đem đến sự thay đổi tích cực nơi nhiều thôn làng và luôn tri ân ngài về điều đó. Với sự dẫn dắt của Caritas giáo phận, bà con giáo dân ở nhiều địa phương đã được học hỏi phương cách để đưa Laudato si’ vào cuộc sống. Cụ thể, chúng tôi thực hiện chuyển đổi từ việc canh tác nông sản có sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, sang canh tác hữu cơ xen canh thuần tự nhiên (để cỏ phủ đất vườn, ủ phân xanh để bón cây, loại trừ sâu bệnh bằng cách bắt sâu thủ công, sử dụng hạt giống bản địa…). Nhờ đó, đã tạo ra nguồn nông sản sạch, phục vụ trong các bữa cơm gia đình, chia sẻ trong các thôn làng và trong các phiên chợ nông sản sạch. Đặc biệt, có nơi đã có nguồn rau củ quả được chọn bán trong siêu thị lớn… Riêng với nhóm Oh Mi Koho Coffee, hơn 6 năm qua, tinh thần thông điệp luôn thúc đẩy anh chị em cùng nhau canh tác, sản xuất và phục vụ cộng đồng bằng những sản phẩm cà phê sạch, chất lượng. Chúng tôi, những người tín hữu sắc tộc, xin tri ân và cùng cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho thông điệp Laudato si’ hữu ích của ngài ngày càng lan tỏa, góp phần xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ Ngôi Nhà Chung của toàn thế giới.


NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO

 

Cha Giacôbê Hồ Văn Xung (Giáo xứ Chánh tòa Mỹ Tho, giáo phận Mỹ Tho): Nhìn lại 10 năm cai quản Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã để lại rất nhiều dấu ấn, những cải cách quan trọng trong mọi lãnh vực. Có một dấu ấn mà ai cũng có thể nhận thấy rõ ràng nhất, đó là hình ảnh một Giáo hội của người nghèo, một cung cách phục vụ đầy khiêm tốn nơi vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội. Thật đúng với tông hiệu Phanxicô mà Đức Giáo Hoàng đã chọn. Ước mơ của ngài được thể hiện ngay từ đầu triều đại là một “Giáo hội nghèo cho người nghèo”. Ngày Thế giới Người nghèo lần đầu tiên được tổ chức dưới triều đại của Đức Phanxicô và khi quyết định dành một ngày hướng về người nghèo cho toàn Giáo hội, Đức Phanxicô muốn Giáo hội thực sự đồng hành và hết lòng yêu thương những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi, những người có hoàn cảnh khó khăn mà ngài nhìn thấy Chúa Giêsu ở nơi họ. Yêu thương và phục vụ người nghèo là sứ mạng Chúa Giêsu trao lại cho Giáo hội và Đức Phanxicô đã từng ngày quyết tâm thực hiện. Ngày Thế giới Người nghèo là một bằng chứng cụ thể cho quyết tâm ấy.

Theo Đức Giáo Hoàng, Giáo hội không chỉ quan tâm đến người nghèo nhưng còn nhận ra sự nghèo khó, lắng nghe tiếng kêu khóc, cảm nếm và xúc động trước đau khổ của họ. (x. Tông huấn Evangelii Gaudium số 48). Giáo hội và các nhà lãnh đạo Giáo hội phải đặt nền tảng đời sống trên thực tại đau đớn của những người yếu đuối. Vượt trên cả tương quan xã hội trần thế, người Kitô hữu cần phục vụ người nghèo với sự thúc bách của Tin Mừng như tình thương huynh đệ, phục vụ trong khiêm tốn và quảng đại, công lý và lòng thương xót. (x. Tông huấn Evangelii Gaudium số 194).

Ghi nhớ một thập niên triều đại của Đức Phanxicô, chúng ta cùng tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo hội một vị mục tử nhân lành, đã mang đến cho Giáo hội một cách sống và phục vụ Tin Mừng theo lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy ghi nhớ lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông huấn Evangelii Gaudium, rằng việc chọn lựa người nghèo như hình thức ưu tiên của hoạt động bác ái Kitô giáo mà toàn thể truyền thống Giáo hội đang làm chứng (số 198). Với sự liên đới của mọi người trong cùng một đại gia đình nhân loại, Giáo hội cần mang văn hóa gặp gỡ đến với người nghèo và những người đau khổ trên thế giới.

Giáo xứ Chánh tòa Mỹ Tho cũng đã tổ chức Ngày Thế giới Người nghèo lần đầu tiên bằng việc chia cơm sẻ áo cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Chính Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận, cũng nhiệt tình hưởng ứng ngày này và ngài đích thân đến gặp gỡ và chia sẻ với những anh chị em tham dự. Trong khi chia sẻ tâm tình với những người nghèo khổ, Đức cha đã bày tỏ qua sự gặp gỡ này, Giáo hội muốn biểu lộ tình yêu thương, cảm thông với những người còn kém may mắn. Và hằng năm cứ vào ngày Chúa nhật 33 thường niên, giáo xứ Chánh tòa tổ chức Ngày Thế giới Người nghèo với tinh thần mà Giáo hội mong muốn. Khi tổ chức ngày này hằng năm, tất cả giáo dân được hướng dẫn để học hỏi sứ điệp của Đức Giáo Hoàng và chung tay thực hiện những điều hữu ích cho người nghèo, trong đó mọi người được nhắc nhở cùng nhau tham gia vào một việc phục vụ cũng là một công cuộc loan báo Tin Mừng thực sự.


NGUỒN CẢM HỨNG KHÔNG VƠI CẠN

 

Cha Phaolô Nguyễn Ngọc Trác (Giáo xứ La Dày, giáo phận Phan Thiết): Vài ngày trước, tôi tham dự chương trình hành hương giáo phận tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao. Năm nay, chương trình còn có ý nghĩa mừng kỷ niệm 10 năm triều đại Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong ngày này, tại Trung tâm có chiếu phóng sự nhắc lại nhiều dấu ấn của Đức Thánh Cha. Hình ảnh và các câu nói nổi tiếng của ngài cũng được in lớn và trưng bày cho mọi người dễ thấy. Thực sự, có rất nhiều thông điệp của Đức Thánh Cha trở thành nguồn cảm hứng, khích lệ tinh thần trong suốt hành trình nhận sứ vụ chăm sóc đàn chiên của mình, trong mỗi bước đi. “Tôi ước mong một Giáo hội nghèo và cho người nghèo” - một thông điệp thu hút tôi hoàn toàn. Đặt người nghèo và người bị lãng quên vào trung tâm của sự chú ý, còn gì tuyệt hơn. Đức Phanxicô đang tỏa sáng hình ảnh một mục tử sống gần gũi và chăm sóc đoàn chiên. Những lời giảng dạy của Đức Thánh Cha cũng đã để lại trong tôi những ấn tượng rất sâu sắc về vai trò của người linh mục trong thế giới hôm nay, giúp tôi nhìn lại đời sống và cách hành xử của mình, từ việc chuẩn bị bài giảng, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, không sợ dấn thân...


LƯU DẤU KỶ NIỆM

 

Anh Đaminh Vũ Quốc Tuấn (Giáo xứ Tân Đức, TGP TPHCM): Nhân kỷ niệm 10 năm triều đại Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, tôi cũng nhớ một kỷ niệm đẹp, nhân chuyến tông du của ngài đến đất nước Thái Lan vào năm 2019. Lần đó, một tháng trước khi sự kiện diễn ra, vợ chồng tôi cùng gia đình người bạn thân hào hứng đặt vé, chỗ ở, đồng phục để cùng lên đường mừng đón ngài. Vào ngày đón chính thức, chúng tôi đứng sát hàng rào trong sân vận động, nên may mắn được tận mắt nhìn thấy Đức Giáo Hoàng bằng xương bằng thịt, và được tham dự thánh lễ do ngài làm chủ tế! Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cảm xúc dâng trào khi xe ngài đi qua, cách nơi chúng tôi đứng chỉ khoảng 4 mét. Nụ cười thân thương, gương mặt phúc hậu, cùng cái vẫy tay của ngài lúc đó như xóa nhòa mọi ranh giới về địa lý, ngôn ngữ, đem đến cho người đối diện cảm giác ấm ấp, yêu thương. Tròn 10 năm tại vị, ngài luôn là người cha, người đứng đầu Giáo hội gương mẫu, lành thánh, được người người yêu kính. Mừng 10 năm hồng phúc của ngài, Thượng Hội đồng Kỹ thuật số đã lan truyền sáng kiến mời gọi các tín hữu tham gia cầu nguyện trực tuyến, bằng cách bấm vào đường dẫn (www.decimus-annus.org/site/map), chọn thắp một ngọn nến trên bản đồ, tượng trưng cho kinh Kính Mừng mình sẽ đọc để cầu nguyện cho vị cha chung. Đây thật là phương cách thú vị, tỏa lan lòng kính yêu ngài một cách rộng khắp của cộng đoàn Dân Chúa trên toàn thế giới.

 

 

 

Nhóm Phóng viên CGvDT thực hiện

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm