Thứ Năm, 09 Tháng Sáu, 2022 16:05

Anh Kiều “rác” ở xứ đạo Kiên Lao

 

Với sự tìm tòi, sáng tạo và đặc biệt có nhiều tâm huyết hướng đến việc cải thiện môi trường thông qua việc xử lý rác thải, anh Gioan Baotixita Trần Văn Kiều - người con của xứ đạo Kiên Lao (GP Bùi Chu) đã nhận nhiều bằng khen, giải thưởng về môi trường. Người trong vùng vẫn quen gọi người đàn ông say sưa với chuyện xử lý những bãi rác khổng lồ là “Kiều rác” một cách thân thiện.

 

Sáng chế lò đốt rác công nghệ Losiho của anh Kiều

 

Đến xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, Nam Định rất dễ được người dân địa phương giới thiệu và dẫn đi tham quan “công viên bãi rác”. Sở dĩ có sự lạ lùng này là bởi chính họ vẫn chưa khỏi kinh ngạc xen lẫn tự hào vì có ai nào ngờ bãi rác tồn đọng hàng chục năm trời chẳng ai muốn lại gần, nay lại thành mảng xanh tươi đẹp. Công viên bãi rác được khởi công ngày 11.5.2017, trên diện tích 2 ha, với tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng. Bãi rác nay trở nên công viên cây xanh kết hợp với khu vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao tại thị trấn Xuân Trường. Để có thành quả này, anh Kiều đã bỏ rất nhiều công sức và có những ngày thực sự “bơi” trong những bãi rác lâu năm bốc mùi để nghiên cứu và thử nghiệm. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, cầm tấm bằng kỹ sư, anh Trần Văn Kiều đã chọn trở về quê hương lập nghiệp bằng nghề cơ khí với những sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp. Như một mối duyên khó giải thích cho tường tận, anh kỹ sư trẻ của hơn mười năm trước lại mạnh dạn chọn con đường gắn với xử lý rác.

Hai sáng chế của anh Kiều đã làm thay đổi chính cuộc đời anh và đem lại lợi ích lớn cho môi trường là công trình lò đốt rác thải sinh hoạt bằng công nghệ Losiho và máy ủ rác hữu cơ VINATRAKI xử lý rác thải. Vận dụng nhiều kiến thức và kinh nghiệm phù hợp thực tiễn để giải quyết vấn đề rác thải ùn ứ, anh chế tạo lò xử lý rác thải sinh hoạt vận hành bằng phương pháp Losiho (đốt tự nhiệt phân, tự sinh năng lượng). Ưu điểm của công nghệ này là sau khi lò đã vận hành sẽ không phải dùng nhiên liệu như xăng dầu hay điện để sấy rác, đốt rác. Với thiết kế gồm buồng đốt sơ cấp và buồng đốt thứ cấp, nhiệt độ cao duy trì từ 650 - 1.000 độ C, rác sẽ được đốt triệt để. Bên cạnh đó, khí thải được lọc qua hơi nước nên khi ra môi trường không còn mùi hôi. Với công trình này, anh được Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng giải thưởng Môi trường Việt Nam.

Anh Trần Văn Kiều nhận quà chúc mừng của Thủ tướng Chính phủ năm 2018

Sau sáng chế lò đốt rác, anh Kiều mạnh dạn xin địa phương giao lại bãi rác đã tồn tại hơn 20 năm, gây ô nhiễm môi trường, để xử lý. Nơi bãi rác mọc lên khu xử lý rác rộng 2.500m2, với hệ thống xử lý rác khép kín từ khâu thu gom, phân loại, xử lý và tái chế các loại chất thải sinh hoạt, có công suất 50 tấn rác/ngày. Sau khi phân loại, rác vô cơ sẽ được đem đốt, còn rác hữu cơ sẽ được xử lý thành đất trồng cây. Rác cứ dần dần được đưa vào lò đốt biến thành phân bón, thành những phụ gia… Và thế rồi, những mảng xanh cây cối, thảm cỏ góp phần làm thành một công viên được gọi cách dân dã là “công viên rác”.

Lò đốt rác và xử lý rác đã làm nên kinh nghiệm giúp anh Kiều “rác” tạo dựng một đội ngũ cộng sự và thành lập công ty Tân Thiên Phú, bắt đầu tham gia xử lý những bãi rác đó đây. Công nghệ lò đốt rác cũng ngày một được cải tiến không ngừng. Việc chôn lấp rác hữu cơ thông thường sẽ gây lãng phí và gây ô nhiễm môi trường, do đó hệ thống ủ phân để giảm kích thước rác thải hữu cơ và làm phân trộn cung cấp cho cây trồng sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề. Đây chính là động lực để anh Kiều xây dựng hệ thống ủ rác hữu cơ VINATTP.

Chia sẻ về công việc của mình, anh bày tỏ: “Tôi hy vọng rằng việc bảo vệ môi trường sẽ lan tỏa trong cộng đồng ngày một sâu rộng. Là người tín hữu, tôi càng mong mỏi cộng đồng đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp Laudato Si về “chăm sóc ngôi nhà chung”. Những việc tôi và các cộng sự làm tuy còn rất nhỏ, kết quả còn khiêm tốn nhưng đó là tất cả tấm lòng, đam mê mà chúng tôi muốn gởi gắm vào cuộc sống này”.

Các công trình của “Kiều rác” cũng đã được tin tưởng để có mặt ở nhiều nơi trên khắp ba miền đất nước. Tháng 2.2018, trong chuyến cùng đoàn đại biểu Chính phủ và 63 tỉnh thành về tham quan mô hình xử lý rác thải của Công ty TNHH Tân Thiên Phú, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định, công viên bãi rác là mô hình mới, một điểm sáng, một giải pháp hữu ích để cải thiện và bảo vệ môi trường.

Toàn cảnh công viên từ bãi rác cũ

 

Anh GB. Trần Văn Kiều nhận được nhiều giải thưởng, bằng khen, như Huy chương Vàng “Đổi mới - Sáng tạo” (Bộ Khoa học và Công nghệ), giải “Tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam” (Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung ương Đoàn). Năm 2015, anh Trần Văn Kiều được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Anh cũng là một trong những giáo dân tiêu biểu tại hội nghị Toàn quốc biểu dương người tốt - việc tốt trong đồng bào Công giáo lần thứ IV (giai đoạn 2010 - 2015)…

Sau tất cả những thành công, giải thưởng, với anh Kiều “rác”, quan niệm sống xanh vẫn là kim chỉ nam: “Tôi nhận thức bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe của chính mình, và phục vụ cộng đồng là cơ hội để những người trẻ chúng tôi hoàn thiện bản thân.”. Cách riêng là một tín hữu, anh Kiều ghi nhớ lời của Đức Phanxicô mời gọi: “Ngôi Nhà Chung của chúng ta đang đổ nát, và gây tổn thương đến tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất trong chúng ta”, khi ngài ban hành Thông điệp Laudato Si vào năm 2015.

 

Minh Hải

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm