Thứ Sáu, 18 Tháng Chín, 2020 14:54

Ánh sáng trong màn đêm

 

“Bên cạnh nhà tôi có một phụ nữ tu tại gia nhận mười một em khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn về nuôi dưỡng. Hằng ngày, ngoài việc dạy các em biết cách tự chăm sóc bản thân, học chữ nổi, học đàn, bấm huyệt…, dì còn hướng dẫn các em học đạo. Sau một thời gian ngắn, các em đã thuộc làu các bản kinh và biết cách tự tổ chức, cử hành giờ kinh Mân Côi, chuỗi Lòng Thương Xót, chặng đàng thánh giá… rất sinh động và sốt sắng”, lời giới thiệu của chị Phan Kim, một giáo dân xứ đạo Kẻ Sặt (GP Xuân Lộc) đưa chúng tôi đến với Mái ấm Mai Liên.

 

 

Trong căn nhà ấm cúng, dì Anna Lương Thị Cư sống cùng những người thân chẳng máu mủ, ruột rà bị khiếm thị suốt 3 năm nay. Ða phần các bạn xuất thân từ những gia đình khó khăn ở miền Tây, được các nữ tu, những người có lòng hảo tâm đưa đến với dì để được chăm sóc, dạy dỗ. Chuỗi ngày sống của những người kém may này phủ đầy bóng tối, họ cứ bị va va, đập đập… Nhà khó, phụ huynh phải vất vả mưu sinh, các em như cỏ dại ngoan cường sống, nhưng vẫn mong ước nhận được sự quan tâm, đồng hành, gắn bó của ai đó trong cuộc đời mình.

Từ ngày lên ở cùng dì Cư, các em được dì cầm tay chỉ dạy từ nếp ăn, giấc ngủ đến việc giữ gìn vệ sinh cá nhân. Chúng dần quen với cuộc sống mới và phụ giúp dì chút việc nhà trong khả năng cho phép.

Ðến lúc này, nhiều em đã biết nề nếp sinh hoạt và chỉ mong có công việc làm để có thể nuôi sống bản thân thôi”, dì Cư cho biết. Thế là người phụ nữ 65 tuổi lại loay hoay tìm kế sinh nhai cho đám con cháu trong nhà. Dì Cư dành thời gian đi “học nghề” rồi tìm nguyên liệu để các em làm chuỗi, vật dụng lưu niệm cho đến cả việc lột hành tỏi… để tự thân có được những đồng tiền từ chính đôi tay mình và chi trả cho những nhu cầu của bản thân. Song, do tốc độ làm việc không nhanh, sự cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường… nên các công việc ấy chẳng thể kéo dài. Con cháu buồn, dì âu lo. May nhờ có sự tư vấn của các nữ tu dòng Ðaminh nên dì Cư đã mời người về dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt, và cải tạo một phần ngôi nhà thành nơi làm việc của các bạn.

Các thành viên trong nhà cùng tham gia giờ kinh chung

 

Ðang khi chúng tôi chuyện trò thì có một chị khách đến bấm huyệt. Bạn Mỹ Quyên nhanh chóng chuẩn bị làm việc. Niềm vui ánh lên trên khuôn mặt. “Có khách, có việc là sẽ có tiền để có thể tự lo cho mình”, suy nghĩ ấy thúc đẩy các em cố gắng làm và làm tốt nhất có thể. “Thực ra thì vẫn có những dè dặt không đáng có về nghề mà các em đang làm, nên nhiều người vẫn e ngại. Lượng khách hàng đến cũng không đông. Tôi an ủi các em phó thác mọi chuyện cho Chúa và Ngài sẽ lo liệu. Nhờ ơn Chúa, mọi sự vẫn ổn”, dì Cư tâm sự. Thật vậy, đi qua 3 năm, từ lạ lẫm đến quen thuộc, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng niềm vui an nhiên luôn hiện diện trong tổ ấm này.

Nhận những người khiếm khuyết thể lý về nuôi dưỡng là công việc mà không phải ai cũng có thể làm được. Song, với dì Cư thì đây là việc mà Chúa muốn dì thực hiện, nên dù bỡ ngỡ, khó khăn, dì vẫn can đảm thi hành. Ðó cũng là tâm thế để người phụ nữ này luôn có động lực dấn thân không ngừng qua các công việc như thăm viếng người neo đơn, giúp đỡ người túng quẫn một cách lặng thầm suốt từ những ngày còn xuân xanh. Khát khao được dâng hiến trọn đời theo ơn gọi tu sĩ mà chẳng thể được, nên dì chọn đời sống độc thân, sống theo linh đạo huynh đoàn Giáo dân Ðaminh (dòng Ba Ðaminh).

Ðã bước qua nửa kia đỉnh cuộc đời, dì Cư vẫn nồng cháy những sẻ chia với tha nhân. Mong ước lớn nhất hiện nay của dì là có thêm người chung sức để chăm lo, chỉ bảo cho những mảnh đời đang sống trong màn đêm biết phải đi hướng nào cho đúng, để luôn có luồng ánh sáng trong tâm hồn.

TRỌNG NHÂN

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm