Thứ Năm, 03 Tháng Mười Hai, 2020 15:22

Bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 60 năm thành lập GP Long Xuyên (1960-2020): HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI VỚI SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

 

Là định hướng của Ðức cha Giuse Trần Văn Toản - Giám mục GP Long Xuyên chia sẻ với cộng đoàn Dân Chúa trong thánh lễ bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận, diễn ra ngày 28.11.2020 tại Ðài Ðức Mẹ Tân Hiệp, Kiên Giang.

 

Ðây là dịp giáo phận Long Xuyên nhìn lại chặng đường 60 năm hình thành, củng cố và phát triển như ngày hôm nay. Giáo phận hiện có 9 giáo hạt, trên 200 giáo xứ, giáo họ; hơn 50.000 gia đình với 230.000 giáo dân. Về nhân sự có trên 536 thừa tác viên, 1.541 giáo lý viên, hơn 4.000 huynh trưởng, 119 chủng sinh, gần 400 dự tu, 578 tu sĩ nam nữ của 29 hội dòng và 334 linh mục. Tất cả để phục vụ công cuộc Loan báo Tin Mừng (LBTM) cho 4 triệu người dân chưa biết Chúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Chia sẻ trong phần giảng lễ, vị chủ chăn giáo phận Long Xuyên bày tỏ mong muốn mọi thành phần Dân Chúa cùng hiệp thông đồng trách nhiệm, tiếp tục sứ vụ Loan báo Tin Mừng qua kế hoạch 5 năm cụ thể là: “Năm 2021 cổ vũ để cho toàn thể giáo phận ý thức sứ vụ LBTM là của mọi người không trừ riêng ai. Năm 2022 chú trọng vào việc LBTM thông qua chương trình từ thiện bác ái phục vụ người dân nghèo. Năm 2023 tập trung LBTM thông qua sự dấn thân cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giới trẻ. Năm 2024 tập trung LBTM nhấn mạnh tới sự đối thoại với anh em tôn giáo bạn tại địa phương. Năm 2025 chú trọng LBTM trong lĩnh vực y tế thông qua việc phục vụ cho người bệnh tật, già cả neo đơn không người chăm sóc”. Bên cạnh đó, Ðức cha Giuse cũng chỉ ra ba thách đố tại vùng ÐBSCL là nghèo; môi trường sống ngày càng ô nhiễm, xâm nhập mặn và di dân.

Phòng trưng bày GP Long Xuyên

Trong dịp kỷ niệm này, phòng trưng bày do Ủy ban Nghệ thuật thánh giáo phận Long Xuyên thực hiện đã được khánh thành và đặt tại khu C của Tòa Giám mục.

Phòng trưng bày đặt tượng của hai thánh tử đạo giáo phận là Phêrô Ðoàn Công Quý và Emmanuel Lê Văn Phụng với ý nghĩa: “Hai thánh chính là hạt lúa được sinh ra từ hạt lúa Giêsu. Các ngài đã chấp nhận chết đi để sinh nhiều hạt lúa khác trên cánh đồng quê hương Việt Nam. Chất liệu tạc tượng thánh là đá Núi Sập (An Giang) và xi măng Hà Tiên (Kiên Giang). Bố cục tượng hai thánh có hình ảnh hai vỏ trấu tách ra để trổ sinh mầm sống mới. Cành vạn tuế liên kết giáo sĩ với giáo dân. Cây thánh giá thánh Phụng cầm trên tay nhắc nhớ đến việc giáo dục đức tin cho con cháu. Phần đế là hình ảnh chim Lạc Việt với cánh gồm 9 dải lông tượng trưng cho 9 giáo hạt trong giáo phận sẽ bay cao bay xa, và cũng tượng trưng cho vùng sông nước Cửu Long văn hóa lúa nước. Ðầu chim Lạc Việt cách điệu thành đầu chim Bồ Câu ý xin ơn hòa bình và hiệp nhất”.

Bên cạnh đó, ở đây cũng trưng bày ảnh của bốn Ðức Giáo Hoàng liên quan trực tiếp đến giáo phận là Ðức Giáo Hoàng Gioan 23 thiết lập giáo phận và bổ nhiệm Ðức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ; Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI bổ nhiệm Ðức cha GB Bùi Tuần; Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ðức cha Giuse Trần Xuân Tiếu; Ðức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm Ðức cha Giuse Trần Văn Toản.

Trong nhà trưng bày còn có bốn vòng quay là hình ảnh các nhà thờ theo dòng lịch sử của giáo phận. Chín quyển sách là lược sử của các giáo xứ thuộc 9 giáo hạt. Trần nhà với 5 đèn hộp gồm logo 60 năm thành lập và bốn huy hiệu của bốn Ðức cha. Kính màu ở ba cửa ra vào là hình ảnh Ðức cha cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ, người đặt nền; Ðức cha GB Bùi Tuần, người củng cố; Ðức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, phát triển. Kính màu ba cửa sổ là hình ảnh Ðức cha Giuse Trần Văn Toản đang kế thừa phát huy trong ba sứ vụ ngôn sứ, tư tế và phục vụ.

NHÃ VĂN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm