Tháng 11, Đất Thánh dành cho các linh mục, tu sĩ Chí Hòa thoảng làn khói hương. Trên những ngôi mộ sơn trắng với kiểu dáng phần nhiều giống nhau : giản dị, ngay hàng lối, bày biện những nhành hoa tươi. Khách viếng nghĩa trang không nhiều nhưng theo lời của người quản trang, đây là thời điểm ít đìu hiu hơn cả...
![]() |
Khách viếng nghĩa trang linh mục Chí Hòa những ngày đầu tháng Các đẳng |
Sau chiếc cổng sắt, hình ảnh đầu tiên có thể nhìn thấy là hai bức tượng tạc dáng thiên thần chắp tay mỉm cười chào đón. Người phụ trách văn phòng nghĩa trang linh mục - ông Trần Văn Ánh - mướt mát mồ hôi vì nắng, đang tất bật cùng vài thành viên khác “làm đẹp” cho những ngôi mộ. Dù không tỏ tường hết các linh mục có mộ phần nằm tại nghĩa trang này nhưng theo ghi nhận của ông Ánh, hiện Đất Thánh linh mục Chí Hòa có tất cả 224 ngôi mộ, trong đó 173 là của linh mục và 51 mộ của các sư huynh Lasan. Căn cứ theo phần bia thì những mộ lâu nhất bắt đầu từ những năm 1901 và sau 1985, nơi đây không có thêm phần mộ mới hơn. “Có lẽ vì khoảng cách thời gian đã khá xa và nhiều linh mục khi còn sống mục vụ ở những địa phương khác nên một số mộ phần không còn người thân đến thăm nom. Nghĩa trang này thanh vắng hơn những Đất Thánh khác” - ông Ánh nhận xét. Quan sát một vòng, chúng tôi thấy có khá nhiều điều đặc biệt nơi nghĩa trang linh mục: Ngoài mộ Đức cha Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm ở riêng phía ngoài, còn các mộ khác được chia làm hai kiểu. Phần mộ xây cao hơn là của các linh mục, thấp hơn là của các thầy Lasan. Có cả bia khắc biến cố các thầy từ trần do tai nạn năm 1924, rất ít phần mộ còn lưu di ảnh và tên thánh trên bia được viết bằng tiếng Latinh.
![]() |
Chăm sóc phần mộ người thân |
Nhẹ nhàng đặt bó hoa nhỏ cạnh tấm bia đề tên linh mục Phanciscus x. Phan Đức Ban (1891-1952), vợ chồng ông Phan Anh đốt bó nhang trầm, rì rầm lời kinh nguyện. Họ nhỏ nhẹ trao đổi vài lời có chút so sánh về khu nghĩa trang những năm trước và năm nay. Ông Phan Anh chưa một lần gặp người anh trai của ông nội mình là cha cố Ban bởi ngài mất khi ông mới sinh được ít tháng. Dòng họ anh em vốn không nhiều lại tứ tán tứ phương nên ông coi việc thăm viếng mộ phần người ông này là điều hiển nhiên phải ghi nhớ. Ký ức của ông Phan Anh về người ông linh mục của mình chỉ gói gọn trong lời kể của ông bà nội, của cha mẹ rằng người linh mục của dòng họ ông đã theo ơn gọi từ khi còn rất trẻ và ngài là một linh mục dấn thân của GP Qui Nhơn vào đầu thế kỷ XX. Con cháu ngày nay chỉ biết ngài đang an nghỉ dưới nấm mồ trắng tinh.“Nhà ở ngay quận Tân Bình, không phải xa xôi cách trở gì nên một năm vài lần gia đình tôi đến viếng nghĩa trang. Tôi đơn giản nghĩ tới cha như một người thân, một người đáng trân trọng và nếu bị quên lãng thì thật buồn”, ông Phan Anh tâm sự. Vợ chồng ông cũng thường nhắc nhở con cháu nhớ đến cha qua lời cầu nguyện hay thăm viếng nghĩa trang. Đốt thêm bó nhang trầm, hai người chia nhau thắp cho những ngôi mộ xung quanh và chia sẻ thêm: “Dù mình chẳng quen biết được mấy cha an nghỉ ở đây nhưng xem trên bia mộ thì hiểu nhiều cha mất đã lâu lắm rồi, hương khói nguội lạnh nên cảm thấy thương cho các cụ. Ai cũng biết đời tu sĩ không con cái, nếu giáo dân không nhớ đến thì còn ai nữa”.
Cách đó vài dãy mộ, ông Trần Đức Thành đang cặm cụi với hộp sơn, cây cọ đồ lại hàng chữ khắc tên linh mục joannes Bta Trần Trọng Cung, mất năm 1979. Đưa tay quệt dòng mồ hôi tuôn đổ trên trán, ông Thành kể: “Đây là mộ ông phía bên nội nhà tôi. Tính ra tôi gọi là ông bác. Hồi cha mất, tôi đang ở tuổi mười tám đôi mươi và mình cũng từng ở với cha khi ngài còn ở Nhà hưu ngã 6 nên có nhiều kỷ niệm vẫn còn ghi nhớ. Thời trẻ, cha Cung phục vụ ở xứ đạo Văn Hiệp tận Long An, ngài cũng mất khá lâu nên giờ đây có lẽ không còn nhiều người nhớ và viếng cha”. Nhà ở Đầm Sen, tuổi cũng đã lớn nhưng mỗi năm ông Thành vẫn thu xếp, khi đi cùng với vợ, lúc đi cùng con đến nghĩa trang này để thắp nén hương. Ông cũng bày tỏ nỗi ưu tư về mộ phần của các linh mục:“Cũng có khi tôi tò mò đi dạo xem tên trên bia mộ và nhận ra không ít vị mình có nghe danh một thời, nhưng nhiều lần đến và để ý thực sự thấy nghĩa trang của các cha có phần vắng vẻ. Tu sĩ khi còn sống thì nhiều người biết đến là thế nhưng khi nằm xuống theo năm tháng lại thưa thớt người thăm viếng”.
![]() |
Những hàng mộ sơn trắng giản dị của các linh mục, tu sĩ |
Lời ông Thành gây nhiều suy nghĩ. Nghĩa trang linh mục Chí Hòa là nơi an nghỉ của không ít nhân vật nổi danh một thời nhưng trải thời gian dài, đến nay nhiều cái tên đã trở nên xa lạ. Và không phải ai cũng may mắn còn được nhiều giáo dân nhớ tìm đến vì thực tế nhiều vị mục tử lúc sinh thời phục vụ ở nhiều giáo phận xa đất Sài thành. Do vậy, chút đìu hiu ở những mộ phần nơi đây cũng là điều dễ hiểu. Dẫu biết là như vậy nhưng ít nhiều cũng gợi lên sự xót xa cho người có dịp ghé vào. Chẳng vậy mà cha Antôn Nguyễn Trường Thăng (GP Đà Nẵng) trong một lần đến thăm nghĩa trang đã viết một bài dài tâm sự như rút ruột trên trang cá nhân: “Hóa ra có nhiều vị mình có nghe danh, cũng “oanh liệt” một thời. Trước hết là linh mục Phanxicô Xaviê Lê Vĩnh Khương, cha sở Thị Nghè. Cha Khương đã đem tôi đi chu du khắp nơi bằng trí tưởng tượng trên chiếc máy bay bốn cánh quạt Constellation của hãng Air France và nhiều phương tiện khác qua cuốn sách ‘Từ Việt Nam sang Rôma dự Năm Thánh 1951, dưới triều đại Đức Thánh Cha Piô 12’...”. Và bày tỏ sự tiếc nhớ với cha Đôminicô Trần Đức Huân, GP Bùi Chu: “Theo lời kể của những người quen, ngài đã giúp đỡ bao nhiêu người đi du học và thành đạt, làm vẻ vang giáo phận, vậy mà không còn ai nhớ ơn ngài sao? Buồn!”. Cha Thăng gần như tưởng niệm bằng cách quay về với quá khứ : “Còn thi sĩ linh mục Giuse Vũ Đức Trinh, lúc nhỏ tôi nghe nói ngài học bên Anh, Mỹ gì đó về văn chương, ai cũng nể phục tiếng Anh của ngài vì đã phiên dịch ca dao, tục ngữ Việt Nam ra tiếng Anh và nghe đâu cả Truyện Kiều nữa. Ngài qua đời vì bệnh hernie hay gì đó… Số phận ngài xem ra long đong hơn nàng Kiều nhỉ! Kính chào cha J.B. Trương Cao Khẩn, giáo phận Vinh, xưa kia cha cũng là một đại thụ. Cha Phêrô Trần Công Mục, Hà Nội, cha là linh mục Đà Nẵng, xây dựng Legio Đà Nẵng, cha đã từng gặp gỡ chị Quinn Ái Nhĩ Lan sang thăm Legio Việt Nam, sao mộ cha lại nằm ở đây? Anh Giuse Nguyễn Thế gốc Phát Diệm, cũng có mặt ở đây sao? Em nhớ cùng anh dàn dựng phông cảnh cho các buổi trình diễn văn nghệ tại Giáo Hoàng Học Viện Piô 10, Đà Lạt...”.
Quả tình những đóng góp của các linh mục từ chuyện sách vở như cha Đaminh Trần Đức Huân với những bản dịch và xuất bản bốn Phúc Âm và Tông đồ công vụ năm 1950; Tân ước Đức Giêsu Kitô năm 1963 hay toàn bộ Cựu Ước, Tân Ước năm 1969. Hay như những linh mục đóng góp cho Giáo hội và Xã hội Việt Nam như cha Gioan Kim Nguyễn Bá Luật, Gioan Baotixita Hồ Thành Biên, Tôma Lương Minh Ký... không phải ai cũng tường tận.
Một đời dâng hiến, các vị ra đi rao giảng Tin Mừng, rửa tội cho bao người, chăm lo phần hồn của bao tín hữu từ lúc mới sinh cho đến khi nằm xuống… Đoàn chiên đã từng đông đảo bao nhiêu nhưng nay còn bao nhiêu người nhớ và cố tìm về bên mộ phần các ngài để một lần thắp nén nhang hay dâng một câu kinh nguyện cầu ?
Tháng 11, mộ phần các ngài vẫn lặng lẽ, nép sau những ồn ào của phố thị bên ngoài bức tường. Tiếng chim đâu đó trong nghĩa địa cất lên sao nghe buồn quá chừng !
MINH HẢI
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.