Hơn 34 năm làm linh mục, coi sóc nhiều xứ đạo, họ đạo nghèo, cha Antôn Đoàn Minh Hải đã phụ giúp cho nhiều cảnh đời. Trong nhà xứ luôn có những góc nhỏ chất đầy mì tôm, gạo, mắm để sẵn sàng trao tặng. Tuy nhiên, món quà to lớn và ý nghĩa của vị mục tử này là sự đồng cảm, đồng hành với những giáo dân hiến tặng một phần thân thể khi lìa đời...
![]() |
Linh mục Antôn Đoàn Minh Hải |
Vận động cả làng hiến tặng “ánh sáng”
Chuyện giáo xứ Cồn Thoi (GP. Phát Diệm) có đông giáo dân đi hiến tặng giác mạc đã được biết đến nhiều. Tuy nhiên, hành trình của một linh mục vừa một lúc kiêm nhiệm chăm lo cho nhiều xứ đạo, họ đạo, vừa dấn thân vào một hoạt động bác ái vốn chưa có tiền lệ ở nước ta không phải là chuyện ai cũng tường.
Những ngày cuối năm, tìm đến một vùng quê Bắc bộ gió rét khác hẳn với cái nắng bỏng cháy ở phương Nam, chúng tôi gặp cha Antôn Đoàn Minh Hải tại giáo xứ Hoàng Mai, hạt Ninh Bình, GP Phát Diệm. Nhấp chén trà nóng, soạn lại mớ tài liệu tuyên truyền hiến tặng giác mạc của Viện Mắt TƯ, cha Hải cho biết mấy tháng gần đây, giáo xứ Hoàng Mai mới bắt đầu khởi động chương trình xã hội đặc biệt này. Trước đó, vì quá bận rộn với nhiều công việc khi đảm nhận cả hai xứ Hoàng Mai và Tam Điệp cũng như gần chục giáo họ nên việc này cha tạm xếp lại.
![]() |
Cha Hải trong một buổi phổ biến về chương trình hiến tặng Giác mạc |
Mỉm cười khi vị khách phương Nam hỏi về “chuyện cũ”, cha Hải vui vẻ kể lại ngọn ngành. Vị nguyên chánh xứ kể, Cồn Thoi là một xứ đạo bình yên nép mình bên con đê biển thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Địa danh Cồn Thoi gần chục năm nay được người dân cả nước biết đến bởi 3/4 số người tình nguyện hiến tặng giác mạc đầu tiên ở Việt Nam là người ở đây. Và cụ Nguyễn Thị Hoa, giáo dân xứ Cồn Thoi là người đầu tiên ghi danh vào lịch sử ngành mắt Việt Nam vào tháng 5.2007, khi hiến tặng giác mạc của mình trước khi qua đời. Cụ bà hiền lành này đã khiến không chỉ con cháu trong nhà, người làng mà còn cả cha xứ khi đó là cha Hải ngạc nhiên về di huấn của mình để cứu chữa những người không may gặp cảnh mù lòa. “Trước khi viết đơn tự nguyện hiến giác mạc, cụ Hoa lên gặp tôi trình bày sự việc. Thoạt nghe, tôi không khỏi lúng túng vì chưa gặp trường hợp nào như vậy. Nhưng rồi suy nghĩ cao cả ấy đã khiến tôi suy nghĩ nhiều, tìm hiểu các giáo huấn của Giáo hội và rồi chính tôi lại là người đi khuyên gia đình họ đồng ý để cụ thực hiện ý nguyện” - cha nhớ lại. Sau đó, chính gương mặt và những giọt nước mắt nghẹn ngào của người phụ nữ nhận được giác mạc của cụ Hoa khi lần đầu tiên được thấy lại ánh sáng sau những ngày mịt mù trong bóng đêm dày đặc đã khiến cha thêm quyết tâm dấn mình trong công tác xã hội này.
Tiếp lửa từ cụ Hoa cùng sự nhiệt thành của vị chủ chăn, chỉ sau đó vài tháng, Bệnh viện Mắt TƯ đã tiến hành thu nhận giác mạc của nhiều giáo dân xứ Cồn Thoi. Đây cũng chính là những người đầu tiên ở Việt Nam hiến tặng giác mạc sau khi Luật Hiến tặng mô tạng có hiệu lực từ ngày 1.7.2007. Cồn Thoi có hơn 8.000 dân, trong đó có khoảng 6.000 giáo dân, hiện là nơi có số lượng người hiến giác mạc nhiều nhất nước. Theo cha Hải tính, đến lúc cha chuyển đến xứ mới, toàn xã Cồn Thoi có hơn 400 người đăng ký hiến tặng giác mạc, riêng bà con giáo dân thuộc giáo xứ Cồn Thoi có khoảng 100 người, số lượng này đồng nghĩa với việc đem lại ánh sáng cho chừng đó người khiếm thị. Đến nay, những giáo dân cộng sự của cha ngày nào vẫn giữ tinh thần bác ái tốt đẹp trong việc tìm kiếm thêm nguồn ánh sáng cho người khiếm thị.
“Yêu người như mình ta vậy”
Kết quả có được hôm nay có một phần công của cha Hải với cái tâm sáng và tài vận động, sự nhiệt tình. Tuy nhiên, mọi chuyện không hề xuôi chèo mát mái ở những ngày đầu. Khó khăn khi sát cánh cùng bà con, cha gặp phải không ít. “Từ lâu dân gian quan niệm “dương sao âm vậy” nên với người vùng quê, suy nghĩ này khiến ban đầu giáo dân không dám hiến giác mạc! Để giải tỏa những vướng mắc này, tôi phải trò chuyện thân tình cũng như liên lỉ giải thích” - cha Hải chia sẻ. Khi đã thông suốt, chính những người từng phản đối lại trở thành người tham gia nhiệt tình nhất sau này. Cư dân các thôn xóm sau này hiểu ra giác mạc chỉ là một lớp màng mỏng trong suốt. Việc thu nhận giác mạc chỉ được thực hiện khi người hiến đã qua đời. Quy trình tiến hành rất nhanh, đơn giản, chỉ từ 25 - 30 phút và không làm thay đổi khuôn mặt, mắt của người hiến. Cũng từ tấm gương cụ Hoa, trong nhiều buổi lễ hay qua những lần gặp gỡ giáo dân, nhất là thời điểm thực hiện Bí tích Xức Dầu dọn tâm hồn cho người đau ốm, cha luôn đưa câu chuyện hiến giác mạc vào. Nhiều người ngay trên giường bệnh đã gọi các thành viên gia đình tới để truyền ý nguyện, được hiến giác mạc khi về với Chúa. Những hình ảnh như thế đã làm rung cảm tâm hồn nhiều người.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng bằng khen cho các cá nhân, trong đó có Linh mục Đoàn Minh Hải |
Theo cha chia sẻ, một trong những nguyên nhân khiến việc vận động thành công là bởi người Công giáo không còn bị ám ảnh bởi quan niệm chết phải toàn thây như trước đây. Ngoài ra, các giáo hữu cũng thấm đượm tinh thần của đạo Chúa Kitô “yêu người như mình ta vậy”. Cũng vì lẽ yêu thương mà nhiều người mong muốn ngay cả khi chết rồi vẫn có thể mang lại điều tốt lành cho đồng loại. Bản thân cha cũng không ngần ngại tỏ bày: “Đến khi nào Chúa gọi tôi đi, tôi cũng xin hiến giác mạc của mình để mang lại hạnh phúc cho một ai đó”.
Song song với hoạt động vì ánh sáng của người khiếm thị, cha còn lập ra quỹ bác ái với hơn trăm thành viên ở giáo xứ, trợ giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn cũng như những vùng xa xôi.
Dù ở tuổi 60 nhưng hiện tại, do giáo phận thiếu linh mục nên ngoài Hoàng Mai, cha còn coi sóc thêm giáo xứ Tam Điệp cùng gần chục giáo họ. Trước kia, có thời điểm cha cùng lúc kiêm thêm 5-7 xứ nhỏ và hàng chục họ lẻ trên một địa bàn rộng lớn. Dẫu vậy, vẫn như ngày nào, một mình một xe máy, cha vẫn đi ngược về xuôi, rong ruổi đến với mọi người trong cung cách nhiệt thành, tận tụy, khiêm tốn và tín thác, đúng như châm ngôn sứ vụ linh mục đã chọn: “Tôi tớ vô dụng” (Lc 17,10).
Đưa tay quấn thêm một vòng khăn len dày cộm, liếc đồng hồ, cha cười xòa thông báo đến lúc phải đi vãng gia một nhà ở một họ đạo cách giáo xứ gần 20km.
Chân dung một mục tử dấn thân thân thương quá đỗi!
Minh Minh
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.