Ít ai biết rằng, ở tu viện dòng Thánh Phaolô Thành Chartres tại Sài Gòn có một tầng hầm vững chãi đang được dùng như một bảo tàng lịch sử của nhà dòng. Nơi đây hiện lưu giữ nhiều hình ảnh, kỷ vật gắn bó với quá trình hình thành cơ sở này.
Sau khi đã no mắt chiêm ngắm tòa nhà cổ do cụ Nguyễn Trường Tộ thiết kế xây dựng với tuổi đời trên 150 năm, chúng tôi thật may mắn có dịp tìm hiểu thêm những dấu ấn xưa của nhà dòng nơi nhà bảo tàng nằm ở tầng hầm. Bảo tàng nhỏ nằm ngay dưới nhà nguyện cổ và rất mát mẻ bởi tường đá cổ xưa. Sở dĩ ít người biết đến bảo tàng của tu viện vì thường chỉ những dịp đặc biệt, nhà dòng mới cho mở cửa.
![]() |
Mô hình toàn bộ khối kiến trúc của dòng bao gồm cả tòa nhà cổ do cụ Nguyễn Trường Tộ thiết kế |
Nói mở cánh cửa tầng hầm như mở cửa vào quá khứ trên 150 năm của dòng Thánh Phaolô Thành Chartres hay Sài Gòn xưa cũng không sai, nếu tính từ mốc xây dựng tu viện vào năm 1860. Nơi đây chứa đựng biết bao điều thú vị. Bước vào giữa tầng hầm có thể thấy ngay một sa bàn mô hình toàn cảnh các kiến trúc liên hoàn của tu viện. Sa bàn thể hiện rất chi tiết và đầy đủ toàn bộ các phần của tu viện trước đây. Sự rộng lớn, cách phân bố và xây dựng thực sự gây choáng ngợp. Nhìn chung, cả không gian đầu tiên sau cánh cửa hầm đều dùng để trưng bày, kể chuyện lịch sử dòng tu được thành lập và hoạt động giúp dân nghèo từ thời xa xưa. Ở các gian đều có tranh ảnh, sơ đồ, hiện vật và hình mẫu sắp xếp phong phú. Đặc biệt, bảo tàng có khá nhiều đồ vật thường dùng trong đời sống của thế kỷ trước. Những món đồ này đều là của các nữ tu đem từ nước ngoài về trong thời gian đầu xây dựng dòng trên đất Sài Gòn. Nào là chiếc máy ảnh hình hộp có chân đứng, với giấy xác nhận xuất xưởng năm 1870, và có cả những chiếc đồng hồ để bàn, máy phát thanh, máy ảnh, máy đánh chữ… mang đầy kỷ niệm truyền giáo của dòng. Nhắc đến đồ vật cổ còn phải kể đến chiếc máy giặt xưa như một bộ máy lớn đặt ngay cửa vào, mà theo các nữ tu cao niên xác nhận là đã có từ khi họ mới bước chân vào nhà dòng. Cách vận hành ra sao hiện các sơ cũng không còn nắm rõ.
![]() |
Một phần của bảo tàng là hầm mộ và nhà chờ Phục Sinh của các nữ tu |
Bằng cách xây dựng các mô hình, kết hợp ảnh chụp, bảo tàng thể hiện rất rõ lịch sử hình thành và phát triển từ nhà Mẹ bên Pháp cũng như quá trình đặt nền móng trên đất Việt. Năm 1860, hai nữ tu đặt chân lên đất Việt Nam với nhiệm vụ săn sóc trẻ em mồ côi tại Viện Thánh Nhi ở Sài Gòn. Cột mốc đặc biệt này với tấm ảnh đen trắng ghi rõ ngày 20.5.1860 vẫn được treo nguyên vẹn. Những mái lá, đầm lầy, kênh rạch… cũng như rất nhiều ảnh tư liệu về hành trình xây dựng, phục vụ sống động được các nữ tu áo trắng khéo léo bài trí dọc theo các bức tường, cột đá cổ. Sơ đại diện tu viện cũng thuyết minh thêm cho chúng tôi hiểu về những hình ảnh xưa của tòa kiến trúc cổ. Tất thảy những hình ảnh này đều là những tư liệu lịch sử quý giá. Qua đây, có thể thấy được sự tiếp cận những tiến bộ khoa học của nhà dòng khi đó, cùng công trình tu viện mang kiến trúc phương Tây khá nổi trội giữa một Sài Gòn thời còn nhiều vùng lau sậy...
![]() |
Nhiều tấm ảnh ghi dấu chân truyền giáo và xây dựng hội dòng vẫn được giữ gìn |
Ở một góc khuất gần cuối của tầng hầm là khu vực hầm mộ cũng như nhà chờ Phục Sinh của các nữ tu. Mẹ bề trên Benjamin, người gây dựng nền móng đầu tiên tại Việt Nam, qua đời năm 1884 sau 23 năm phục vụ tại Việt Nam, đã được an táng tại hầm mộ. Mộ của Mẹ Benjamin có vị trí đặc biệt là nằm ở ngay dưới bàn thờ của nhà nguyện ở tầng trên. Cạnh đó còn có mộ một bề trên giám tỉnh người Việt là nữ tu Magarita Nguyễn Thị Hiến, qua đời năm 1996. Khu vực này còn có hàng trăm hũ tro cốt của các nữ tu đã sống ở đây. Tất cả đều được xếp đặt ngay ngắn, giản dị. Sau một đời tu tập, dấn thân, các nữ tu thanh bình yên giấc ở nơi cả đời mình gắn bó. Được biết, hằng ngày, các nữ tu vẫn thường vào lau dọn, đọc kinh để tầng hầm luôn được sạch đẹp…
Bằng ấy chi tiết đã cho thấy bảo tàng tu viện không chỉ đặc biệt bởi là một phần di sản kiến trúc phương Tây cổ điển do một người phương Đông vẽ nên, mà còn là kho báu lưu giữ ký ức dòng tu, và của cả Sài Gòn xưa.
Minh Minh
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.