Ðáp lời mời gọi của Caritas Việt Nam về việc thực hiện chiến dịch Together We - Chúng ta cùng nhau bảo vệ môi trường, Caritas Hà Tĩnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, vừa góp phần bảo vệ môi sinh, vừa đem đến lợi ích cho cộng đồng như trồng cây, đặt thùng rác để thu gom rác thải nông nghiệp, xây nhà vệ sinh tự hoại…
![]() |
Cha G.B Nguyễn Huy Tuấn cùng các thành viên và bà con trồng cây sưa đỏ |
11.000 cây sưa đỏ ở 5 giáo hạt
Trong bối cảnh thiên nhiên đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự khai thác bừa bãi, tình trạng mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên..., Caritas Hà Tĩnh đã khởi động chương trình trồng cây xanh bảo vệ môi trường với thông điệp “Hành động hôm nay vì một ngày mai tươi sáng”. Cụ thể, trong hai ngày 5 và 6.4 đã bàn giao và trồng được 5.000 cây sưa đỏ tại 32 giáo xứ thuộc 3 giáo hạt Trung Nghĩa, Ngàn Sâu và Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh). Trao đổi với chúng tôi, cha G.B Nguyễn Huy Tuấn (Giám đốc Caritas Hà Tĩnh) cho biết, tính từ ngày khởi động đến nay, Caritas đã trồng được tổng cộng gần 11.000 cây sưa đỏ ở 5 giáo hạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gồm Can Lộc, Nghĩa Yên, Ngàn Phố, Ngàn Sâu và Trung Nghĩa. Cây giống được trồng ở nhà thờ và các hộ dân bất kể lương giáo. Với mục đích trồng cây để hỗ trợ sinh thái và góp phần phát triển kinh tế cho người dân một cách lâu dài, nên Caritas cung cấp cây giống miễn phí cho tất cả các hộ dân có đất trồng, chỉ với một điều kiện là làm sao canh tác cho cây phát triển tốt để giúp các gia đình được hưởng lợi về sau (khi cây cho thu hoạch).
![]() |
Thùng rác được đặt gần mương nước để thuận tiện cho bà con gom rác thải sau khi pha thuốc trừ sâu, thuốc cỏ phun cho lúa
|
Cha Tuấn lý giải vì sao chọn trồng cây sưa đỏ: “Ðây là loại cây có tuổi thọ lâu, có khả năng thanh lọc không khí và cho giá trị kinh tế cao khi sử dụng làm đồ nội thất. Ðiểm nổi bật của gỗ sưa đỏ là thân gỗ mịn, có màu bã trầu, mùi thơm như gỗ trầm, vân gỗ bốn mặt chứ không chỉ hai mặt như các loại gỗ khác và khi đưa ra ánh sáng thấy óng ánh 7 màu”. Hiện nay, cây gỗ sưa đỏ khoảng 20 năm tuổi (đường kính trên 20cm) có giá khoảng 20 triệu đồng, cây 50 năm giá khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, sưa đỏ là loại cây xanh dễ trồng, dễ chăm sóc, tuy nhiên do thân hơi mềm nên các hộ dân được Caritas tập huấn phương thức trồng cây bằng cách đóng cọc hỗ trợ, vừa giúp thân cây phát triển thẳng đẹp, vừa có giá trị hơn cây bị cong, vẹo. Vì là nơi thường xuyên bị ảnh hưởng lũ lụt, nên Caritas hướng dẫn các giáo hạt trồng sưa ở những khu vực đất cao để cây phát triển thuận lợi hơn, mặc dù loại cây này vẫn có khả năng chống chọi mưa lũ.
Thùng rác trên những cánh đồng
“Vì môi trường xanh - sạch - đẹp” là thông điệp và cũng là lời mời gọi của Caritas Hà Tĩnh trước hiện trạng chai lọ, bao bì đựng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ bị thải ra môi trường trên cánh đồng lúa theo thói quen của một số người dân. Những loại phế phẩm độc hại này, nếu không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước, không khí và sức khỏe con người. Ðể bảo vệ môi trường trong lãnh vực canh tác nông nghiệp, vào ngày 16.4 vừa qua, Caritas Hà Tĩnh tiếp tục có sáng kiến đặt thùng rác trên những cánh đồng nhằm gây ý thức cho bà con nông dân lương cũng như giáo, trên địa bàn hai giáo hạt Can Lộc và Ngàn Sâu. Theo cha giám đốc Caritas G.B Nguyễn Huy Tuấn, gần 200 thùng rác được làm bằng bê tông (đường kính 70 cm, độ sâu khoảng 70cm-80cm) đã và đang tiếp tục được bố trí trên những cánh đồng của hai giáo hạt trên, ở những vị trí gần mương nước để bà con nông dân thuận tiện gom rác sau khi pha thuốc trừ sâu, thuốc cỏ phun cho lúa.
![]() |
Caritas đặt thùng rác trên những cánh đồng nhằm góp phần bảo vệ môi trường trong canh tác nông nghiệp |
Ðể tạo sự chung tay của cộng đồng, trước khi tiến hành chương trình, Caritas Hà Tĩnh nhờ linh mục chánh xứ thông báo cho bà con giáo dân trong các thánh lễ một vài tuần. Caritas giáo phận cũng chủ động trao đổi với khu xử lý rác thải địa phương và nhận được sự đồng thuận cộng tác. Sau đó, các thành viên Caritas giáo xứ tiến hành khảo sát những vị trí đặt thùng rác phù hợp, và cũng chính họ là những người đi thu gom rác nông nghiệp trong các thùng để tập trung về khu xử lý rác thải của địa phương.
Hiệu ứng tích cực là từ hôm đặt thùng rác đến nay, người dân đã chủ động thu gom rác thải vào thùng. Nhiều người thừa nhận đã từng vứt rác ra môi trường và cho biết họ cảm nhận được sự tiện lợi mà trước giờ đã từng nghĩ đến nhưng chưa làm được. Nay công trình thiết thực này giúp bà con ý thức hơn trong việc chung tay bảo vệ môi trường khi canh tác mùa vụ hằng năm. Theo cha Tuấn, sở dĩ thùng rác được làm bằng bê tông (chi phí 350.000/cái, thuê vận chuyển đến nơi tổng cộng chi phí là 400.000 đồng) là để khi xảy ra lũ lụt cũng không bị nước cuốn trôi. Theo kế hoạch, mỗi năm Caritas sẽ đặt thùng rác bê tông tại 4 giáo hạt, và dự kiến phải mất vài năm để hoàn thành công trình hữu ích này tại 13 giáo hạt trong toàn giáo phận.
Với sự hỗ trợ của Caritas Việt Nam, Caritas Hà Tĩnh còn thực hiện dự án xây dựng 50 nhà vệ sinh tự hoại cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trước hiện trạng còn khoảng trên dưới 30% hộ dân ở Hà Tĩnh và Quảng Bình vẫn duy trì thói quen sử dụng hố xí thô sơ trên nền đất, gây ô nhiễm môi trường mỗi khi lũ lụt, cha G.B Nguyễn Huy Tuấn cho rằng dự án nhà vệ sinh tự hoại do Caritas triển khai là một bước tiến mới, vừa góp phần bảo vệ môi trường, tiến đến chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn, vừa xây dựng ý thức cho cộng đồng, nhất là thúc đẩy những hộ dân có khả năng kinh tế, ưu tiên và chủ động làm nhà vệ sinh tự hoại, nhằm cải thiện môi sinh trong cuộc sống hằng ngày, bằng việc làm cụ thể. |
BÍCH VÂN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.