Mục đích của đời người Kitô hữu là phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, qua đó, bản thân mình được phát triển. Có nhiều con đường dẫn tới mục đích này. Chúng ta không thể đi nhiều con đường cùng một lúc. Người bạn trẻ bước vào tuổi trưởng thành thấy mình đứng trước những lựa chọn. Không phải chỉ là chọn trường, chọn nghề, chọn người yêu, chọn nơi làm việc, nhưng trước hết là chọn bậc sống. Chúa muốn tôi theo bậc hôn nhân hay bậc tu trì? Chúa muốn tôi lập gia đình, sống độc thân hay làm linh mục, tu sĩ? Tôi cần đặt cho mình những câu hỏi như thế, vì đó là điều cần thiết cho hướng đi của đời tôi. Khi chọn đúng bậc sống Chúa mời gọi, tôi sẽ được hạnh phúc, và làm cho nhiều người được hạnh phúc.
Không nên so sánh các bậc sống với nhau. Chỉ nên suy nghĩ xem, với con người thực tế của tôi, bao gồm những khả năng và giới hạn, những khuynh hướng tự nhiên và hoàn cảnh gia đình, Chúa muốn tôi sống bậc nào. Các bậc sống đều tốt, nhưng có bậc sống tốt hơn cho tôi. Bậc sống tốt hơn và phù hợp với tôi hơn sẽ là bậc sống giúp tôi phụng sự Chúa và tha nhân hiệu quả hơn. Chọn bậc sống là chọn con đường, chọn phương tiện. Con đường đúng và phương tiện phù hợp sẽ dễ dàng dẫn tôi đến mục đích của đời tôi.
![]() |
Chọn bậc sống là chọn ơn gọi. Có nhiều ơn gọi trong Giáo hội: ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ, ơn gọi sống thánh hiến giữa đời hay ơn gọi hôn nhân. Ơn gọi nào cũng là một tiếng gọi từ Thiên Chúa, nhưng bản thân tôi phải nghe được tiếng gọi rất riêng tư Chúa dành cho tôi, và quảng đại đáp trả. Ðể nghe được tiếng gọi này, tôi cần trầm lắng và cầu nguyện. Ðể đáp lại tiếng gọi này, tôi cần được tự do thanh thoát, không bị ràng buộc bởi bất cứ thụ tạo nào.
Mỗi năm Giáo hội dành một Chúa nhật để cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Chúng ta cần nhìn nhân loại hôm nay bằng cái nhìn của chính Ðức Giêsu, và để cho trái tim mình rung động như Ngài. “Ðức Giêsu thấy đám đông, Ngài chạnh lòng thương vì họ lầm than, vất vưởng như đàn chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Hôm nay đám đông ấy vẫn còn. Ðám đông khổng lồ dân châu Á chưa đón nhận Tin Mừng; Ðám đông các bạn trẻ ta vẫn gặp ngoài đường phố, trong trường học, nơi sở làm; họ chăm chỉ ngồi suốt ngày ở quán cà phê, chơi game hay tất bật trước hàng núi công việc và dự tính. Ðám đông những người bệnh tật, túng nghèo, neo đơn, những người thất vọng, bị bỏ rơi, bị phản bội, đang cần được ai đó chia sẻ, cảm thông và nói cho họ nghe ý nghĩa của đau khổ họ đang chịu. Ðám đông những người thành tâm thiện chí đang khắc khoải trước những mầu nhiệm của đời người.
Hôm nay đám đông ấy vẫn còn và đông hơn xưa. Ðám đông vẫn là một tiếng gọi, một lời mời cấp bách và thiết tha. Tiếng gọi ấy vang lên trong lòng tôi, đụng đến những ước mơ bình thường của tôi, đụng đến trái tim khép kín của tôi, đụng đến sự an nhàn và tiện nghi của tôi. Tiếng gọi âm thầm của đám đông trở thành tiếng Chúa. Chúa vẫn kêu gọi tôi xuyên qua nỗi khổ của anh em. Tôi có chạnh lòng thương như Ngài không?
Giáo hội cầu nguyện cho ơn gọi làm linh mục, tu sĩ là để đáp lại lời mời gọi của Ðức Giêsu: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37).
Ơn gọi sống đời thánh hiến là một hồng ân Chúa tặng ban cho Giáo hội, để Giáo hội tiếp tục sống và được sống dồi dào. Chúng ta phải cầu xin để cánh đồng thế giới không bao giờ thiếu những thợ gặt lành nghề, tận tâm và tận tụy với công việc mở mang nước Chúa khắp mặt địa cầu.
Bầu khí của thế giới hôm nay có vẻ không thuận lợi cho việc cổ võ ơn gọi làm linh mục, tu sĩ. Thế giới văn minh, với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, cho người ta tiện nghi và dạy người ta hưởng thụ. Mối bận tâm của con người bị đóng khung ở đời này. Tầm nhìn của con người bị giới hạn bởi những nhu cầu trước mắt, lắm khi lại là những nhu cầu giả tạo. Con người sống trong ồn ào, căng thẳng, vội vã, nên không có thời gian lắng đọng, để nghe được tiếng Chúa vang lên từ sâu thẳm lòng mình. Con người sống dư thừa, thoải mái nên ngại hy sinh để sống cho một lý tưởng. Con người mang đầu óc thực dụng nên không thấy được những giá trị tinh thần. Con người xa lạ với niềm tin nên không hiểu được con đường Thập giá. Nhưng thế giới hôm nay, hơn bao giờ hết, lại cần sự có mặt của những người hiến dâng. Qua cuộc sống độc thân khiết tịnh, họ cho thấy một trái tim biết yêu nồng nàn, một thân xác được dành để phục vụ. Qua cuộc sống thanh thoát khỏi vật chất tiền bạc, họ cho thấy một kho tàng lớn lao trên trời, chỉ kho tàng này mới làm họ mãn nguyện. Qua cuộc sống từ bỏ mình trong vâng phục, họ cho thấy mình đã được giải phóng khỏi cái tôi ích kỷ hẹp hòi, không còn bị giam hãm trong những dự định riêng tư, nhưng được tự do sống theo ý Chúa.
Thế giới và Giáo hội đang cần những con người dám yêu như Ðức Giêsu, dám sống như Ðức Giêsu, để Ðức Giêsu không phải là một nhân vật quá khứ, nhưng là Ðấng đang sống, đang hoạt động, đang cúi xuống thế gian đau khổ, để xoa dịu, băng bó vết thương con người. Cần có thật nhiều hình ảnh Giêsu trong thế giới, vì có vô số đám đông đang đói, đói được nghe Tin Mừng, đói cơm bánh và tình thương. Cần có thật nhiều Têrêsa Calcutta cho những người nghèo và người hấp hối. Cần có thật nhiều Têrêsa Hài Ðồng để truyền giáo bằng những lời cầu nguyện và hy sinh bé nhỏ. Cần có thật nhiều đôi tay của các nữ tu để săn sóc trẻ em khuyết tật và người phong. Cần có thật nhiều đôi chân của Phanxicô Xaviê để ra đi loan báo Tin Mừng cho khắp Á châu. Ðồng lúa chín vàng, mênh mông, chờ người gặt hái. Biển cả bao la đang vẫy gọi các bạn trẻ ra khơi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những thanh niên thiếu nữ đang quảng đại bước theo một tiếng gọi từ trên cao. Ước gì hạt giống Chúa đã gieo trong lòng họ được nảy mầm và sinh nhiều hoa trái. Ước gì mỗi gia đình, mỗi giáo xứ trở nên nơi sản sinh và nuôi dưỡng biết bao ơn gọi.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.