Nếu mỗi thành viên trong các gia đình Công giáo có cha hoặc mẹ đỡ đầu ngay từ lúc rửa tội thời bé, thì những tân tòng gia nhập đạo có cha mẹ thiêng liêng khi đã trưởng thành…
Phần đông người lớn theo đạo rơi vào trường hợp sắp kết hôn với một Kitô hữu. Sau khi học giáo lý dự tòng và giáo lý hôn nhân xong, để chuẩn bị cho việc lãnh nhận Bí tích Rửa tội, họ thường được người yêu hoặc cha mẹ của chú rể, cô dâu tương lai tìm cho một vị đỡ đầu, đa số là chỗ thân quen hoặc họ hàng bên gia đình có đạo. Ở các giáo xứ, những người có đời sống đạo chuẩn mực, siêng năng việc nhà Chúa hay được nhờ cậy để làm cha mẹ đỡ đầu cho anh chị em sắp vào đạo.
|
Chị Lê Thị Ngọc, quê Thanh Hóa vào Sài Gòn lập nghiệp, cái duyên đưa đẩy chị gặp và tiến đến hôn nhân với một người ở Madagui - Lâm Đồng. Anh là người Công giáo nên trước khi cưới, chị đi học kinh sách và giáo lý để gia nhập đạo. Lúc đó, chồng tương lai đã tìm cho chị một “bà vú”, là người cùng giáo xứ. Với tính tình xởi lởi và nhanh nhẹn việc đạo - đời nên bà từng được nhiều người tin tưởng gởi gắm. “Bà cũng đã lớn tuổi nên tôi gọi là má luôn sau khi trở thành con đỡ đầu. Thường Tết và mỗi lần có dịp về quê chồng, tôi đều ghé qua nhà má thăm hỏi, gởi quà biếu. Má cũng quan tâm hỏi han, giúp đỡ tôi khi cần, cùng vui buồn với sự thăng trầm của con thiêng liêng”, chị Ngọc kể.
Vẫn giữ mối liên hệ tốt với các con đỡ đầu nên tết năm nào, bà Nguyễn Thị Sa (giáo xứ Cao Xá, GP Phú Cường) cũng được mấy gia đình con thiêng liêng đến chúc tuổi bên cạnh nhiều cháu chắt trong họ tộc. Đó là những người con đã được bà nhận đỡ từ nhiều năm trước, thậm chí con cái của họ giờ đã đến tuổi dựng vợ gả chồng. Tết vừa rồi bước vào tuổi 88, sức khỏe suy yếu, bà không còn ngồi được ở phòng khách để tiếp chuyện con cháu nhưng trong nhà vẫn luôn tấp nập.
Khác với những người có mẹ thiêng liêng lớn tuổi, cha mẹ đỡ đầu của chị Hải Lam (giáo xứ An Nhơn, TGP TPHCM) chỉ hơn chị vài tuổi. Vốn là người yêu mến đạo từ hồi còn là sinh viên nên chị tự nguyện xin gia nhập chứ không phải theo đạo để lấy chồng như nhiều tân tòng khác. Dù tuổi tác chênh nhau không bao nhiêu nhưng chị Lam vẫn có sự kính trọng nhất định đối với người đỡ đầu và hai bên vẫn giữ mối liên hệ thân tình, chia sẻ được nhiều điều dù hiện không sống gần nhau. “Anh chị ấy đã đi Mỹ nhưng mỗi lần có dịp về Việt Nam là vẫn dành thời gian cho gia đình tôi. Chúng tôi vẫn trò chuyện với nhau về đời sống thiêng liêng. Còn nhớ trước đây, khi mình đã vào đạo được một thời gian, chị ấy còn giới thiệu cho tôi một vị linh mục để đến học lớp giáo lý nâng cao...”, chị Lam vui vẻ khi được hỏi về cha mẹ thiêng liêng.
![]() |
Để mở mang Nước Chúa, không thể thiếu vai trò của người cha, người mẹ thiêng liêng - ảnh: Hữu Lộc |
Nhắc đến cơ duyên trở thành người đỡ đầu cho cô cháu dâu trước đây vốn ngoài đạo, bà Trần Thị Luyện (giáo xứ Tân Thành, TGP TPHCM) thật thà: “Tôi chỉ có duy nhất một con thiêng liêng, đó cũng là vợ của cháu trai gọi mình là dì. Thú thực, trước đây đã có người này người kia nhờ mình đỡ đầu song tôi không nhận lời vì không muốn vướng bận trách nhiệm gì. Còn cháu trai này vốn sống cùng mình nhiều năm nay, khi quen bạn gái, cháu hay dắt về nhà chơi nên tôi cũng đã xem như thân thuộc. Rồi hai đứa tiến tới hôn nhân, lúc cô gái đã hoàn tất khóa giáo lý và chuẩn bị rửa tội thì anh chị tôi “nhờ dì Út làm mẹ đỡ đầu” và mình không có lý do gì để từ chối…”. Là người trong nhà nên khi trở thành mẹ - con thiêng liêng, mối quan hệ giữa hai người vẫn như trước đây chứ không có gì khác biệt. Có điều bây giờ, cô cháu dâu của bà Luyện đã là tín hữu nên ngoài những sẻ chia trong cuộc sống thường nhật, bà còn quan tâm đến chuyện đạo nghĩa. Tuy nhiên, theo “bà vú” này thì mình cũng chỉ tác động được một phần nào đó thôi, còn phần lớn lại tùy thuộc vào người bạn đời của “con”.
Bên cạnh nhiều mối quan hệ thân thiết vẫn được duy trì qua tháng năm giữa cha mẹ và con thiêng liêng, không thiếu những người chỉ xem chuyện được đỡ đầu hoặc trở thành bà vú, ông bõ như một việc cần để hoàn tất thủ tục gia nhập đạo cho một người ngoại giáo muốn kết hôn theo nghi thức Công giáo. Là một nhà giáo hưu trí từng có con thiêng liêng từ cách đây nhiều năm, ông Phạm Văn Thế trầm ngâm: “Hồi ấy, tôi được giới thiệu để đỡ đầu cho một anh ngoại giáo lấy vợ trong xứ mình. Ban đầu tôi lưỡng lự chưa quyết định nhưng họ cứ năn nỉ nhờ giúp nên cuối cùng mình đã nhận lời. Thời điểm sắp rửa tội, mình cũng cùng ‘con thiêng liêng’ chuẩn bị tinh thần và phối hợp để hoàn tất nghi thức. Tuy nhiên sau này chúng tôi ít qua lại, gặp nhau thì cũng chỉ chào hỏi như những người quen biết khác”.
Có một thực tế mà các ông bố bà mẹ đỡ đầu cũng “lực bất tòng tâm” là một số ít tân tòng sau khi lấy vợ, lấy chồng xong thì “thôi nhà thờ”. Ngay cả người bạn đời kế cạnh hằng ngày cũng không thể thay đổi được họ, còn cha mẹ thiêng liêng thì thỉnh thoảng gặp, có hỏi han tới, cũng chỉ nhận được những cái… cười trừ, như trường hợp của chị Hương Thu (giáo xứ Đông Quang, TGP TPHCM) kể: “Tôi cũng đỡ đầu cho người em dâu họ, nói chung khi gặp nhau thì vẫn vui vẻ nhưng có những Chúa nhật, hỏi em đã đi lễ chưa, cô ấy chỉ cười lảng qua chuyện khác, mình chỉ dám nhắc khéo vậy thôi chứ phàn nàn thì lại sợ mất lòng”.
*
Chuyện đỡ đầu cho người lớn có nhiều cung bậc, vui buồn là thế. Song là người Công giáo, dường như ai cũng thấy vui khi đón một tín hữu mới vào đạo. Dù trong cuộc sống muôn màu, vẫn có những chấm đen hay điều chưa thực sự như ý trong các mối quan hệ đỡ đầu, song Giáo hội vẫn khuyến khích các Kitô hữu dấn thân trong sứ mạng trở thành những cha mẹ thiêng liêng. Để mở mang Nước Chúa, không thể thiếu vai trò của họ. Ở một góc nhìn nhân văn nhà đạo, việc đỡ đầu đem lại những ích lợi tinh thần cho chính bản thân mỗi giáo dân, như chia sẻ của linh mục Gioan Phêrô Võ Tá Khánh, Trưởng ban Mục vụ Văn hóa và Giáo dục giáo phận Qui Nhơn: “Chính khi quan tâm lo cho phần rỗi của con đỡ đầu, ta quan tâm hơn đến phần rỗi chính mình. Những câu hỏi thắc mắc do họ nêu ra sẽ kích thích ta phải tìm hiểu và học hỏi thêm về giáo lý, Tin Mừng. Việc đỡ đầu cũng giúp mở rộng vòng thân ái cho gia đình và thêm nhiều gương sáng cho con cái trong nhà. Nhận đỡ đầu, ta sẽ phải dành một ít thời giờ và lắm khi cũng phải hy sinh đôi chút vật chất nhưng Thiên Chúa sẽ bù đắp gấp bội”.
PHAN NHI
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.