Thứ Tư, 10 Tháng Giêng, 2018 14:22

CHÚA NHẬT lễ hiển linh - NĂM B Mt 2, 1-12

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ phụ trách

1. Bài Phúc Âm này có thể chia làm mấy phần? Các phần này diễn ra ở đâu?

2. Bạn biết gì về con người của vua Hêrôđê? Vua này sợ điều gì nhất?

3. Bạn biết gì về các nhà chiêm tinh (xưa thường gọi là Ba Vua) ? Họ đại diện cho ai? Sự xuất hiện của một ngôi sao mới có ý nghĩa gì đối với họ?

4. Mục đích của các nhà chiêm tinh khi lên đường là gì? Có mấy động từ bái lạy trong đoạn Phúc Âm này? Ðọc Mt 4,9-10; 14,33; 28,9.17. Ðâu là ý nghĩa của cử chỉ bái lạy?

5. Ðọc sách ngôn sứ Mikha 5,2 và 2 Samuen 5,2. Cho thấy Mt 2,6 là sự kết hợp của hai đoạn sách Cựu Ước nói trên.

6. Ðọc Mt 2,11. Tại sao ở đây không thấy nói đến thánh Giuse?

7. Trong bài Phúc Âm này, Ðức Giêsu được gọi bằng những tước hiệu gì?

8. Qua việc kể lại chuyện của các nhà chiêm tinh đến bái lạy Chúa, thánh Mátthêu muốn nói cho chúng ta sứ điệp quan trọng gì? Ðọc Mt 12,21; 28,19-20.

Gợi ý suy niệm:

Ngày xưa các nhà chiêm tinh ở Ðông phương nhận ra vị Vua mới nhờ ánh sao dẫn đường. Ngày nay, những người chưa biết Chúa nhờ điều gì mà nhận biết Ðức Giêsu? Ðời tôi có thể trở thành một ánh sao cho những người đang tìm kiếm không?

Trả lời mục “học hỏi phúc âm” 

1. Bài Phúc Âm này có thể được coi gồm 2 phần chính. Phần 1, gồm các câu 1-6, cho thấy các đạo sĩ từ xứ mình lên đường đến Giêrusalem. Phần 2, gồm các câu 7-11, cho thấy các đạo sĩ trên đường từ Giêrusalem đi Bêlem. Câu 12 cho thấy họ trở về xứ mình.

2. Vua Hêrôđê Cả trong bài Phúc Âm này là không phải là người Do Thái, được Rôma đưa lên làm vua từ năm 37 trước Công nguyên. Lúc cuối đời, vua này sợ mất ngai vàng nên đã giết nhiều người, trong đó có cả người vợ Do Thái và các con trai của ông. Như thế chuyện ông giết các anh hài ở Bêlem là hiểu được.

3. Các nhà chiêm tinh có khi được gọi là các đạo sĩ hay Ba Vua. Họ đại diện cho những người trí thức, gốc dân ngoại, ở Ðông phương. Họ có khả năng nhìn các ngôi sao và đọc ra ý nghĩa của chúng. Qua sự xuất hiện của một vì sao mới, họ tin là một vị đại vương mới chào đời.

4. Họ lên đường đi Giêrusalem để bái lạy vị vua mới sinh của người Do-thái (c. 2). Ðộng từ bái lạy được dùng ở các câu 2, 8, 11. Bái lạy là cử chỉ hết sức tôn kính, có khi đồng nghĩa với thờ phượng như ở Mt 4,10.

5. Mátthêu 2,6 gồm Mikha 5,1 (đã được sửa đổi): “Phần ngươi hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen” và 2 Samuen 5,2: “… Chính ngươi sẽ chăn dắt Ítraen dân Ta…” 

6. Thánh Mátthêu không nói đến thánh Giuse ở Mt 2,11 có thể vì ngài muốn nhấn mạnh đến việc Hài Nhi được sinh ra bởi Mẹ đồng trinh do quyền năng Thánh Thần (Mt 1,18-25). Lối nói “Hài Nhi và Mẹ Người” còn được nhắc ở Mt 2, 13.14. 20.21.

7. Trong bài Phúc Âm này Hài Nhi Giêsu được gọi là “Ðức Vua dân Do Thái” (c.2), “Ðấng Kitô” (c. 4), “vị lãnh tụ chăn dắt dân Ítraen” (c. 6).

8. Qua bài Phúc Âm này, thánh Mátthêu cho thấy Thiên Chúa muốn lôi kéo “muôn dân” đến nhận biết Con của Ngài. Các nhà chiêm tinh, đại diện dân ngoại, đã đến thờ lạy và dâng lễ vật lên vị Vua của mọi dân tộc.

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm