Thứ Bảy, 25 Tháng Hai, 2023 10:19

Chung tay tiêu thụ cam Vĩnh Long

 

Trong lúc cam được mùa mà lại mất giá, đầu ra gặp khó, nhiều tấm lòng thơm thảo chung tay “giải cứu” cam khu vực huyện Tam Bình, Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long). Linh mục, tu sĩ, giáo dân ở nhiều nơi đã và đang cùng góp sức.

 

Cha Tôma Nguyễn Văn Phong (chánh xứ Long Định 1) chia sẻ với bà con chút quà giải khát mùa nắng nóng


Ấm thêm tình người

10 giờ đêm, chiếc xe tải chở cam về đến nhà thờ giáo xứ Long Định 1 (giáo phận Mỹ Tho). Cha chánh xứ, cha phó, các nữ tu Mến Thánh Giá (MTG) Mỹ Tho, MTG Chợ Quán và giáo dân lập tức bắt tay vào việc. Hơn 3 tấn cam nhanh chóng được chuyển từ xe tải vào sân nhà xứ và chia thành từng bịch lớn. Việc hoàn thành vào giữa khuya để kịp trao đến bà con vào sớm hôm sau. “Mệt nhưng ai cũng vui, vì nghĩ rằng mình cũng chia sẻ với bà con nông dân trồng cam gặp khó khăn được chút nào những vất vả của họ”, cha chánh xứ Tôma Nguyễn Văn Phong tâm tình. 

Cha Tôma cho biết, trong hai ngày 12 và 14.2, giáo xứ mua hơn 6 tấn cam từ bà con nhà vườn ở Tam Bình, Vĩnh Long với giá 6.000 đồng/kg. Từ nhà vườn đến nhà thờ khoảng gần 100km, mỗi chuyến xe vận chuyển hết khoảng 1,4 triệu đồng. Giáo xứ dùng tất cả số cam mua được  để chia sẻ với bà con khó khăn, kém may và cả những người mưu sinh trên đường phố, mỗi người 10kg và một bịch đường cát trắng. Đối với những gia đình, người cao niên, đau ốm không thể đến nhà thờ, cha xứ cùng bà con giáo dân chuyển cam trao đến từng nhà. Nhờ có cha Phêrô Nguyễn Ngọc Long, giáo xứ Mỹ Lợi giới thiệu, và qua tìm hiểu, cha Tôma Nguyễn Văn Phong được biết có những gia đình vay tiền ngân hàng, “vay nóng”, thuê đất trồng cam, đầu tư các loại…, nhưng đến khi cam chín rộ, không mấy người đến mua. Có gia đình lâm cảnh nợ nần, túng quẫn...

Thương người trồng đang trong cảnh cam rớt giá - loại trái lớn 3.000đ - 4.000 đồng/kg, loại nhỏ 2.000 đồng/kg, không đủ chi phí tiền công hái trái -, nên các cha nâng giá lên 6.000 đồng/kg, với suy nghĩ: “Mua cao hơn một chút để giúp cho bà con thêm một chút”. Theo cha Phong: “Tiêu thụ cam vừa giúp nhà vườn bán được hàng, mà bà con trong xứ cũng có cam để dùng, góp phần nâng cao sức khỏe đang trong lúc thời tiết nắng nóng. Chúng tôi cùng nhau chia sẻ với bà con và cầu nguyện cho họ, dẫu biết rằng mình làm cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng hy vọng góp phần chia sẻ, an ủi, động viên, làm ấm thêm tình người, giúp họ thêm động lực vượt qua cơn bĩ cực”.

Cam được đưa về đến nhà thờ


Người cứu hộ nhà vườn

Tìm đến “cầu nối” của việc giải cứu loại trái chuyên canh vùng Tam Bình, Vũng Liêm, chúng tôi có dịp gặp gỡ cha Phêrô Nguyễn Ngọc Long, chánh xứ giáo xứ Mỹ Lợi (giáo phận Mỹ Tho), mới biết ngài là người “giải cứu” nông sản của bà con nông dân để cứu trợ đồng bào TPHCM và các nơi trong lúc dịch Covid-19 hoành hành. “Tiếng lành đồn xa”, nên khi việc tiêu thụ cam gặp khó, nhà nông liền cầu cứu ngài. Thân chinh đến thăm nhà vườn, cha Long không khỏi xót xa trước cảnh cam chín rụng đầy, bà con đứng ngồi không yên, nợ nần đến hạn phải trả, có người phải “vay nóng” để hồi nợ cho kịp thời. Những cửa hàng bán vật tư nông nghiệp nơi đây cũng lâm vào thế cụt vốn, bởi chưa thể thu hồi nợ do nhà vườn đang lúc khổ sở.

Thương nhà nông một nắng hai sương, cha Phêrô liên hệ lại với những nơi ngài đã giúp trong việc cứu trợ hàng 0 đồng và được các linh mục quản nhiệm giáo xứ, cộng đoàn dòng tu, mạnh thường quân, doanh nghiệp ở TPHCM, Tiền Giang, Bình Dương… nhận lời hỗ trợ đầu ra. Tính đến nay, hơn 1.000 tấn cam đã được tiêu thụ, giúp bà con vơi bớt nỗi nhọc nhằn, lo lắng. Vui mừng, một chủ vườn sánh ví “cha Long như người cứu hộ nhà vườn” và ngỏ ý chân tình: “Cha bán giúp nhiều rồi, nay xin tặng cha 1 tấn cam”, nhưng ngài đâu nỡ nhận. Dùng nguồn hiện kim xây nhà thờ giáo xứ để ứng tiền mua cam (6.000 đồng/kg), cộng thêm phí vận chuyển và bán ra với giá 10.000 đồng/kg, nguồn thu được đủ để trang trải “chi phí đầu tư”. Một số người khuyên cha nên bán giá cao hơn, nhưng vị linh mục 46 tuổi chỉ cười hiền thay cho câu trả lời. Theo ngài, số lượng cam cần bán quá nhiều, nên sẽ vẫn duy trì giá cũ để có thể tiêu thụ được nhiều hơn, hạn chế tình trạng cam chín rụng do không bán kịp.

Việc hỗ trợ đầu ra cho các vườn cam lúc này là hết sức cần kíp. Một trong những cánh tay nối dài cho công việc thiện nguyện này là giáo xứ Phú Hạnh (TGP TPHCM). Xe cam 10 tấn về đến giáo xứ vào tối thứ Bảy, giáo dân tất bật chia thành từng bịch 5kg. Chỉ trong buổi sáng và chiều Chúa nhật, 2.000 bịch cam đã được phân phối hết. Nhiều người đặt mua 30kg, 50kg, nhưng đành chờ lần sau. Nhanh tay ủng hộ 30kg, chị Lê Minh Phương (ngụ đường Hồng Lạc, phường 10, quận Tân Bình) vừa chở về đến nhà là dùng ngay và chia sẻ với cộng đồng mạng xã hội về chất lượng của những trái cam tươi, ngon ngọt. Người phụ nữ là chủ tiệm kinh doanh bao bì mời gọi mọi người thương giúp mua cam: “Thành phố đang nắng nóng nên uống nước cam tốt cho sức khỏe nha các bạn. Và tuyệt vời hơn là chúng ta cùng chia sẻ để giúp nhà vườn vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thật ấm lòng lắm”.

Được biết, khi có dịch Covid-19, cha Phêrô Nguyễn Ngọc Long dùng tiền xây nhà thờ giải cứu nông sản để hỗ trợ bà con vùng dịch với tâm tình: “Giúp người lúc cần kíp là việc cần ưu tiên, Nhà Chúa từ từ xây cũng được”. Nay ngôi thánh đường giáo xứ sắp hoàn thành, ngài tiếp tục dùng nguồn dự trù để hỗ trợ đầu ra cho những vườn cam đang rộ mùa thu hoạch. Trong bối cảnh còn rất nhiều nơi cầu cứu, ước mong phương cách “buôn bán không lời” do cha Phêrô Nguyễn Ngọc Long khởi xướng sẽ tiếp tục được lan tỏa, chung tay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh có hơn 17.000ha trồng cam sành, tập trung tại các huyện Trà Ôn (gần 10.000ha), Tam Bình (hơn 3.300ha), Vũng Liêm (hơn 2.800ha) và rải rác tại một số huyện khác. Mùa cam năm nay, nông dân thất thu vì giá thấp, khoảng 3.000đ - 5.000đ/kg, giảm từ 12.000đ-13.000đ/kg so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá vốn đã khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg. Một trong những nguyên nhân là do diện tích trồng cam tự phát tăng cao, người trồng cam neo giá chờ qua Tết… Nhằm hỗ trợ nhà vườn, một số địa phương đề nghị các cơ sở tăng cường thu mua cam giúp bà con vượt qua khó khăn.

 

 

Bích Vân

 

 

 

 
Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm