Chuỗi Mân Côi Phụ Nữ (CMCPN) toàn cầu sẽ được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 8.12.2022 với mục đích tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria trong ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Ban tổ chức cho biết sáng kiến này nhằm mục đích công khai liên kết các phụ nữ để bảo vệ các nhà thờ (thường bị phá hoại bởi những người ủng hộ phá thai ở Mỹ Latinh), sự sống, tình mẫu tử, gia đình và thể hiện là những người con noi gương Đức Trinh Nữ. Một mục đích khác của nỗ lực này là bày tỏ khát vọng hòa bình mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban cho và xác tín mọi người đều bình đẳng về phẩm giá.
Một buổi đọc kinh Mân Côi tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao |
Những người tham gia CMCPN tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện để thay đổi thế giới, và đặc biệt là sức mạnh của kinh Mân Côi, điều mà Đức Mẹ đã tha thiết yêu cầu cho cuộc chiến thiêng liêng chống lại sự ác trên thế giới.
Ban tổ chức đang kêu gọi phụ nữ từ khắp nơi trên trái đất tham gia nỗ lực này để lần hạt Mân Côi ở nơi công cộng.
Nhiều phụ nữ từ hơn 25 quốc gia gồm Achentina, Úc, Bôlivia, Brasil, Canada, Chile, Colombia, Costa Rica, Ecuador, El Salvador, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập, Guatemala, Honduras, Ý, Mêhicô, Nicaragua, Panama, Paraguay, Peru, Puerto Rico, Cộng hòa Dominica, Uganda, Uruguay, Venezuela... đã xác nhận tham gia sự kiện.
Việc lần hạt nơi công cộng là điều quen thuộc và thường xuyên với các tín hữu Việt Nam. Tại các gia đình, đền đài trong khu xóm, các cộng đoàn, trong các giờ kinh, cầu nguyện, viếng nhà chầu Thánh Thể, hành hương, sinh hoạt hội đoàn đoàn thể, lời kinh Mân Côi không ngớt vang vọng. Ngoài ra, trong những thời khắc bối rối, lo âu, hoảng loạn hoặc trong tâm tình cầu khấn…, nhiều tín hữu luôn hướng tâm hồn về Mẹ với kinh Mân Côi.
Mặt khác, Kitô hữu Việt Nam, đặc biệt là giới nữ có lẽ đồng cảm và hiệp thông với CMCPN về các khía cạnh sự sống (trong đó có tình trạng phá thai), tình mẫu tử và gia đình…
Trong nhiều năm qua, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai thuộc loại hàng đầu thế giới.Trong bối cảnh một đất nước đang phát triển, đang tiến hành công nghiệp hóa hiện đại hóa... cũng gặp không ít thách đố liên quan đến kinh tế, luân lý đạo đức, ý thức xã hội…, làm lung lay nền tảng gia đình truyền thống. Kitô hữu Việt Nam cũng đang đối diện với thực trạng này như mọi tầng lớp đồng bào trong xã hội.
May thay, một trong những niềm an ủi, niềm tin của các bổn đạo vẫn là kinh Mân Côi và thói quen nhờ Mẹ chuyển cầu lên Chúa ban sức mạnh siêu nhiên để chiến đấu và vượt qua những cơn khủng hoảng.
Có thể nói, chẳng tín hữu Việt Nam nào không nằm lòng bài thánh ca về Fatima - trong đó có lời mời gọi “hãy năng lần hạt Mân Côi”.
HOÀNG ANH
Bình luận