Tuy hiện tại đã là mục tử của một đàn chiên, nhưng trong tâm trí của nhiều linh mục, những kỷ niệm về chặng đường được người đỡ đầu dìu dắt vẫn còn hiện lên hết sức sống động. Với không ít cha, đó còn như ký ức thân thương, làm điểm tựa và nâng đỡ các ngài trong sứ vụ mục tử.
![]() |
Ngày thụ phong linh mục của cha Trung và sự hiện diện của người "bọ đỡ đầu" |
Từ lòng biết ơn…
Trước khi lãnh nhận tác vụ linh mục, bất kỳ vị chủ chăn nào cũng trải qua từng giai đoạn từ thời thơ ấu, thiếu niên cho đến lúc trưởng thành. Suốt những đoạn đời đó, bên cạnh ba mẹ, ông bà trong gia đình luôn đồng hành sát sao, còn có sự hiện diện của những người đỡ đầu bí tích. Như người cha thứ hai, họ luôn bằng cách riêng hướng dẫn cho con cái mình từ trong đời sống bình thường đến đời sống đức tin. Khi tiếp xúc với một vài linh mục, lắng nghe các ngài chia sẻ chuyện về người đỡ đầu, chúng tôi được biết, có rất nhiều trường hợp, chính vị đỡ đầu là người đã dẫn lối cho các cha nhận ra ơn gọi. Như linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Quang Tuyến - chánh xứ Nam Thái (TGP TPHCM) thì cha đỡ đầu Thêm sức, người mà cha Tuyến quen gọi bằng “bác” chính là người gần gũi và để lại rất nhiều ấn tượng cho ngài. “Kỷ niệm ghi sâu trong tâm khảm của tôi về bác là vào năm 1977, lúc đó ông dẫn tôi đi đến nhà thờ Đức Bà Sài Gòn để dự lễ tấn phong Giám mục của Đức cha Louis Phạm Văn Nẫm. Đây là lần đầu tiên tôi được đến nơi này và tham dự nghi lễ long trọng. Mặc dù với cậu bé 8 tuổi như tôi lúc ấy, chuyến đi này chủ yếu đem lại trải nghiệm vui; nhưng mãi đến sau này khi nghĩ lại, tôi cảm nhận đó là một khám phá đầu tiên và mới mẻ về Giáo hội trong tính phổ quát hơn - Một Giáo hội của Chúa Kitô mà tôi muốn dấn thân phục vụ”, cha nhớ lại.
Không phải là người khai mở ơn gọi, nhưng “bọ đỡ đầu” của linh mục Giuse Maria Hồ Sĩ Hiếu Trung - chánh xứ Linh Thủy (TGP Huế) lại đóng vai trò rất đặc biệt và luôn chăm lo cho cha từ nhỏ đến tận bây giờ. Theo dòng hồi tưởng, vị linh mục xứ Huế xúc động: “Dù mồ côi cha từ thuở nhỏ nhưng bù lại tôi có bọ (người miền Nam gọi là bõ - NV) chăm sóc, lo liệu về phần thiêng liêng, khuyên dạy tôi học hành giáo lý ngay từ thời niên thiếu. Đến khi trưởng thành thì bọ lại đồng hành cùng với tôi không ngơi nghỉ, suốt từ lúc tôi bước vào đời tu cho tới nay. Đáng nhớ nhất là ngày tôi lãnh nhận Bí tích Thêm sức vào rạng sáng 28.6.1992. Thời đó, bọ phải đi rừng để sinh sống, mặc dù đã biết trước nhưng đường đi, phương tiện còn khó khăn lắm. Ngày trở về, vừa kịp đỡ đầu trong nghi thức Thêm sức cho tôi nhưng bọ chẳng kịp “trau chuốt” gì cả, còn nguyên bộ dạng tóc tai bù xù, vì ở trong núi mới về sau hơn hai tháng lam lũ. Những năm sau này, khi cuộc sống ổn định hơn, hằng năm vào ngày lễ mừng bổn mạng, bọ còn mời đông đủ các anh em thiêng liêng cùng quy tụ với gia đình các con cháu của bọ để mừng lễ, kết nối tình thân, khích lệ và anh em nhắc nhở nhau về bổn phận trong đời sống hằng ngày…”. Lúc cha Trung lãnh nhận hồng ân linh mục, cũng chính cha đỡ đầu của ngài là người dâng chén thánh trong nghi lễ truyền chức và đại diện gia đình cảm ơn quan khách, tổ chức tiếp tân, tiệc mừng lễ tạ ơn. Nhìn lại hành trình của mình, vị mục tử này nói ngài vô cùng biết ơn bọ đỡ đầu bởi trong từng giai đoạn, ngài dường như luôn cảm ngiệm được sự ấm áp, sức mạnh tinh thần được ông truyền cho. Từ ngày cha nhận Bí tích Rửa tội, Thêm sức, ngày lãnh nhận tu phục, tác vụ đọc sách, giúp lễ, chịu chức phó tế, đến khi làm linh mục, rồi đến lễ nhậm chức quản xứ hay các dịp lễ mừng, các sinh hoạt mục vụ liên hệ…, mỗi bước chân đi đó đều chưa từng đơn độc mà luôn có bọ bên cạnh.
|
Tấm gương người bố đỡ đầu đã qua đời giúp cha Sỹ vững vàng hơn trong đời tu và tích cực ở từng công việc phục vụ |
…Ðến đáp trả
Trong mối tương quan giữa các linh mục với người đỡ đầu, cũng có một số trường hợp, vì hoàn cảnh mà cả hai bên ít có cơ hội liên hệ với nhau. Dù vậy, người chủ chăn vẫn đau đáu hướng về người cha thiêng liêng, với tâm tình tri ân chân thành. Linh mục Đaminh Vũ Đình Thái - chánh xứ Nhân Hòa (TGP TPHCM) chia sẻ, ngài di cư vào Nam ngay từ nhỏ nên mất mối dây liên kết với cha đỡ đầu của mình. “Thời đó, công nghệ chưa phát triển như bây giờ nên muốn liên lạc không phải chuyện dễ. Mãi đến khi tôi bước vào tu học, trong một dịp tình cờ đã gặp lại cha đỡ đầu. Lúc đó, bầu khí mừng tủi lẫn lộn, ông cụ bấy giờ tuổi đã cao lắm rồi. Sau lần gặp đó về được một thời gian thì ông mất”, cha ngậm ngùi. Dù ở xa nhau nhưng mối dây gắn bó giữa cha Thái và người đỡ đầu vẫn không hề phai nhạt, bởi ngài luôn tự mình nhắc nhớ về ông cụ, cùng với những phẩm chất, tính cách được người lớn kể lại. Hằng ngày, cũng như trong các dịp đặc biệt, cha đều dâng lễ và cầu nguyện cho cha đỡ đầu của mình. Còn linh mục Phaolô Lê Ngọc Toàn - phó xứ Lương Hòa Hạ (giáo phận Mỹ Tho) thì vẫn giữ cho mình thói quen thăm viếng người cha đỡ đầu mỗi dịp về quê nhà. Ngài cho biết: “Mình một cảnh hai ba quê nên cũng không thể nào tới với bõ thường xuyên được. Nhưng trong năm, có dịp về nhà thì lúc nào cũng tranh thủ qua, hỏi thăm, rồi ngồi chơi, nói chuyện với bõ”.
Cũng ít có những kỷ niệm cùng người đỡ đầu, nhưng ở trường hợp của linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Văn Sỹ - chánh xứ Tầm Ngân (giáo phận Nha Trang), lý do lại là vì cha đỡ đầu của ngài mất quá sớm. “Lúc nhận tôi, ông cụ đã ngoài 60 rồi, cho đến lúc ông qua đời thì thời gian bên cạnh tôi cũng chưa được bao lâu, mà khi đó tôi lại còn quá nhỏ để có thể nhớ”, cha giãi bày. Tuy rằng không được kề cận với vị đỡ đầu nhưng các linh mục vẫn nhận được “hướng đi” qua tấm gương của các cụ. Riêng cha Sỹ, đời sống đạo đức của cha đỡ đầu, qua lời nhắc của đấng sinh thành, đã để lại nhiều suy nghĩ trong cha và làm nền tảng cho ngài trong đời tu cũng như từng công việc phục vụ.
*
Mang theo lòng trân trọng, yêu kính cha thiêng liêng của mình, các linh mục đã góp phần gợi lại mối thân tình giữa những người đỡ đầu và con cái họ. Câu chuyện của các vị cũng đã mang lại nhiều bài học, để mỗi tín hữu cùng soi rọi lại mình, trong mối tương quan với người cha, người mẹ thiêng liêng.
Thiên Lý
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.